Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
"Hình hài" đô thị đang dần hình thành
Trở lại xã Điện Phương trong những ngày này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự "thay da đổi thịt" của địa phương này. Những con đường nhựa, bê tông thẳng tắp xen giữa các khu dân cư hiện hữu, những ngôi nhà mới cao tầng mọc lên san sát..., tất cả như minh chứng cho một sức sống mới của Điện Phương hôm nay.
Ông Dương Phú Toàn – Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho biết, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, năm 2016 Điện Phương đã hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đây được xem là "mốc son" quan trọng giúp địa phương chuyển mình tiến lên đô thị.
Chương trình NTM đã giúp cho Điện Phương hoàn thiện hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân. Sau khi về đích xã NTM, địa phương không những duy trì thành quả xã NTM mà còn quyết tâm xây dựng xã Điện Phương trở thành phường nội thị của thị xã Điện Bàn.
Theo ông Toàn, Điện Phương xác định xây dựng cơ sở hạ tầng làm "đòn bẩy" phát triển toàn diện kinh tế - xã hội. Vì vậy, những năm qua công tác quy hoạch, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng được địa phương triển khai thực hiện quyết liệt và có hiệu quả.
Hiện nay, thị xã Điện Bàn đã phê duyệt và địa phương đã triển khai thi công nâng cấp giai đoạn 2 tuyến đường DH2 từ Nhà thờ Tộc Đỗ (thôn Triêm Trung 1) đến Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Phương để hoàn thiện tuyến đường huyết mạch của xã, giao thông đi lại thuận lợi, kết nối từ tuyến quốc lộ 1A qua trung tâm hành chính xã đến khu vực Lai Nghi được thông suốt.
Khu trung tâm hành chính của xã cũng đã được phê duyệt phương án đầu tư giai đoạn 2022-2025, tạo ra một vùng đô thị mới ở phía Đông Bắc của xã. Bên cạnh đó, xã cũng đang khuyến khích kêu gọi đầu tư khu dân cư ven tuyến đường làng nghề đến làng gốm Thanh Hà, để tạo vệt giao thông thuận lợi từ Hội An đến xã Điện Phương.
Xã cũng đã khảo sát cùng với Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn triển khai đầu tư Khu dân cư đô thị Triêm Đông 2, với diện tích 9,8ha bao gồm các hạng mục như khu nhà ở thương mại, nhà ở liền kề, nhà ở vườn, khu công trình thương mại dịch vụ (chợ), khu cây xanh thể dục thể thao, khu xử lý rác thải.
Cùng với đó, các dự án cơ sở hạ tầng khác cũng sẽ được đầu tư xây dựng như: Khu dân cư chợ truyền thống Đông Khương Cầu Mống, với hình thức chỉnh trang cụm làng nghề Đông Khương, kè chống xói lở…
Các công trình, dự án trên đã và đang triển khai xây dựng, sau khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ tạo nên một không gian đô thị mới.
Đến nay, các công trình điện – đường – trường - trạm, nhà văn hóa, thủy lợi... của xã đã được đầu tư khang trang. Đây là cơ sở thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển. Từ đó, đã giúp bộ mặt nông thôn Điện Phương thay đổi toàn diện, đường làng, ngõ xóm sáng - xanh – sạch – đẹp, cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại.
"Cơ sở hạ tầng tại Điện Phương được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhất là giao thông, đã tạo kết nối giữa các vùng thuận lợi, nhờ đó nhịp sống nông thôn ngày càng sôi động, con em học tập trong các ngôi trường mới khang trang, thu nhập người dân được nâng cao, đời sống người dân ngày một sung túc. Đặc biệt, địa phương đang chờ quyết định của cấp trên công nhận trở thành phường nội thị của thị xã Điện Bàn, người dân ở đây vui và phấn khởi lắm….", ông Toàn nói.
Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ
Ông Toàn cho biết, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, Điện Phương luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế, để nâng cao thu nhập cho người dân, địa phương đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế, lấy lĩnh vực thương mại - dịch vụ, công nghiệp làm trọng tâm. Nhờ vậy, kinh tế địa phương thời gian qua đã có những bứt phá.
Tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của Điện Phương năm 2021 ước đạt 360,355 tỷ đồng. Trong đó, giá trị sản xuất ngành thương mại và dịch vụ ước đạt 133,113 tỷ đồng; công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt 158,581 tỷ đồng; nông nghiệp ước đạt 68,662 tỷ đồng.
Điện Phương đang tập trung phát triển thương mại - dịch vụ - du lịch, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị. Năm 2022, tình hình dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, thích ứng an toàn trong tình hình mới nên hoạt động thương mại - dịch vụ thời gian qua có bước tăng trưởng, sôi động trở lại.
Toàn xã có hơn 730 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ các cơ sở này hoạt động cơ bản ổn định sau dịch Covid-19 và giải quyết được một lượng lớn lao động theo hướng phi nông nghiệp, đem lại thu nhập cao cho người dân.
Thường xuyên khuyến khích, vận động nhân dân mở rộng ngành nghề kinh doanh, loại hình dịch vụ như vật liệu xây dựng, vận tải, hàng tạp hóa, ăn uống, giải khát và các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Điện Phương là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, có lợi thế nằm trên con đường kết nối hai di sản văn hóa thế giới Hội An – Mỹ Sơn, được bao bọc bởi con sông Thu Bồn từ Hội An qua Triêm Tây lên Đông Khương. Nhiều làng quê, bãi bồi cùng những con đường làng rợp bóng tre còn lưu giữ những giá trị văn hóa thuần Việt yên bình, đây là điều kiện để Điện Phương phát triển du lịch cộng đồng.
Những năm trở lại đây Điện Phương trở thành điểm đến thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm du lịch cộng đồng tiêu biểu như: Khu du lịch sinh thái nhà vườn Triêm Tây, làng nghề đúc đồng Phước Kiều.
Phát triển du lịch cộng đồng gắn kết mật thiết với việc hình thành các sản phẩm đặc sản nông nghiệp, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng của địa phương, nhất là các sản phẩm lưu niệm tinh xảo từ làng nghề, ngành nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều, đất nung nghệ thuật Lê Đức Hạ, chiếu chẻ Triêm Tây, bê thui Cầu Mống, làng bánh tráng – mỳ quảng Phú Triêm…
Trên lĩnh vực công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định, toàn xã có 345 cơ sở hoạt động trong lĩnh vực này, chủ yếu là ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, địa phương chú trọng phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con vật nuôi và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, nhờ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trên lĩnh vực nông nghiệp.
Việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng, đến nay thu nhập bình quân đầu người của Điện Phương ước đạt hơn 47,98 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo giảm còn 0,73% (27 hộ) năm 2021.
Ông Đặng Hữu Tú – Bí thư Đảng ủy xã Điện Phương cho biết: Những kết quả mà Điện Phương đạt được hôm nay là thành quả từ những nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã nhà qua các thời kỳ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và sẽ quyết tâm xây dựng quê hương Điện Phương ngày càng giàu đẹp, trước mắt là hoàn thành các tiêu chí để địa phương tiến lên phường trong thời gian tới...
"Điện Phương đang tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng tạo khung đô thị. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp khai thác và phát huy thế mạnh của địa phương để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề bức xúc xã hội. Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh…", ông Tú cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.