Nam Cường
Thứ năm, ngày 25/08/2022 11:21 AM (GMT+7)
UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đang tạm dừng công việc nạo vét bồi lấp kênh dẫn vào trạm bơm Cù Bàn (xã Duy Châu) vì người dân viết đơn tố cáo có sự lợi dụng, núp bóng dự án để tận thu khoáng sản.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, đơn vị chủ đầu tư dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn vào Trạm bơm Cù Bàn, xã Duy Châu xác nhận huyện đang phải tạm dừng công trình này để xử lý một số việc liên quan đến đơn thư phản ánh cũng như người dân ngăn chặn thi công dự án.
Công trình làm cho dân, nhưng bị dân... phản đối?
Bà Huỳnh Thị Phương (tổ 5 thôn Bàn Nam), người có 4 sào ruộng ngô ngay sát công trình nạo vét kênh Cù Bàn khi thấy chúng tôi mục sở thị công trình, vội bỏ dở công việc để trình bày quan điểm phản đối nạo vét trong thời điểm này.
"Họ làm quá rộng, chỉ một đoạn kênh nhỏ để dẫn nước tưới tiêu cho mấy ha lúa, hoa màu mà họ nạo vét cả một phạm vi lớn" - bà Phương nói.
Theo bà Phương, bà cùng nhiều hộ dân đang canh tác hoa màu cùng những gia đình đang có nhà sát bên sông sẽ bị ảnh hưởng do sạt lở nếu công trình thi công trên diện rộng.
"Người dân ở đây hoang mang vì liệu có phải họ lợi dụng công trình nạo vét để khai thác, tận thu lượng lớn khoáng sản hay không. Chúng tôi chứng kiến được khi nạo vét, họ cho cát lên ghe chở đi với số lượng lớn" - bà Phương nói
Đơn thư của người dân gửi đến báo Dân Việt, hàng chục dân cùng ký đơn, thể hiện sự bức xúc vì hàng loạt ghe thuyền, tàu khai thác cát rầm rộ dưới lòng sông Thu Bồn nhưng dân không được giám sát, không hề hay biết.
"Dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) có nhiệm vụ cấp nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng người dân chúng tôi sống tại đây không hề hay biết.
Mọi vấn đề chưa được thông qua để người dân chúng tôi biết để có ý kiến đối với dự án này. Nếu Dự án nạo vét bồi lấp kênh dẫn trạm bơm Cù Bàn với nhiệm vụ chính là cấp nước để phục vụ sản xuất nông nghiệp thì người dân chúng tôi đồng tình ủng hộ việc làm này.
Đằng này đưa số lượng lớn ghe thuyền và máy hút công suất lớn để hút cát gây ra sự bức xúc đối với người dân chúng tôi, vì người dân chúng tôi không hề hay biết, vì chưa họp nhân dân để lấy ý kiến của người dân chúng tôi.
Mặt khác hiện đã cuối mùa vụ sản xuất nông nghiệp và chuẩn bị sắp bước vào mùa mưu lũ thì việc khơi thông dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn có khả thi hay không?
Người dân chúng tôi đang nghi ngờ không biết thực sự vấn đề tại dự án này với mục đích là nạo vét để dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn phục vụ cho sản xuất nông nghiệp hay là việc lợi dụng dự án này để tổ chức khai thác cát?" - trích đơn thư của dân gửi các cơ quan báo chí.
Việc nạo vét một con kênh chỉ rộng 6m nhưng phạm vi thực hiện lên tới hàng trăm mét mặt cắt chiều ngang cũng khiến người dân lo ngại tình trạng sạt lở.
"Trước đây làng xa ra ngoài kia, nhưng vì sạt lở mà đi hết. Ai có tiền thì mua nhà đi hết. Lở mà ăn chưa kịp dọn đã lở hết nhà xuống sông. Hai con sông Vu Gia với Thu Bồn mùa mưa chảy về khiếp lắm" - ông Hồ Đờn (thôn Bàn Nam) cho biết.
Kênh 6m, vì sao nạo vét hàng trăm mét rộng?
Người dân sống xung quanh dự án bất bình không phải vô lý, bởi đoạn kênh dài gần 300m, rộng chỉ 6m, phục vụ nước dẫn vào trạm bơm Cù Bàn đang hoạt động bình thường, nhưng dự án được thực hiện trên diện rộng tới 3ha, mặt cắt mở rộng hai bên lên tới 60m (tức mỗi bên 30m).
Theo tìm hiểu của Dân Việt, để thực hiện dự án này, UBND huyện Duy Xuyên cho Công ty An Long sử dụng hàng tá máy móc như: 3 máy múc 1,8m³; 2 máy ủi 110cv; 3 máy hút cát công suất 150m³; 15 ô tô tải trọng 10 tấn; 1 ô tô tưới nước; 10 phương tiện thủy nội địa…
Tại Bản xác nhận số 508/XN-STNMT của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Nam, tổng trữ lượng khai thác cát sỏi trong quá trình thi công dự án là hơn 66.000m3, trong đó cát xây dựng là hơn 50.000m³, sỏi là hơn 2.000m³, cát san lấp là hơn 13.000m³.
Công suất khai thác là hơn 6.000m³/tháng. Với quy trình nạo vét như sau, đơn vị thi công dùng máy móc san gạt đi những lớp mùn cây trên bề mặt của những vị trí cát bồi lộ thiên, khối lượng này thường rất ít và phải được tập kết không làm ảnh hưởng đến việc nạo vét sau này và không ảnh hưởng đến đất canh tác người dân.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên phủ nhận việc phản ánh của người dân về việc nghi ngờ có sự lợi dụng dự án, núp bóng nạo vét để khai thác khoáng sản.
"Xã Duy Châu xét tình hình thực tế nhu cầu tưới tiêu cho hơn 90 ha lúa và hoa màu nên có tờ trình nạo vét cho trạm bơm Cù Bàn, huyện đề nghị lên tỉnh và được chấp thuận. Trước khi làm có khảo sát kỹ lưỡng, từ các Sở ngành như Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Xây dựng, Chi cục thủy lợi... rồi mới tiến hành" - ông Đức nói.
Giải thích vì sau một đoạn kênh dài chưa đầy 300m, rộng 6m nhưng phạm vi nạo vét lại lên tới 3 héc ta với mặt cắt diện rộng 60m, ông Đức cho biết: "Không chỉ là 60m đâu mà đoạn cửa kênh, nối từ sông Thu Bồn phải rộng hàng trăm mét vì kênh này nối vuông góc với sông Thu Bồn chứ không phải song song. Làm rộng như thế là để tính toán cho tương lai, chúng tôi làm vì 5 hoặc 10 năm sau chứ đâu phải một hai mùa".
Trước thắc mắc hằng năm, sau mỗi mùa mưa lũ, việc nạo vét mà không làm kè cho bờ bênh thì bồi lấp là khó tránh khỏi, ông Đức cho hay, sang năm, nếu bồi lấp thì lại tiếp tục nghiên cứu để... nạo vét tiếp(?)
Tại Công văn 1704/UBND-KTN do Chủ tịch Lê Trí Thanh ký thể hiện, việc nạo vét đất, cát bồi lấp các trạm bơm phục vụ cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt thì UBND cấp huyện, các sở ngành phải kiểm tra thật kỹ, đảm bảo đúng thực tế, không để lợi dụng việc khai thác cát, sỏi lòng sông không đúng quy định pháp luật.
Rõ ràng, nạo vét kênh mương để phục vụ tưới tiêu lúa, hoa màu cho người dân là chủ trương đúng đắn, nhưng một dự án phục vụ cho dân mà lại bị chính người dân phản đối thì chính quyền huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cần xem xét, kiểm tra tính hiệu quả của dự án.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.