Lộc rừng bay từ trên trời rơi xuống ở đại ngàn tỉnh Quảng Ngãi là thứ gì mà bán rõ đắt?
Quảng Ngãi: "Lộc rừng" bay từ trên trời rơi xuống thực ra là thứ hạt gì mà dân rủ nhau đi săn lùng?
Thứ sáu, ngày 30/07/2021 05:22 AM (GMT+7)
Cứ khoảng 7 năm một lần, những cánh rừng ươi nơi đại ngàn Trường Sơn Đông, địa phận giáp ranh giữa tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum vào vụ trĩu quả. Đây cũng là thời điểm người dân các xã vùng cao vào vụ săn lộc rừng.
Khoảng 4 giờ sáng, anh Đinh Văn Sắc (40 tuổi) ở thôn Bờ Reo, xã Sơn Thượng (Sơn Hà) cùng các thành viên trong gia đình, vác ba lô, mang theo cơm mắm, tiến về phía những cánh rừng nguyên sinh, giáp ranh giữa địa phận Quảng Ngãi - Kon Tum để “săn” ươi.
Giá ươi đang “sốt”, dao động từ 170 - 220 nghìn đồng/kg, nhiều người truyền tai nhau đấy là lộc của rừng và rủ nhau vào rừng sâu thu lượm ươi.
Tờ mờ sáng, khi sương còn giăng kín khắp núi rừng, dọc tuyến đường từ hai huyện Sơn Hà, Sơn Tây lên tỉnh Kon Tum, nhiều người vai mang nặng hành lý với hành trình tìm kiếm ươi bay.
Theo anh Sắc, nhóm của anh có 5 người, lên xã Ngọc Tem, huyện Kong Plong (Kon Tum) để "săn" ươi. Người trong nhà âm thầm đi chứ không rủ người ngoài.
Lượng ươi chín có hạn, nếu đi nhặt đông quá thì “lộc rừng” sẽ chẳng được nhiều. Ở Quảng Ngãi, cây ươi chỉ còn lại lác đác trong rừng sâu, nên nhiều người mới sang Kon Tum để săn ươi.
Theo người dân ở vùng cao, mùa ươi thường bắt đầu từ giữa tháng 6 đến đầu tháng 8. Khoảng chục năm trước, các cánh rừng nguyên sinh ở Sơn Kỳ (Sơn Hà), Sơn Lập (Sơn Tây), cây ươi trải dài tít tắp, nhưng vì hám lợi, nhiều người đã chuyển từ nhặt ươi sang chặt cây ươi để dễ hái quả. Rừng ươi bởi thế thưa dần, người dân cũng mất đi nguồn sinh kế.
Vào mùa ươi chín, đứng trên đường Trường Sơn Đông, nhìn về phía những cánh rừng nguyên sinh sẽ dễ dàng nhìn thấy những vạt ươi chín đỏ. Giữa cánh rừng xanh thẳm, màu ươi chín đỏ như có sức hút, khoảng nửa tháng nay, dọc các cửa đi vào rừng ở xã Sơn Lập hay ở thôn Măng Krí, xã Ngọc Tem, có hàng nghìn người dân rủ nhau vào rừng nhặt ươi.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây Trương Quang Học cho hay: Ươi được giá, nhiều người đổ xô đi tìm ươi. Tình hình an ninh trật tự cũng bắt đầu phức tạp. Chúng tôi phải tăng cường thêm 3 kiểm lâm viên xuống Sơn Lập, phối hợp với xã để bảo vệ rừng ươi.
Chốt chặn ở nhiều địa điểm vào cửa rừng, hễ thấy ai mang theo dụng cụ cưa xẻ là ngăn chặn ngay, đồng thời anh em cũng vào tận rừng sâu để tuần tra, đến giờ chưa phát hiện trường hợp nào đốn hạ rừng ươi như những năm trước.
Theo kinh nghiệm của người dân, cây ươi phải trên 20 năm mới cho quả và có chu kỳ 4 hoặc 7 năm mới cho trái rộ. Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại cho biết: Ươi ở tỉnh ta mọc phân tán trong rừng sâu, xen lẫn với cây rừng khác, nên ngành chức năng không thể thống kê diện tích ươi hiện tại là bao nhiêu, song có thể nhận thấy, trong những năm qua, số lượng cây ươi trên địa bàn tỉnh ta đã giảm, vì trước đây người dân đã đốn hạ cả cây để thu quả.
Cây ươi bay (tên khoa học Sterclia lyhnophora) là loại cây rừng phân bố rải rác ở vùng rừng Trung Trung Bộ, Tây Nguyên. Trái ươi có hai cánh ở đầu hạt, nhờ vậy khi trái chín tự rụng rơi chầm chậm tựa như bay. Trái ươi vừa là dược liệu, vừa là món ăn bổ, sạch. Trái ươi khô ngâm nước ấm chừng 15 phút, để thịt trái nở bung ra, sau đó gỡ bỏ lớp vỏ ngoài và hột ở giữa rồi trộn đường vào phần thịt trái rồi ăn.
Mồ hôi giữa rừng
Để vào khu vực rừng phòng hộ ở khu vực giáp ranh giữa Quảng Ngãi - Kon Tum thuộc địa phận thôn Măng Krí, xã Ngọc Tem, nơi có ươi khá nhiều, chúng tôi mất khoảng 30 phút cuốc bộ.
Rừng ươi không xa làng, nhưng thật đáng mừng khi tận mắt thấy những cây ươi cao vút vẫn nguyên vẹn. Lớn lên ở thôn Măng Krí, anh Văn Phúc (46 tuổi) bảo, cả làng đang rủ nhau lên núi "săn" ươi.
Người dân khai thác bằng cách leo lên cây rung cho quả rớt xuống hoặc đợi gió thổi cho quả ươi bay rụng xuống đất, chứ tuyệt nhiên không dám đốn hạ ươi.
Cứ thế, việc khai thác ươi đã trở thành quy định bất thành văn, đi vào nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây, ai cũng bảo giữ rừng ươi là giữ vốn quý của làng.
Cơn sốt ươi bay, kéo theo hàng nghìn người dân, thương lái ở Quảng Ngãi rủ nhau lên Sơn Tây, sang tỉnh Kon Tum để nhặt, mua bán ươi. Nhiều lời đồn thổi trúng đậm ươi bay, tạo nên "cơn sốt" ươi.
Để nhặt được quả ươi từ rừng sâu mang về bán quả là một hành trình đầy gian nan. Người săn ươi phải lội bộ khắp các cánh rừng, tìm kiếm lối đi trong cây lá chằng chịt, "đổ mồ hôi, sôi nước mắt" để góp nhặt từng trái ươi khô bay nhẹ tênh.
Phụ nữ thu nhặt ươi bay rớt xuống đất, còn cánh đàn ông khỏe mạnh dùng dây quấn chặt vào nhau, tạo thành những chiếc thang, ghim vào những cây ươi có độ cao từ 30 - 50m, rồi leo lên để rung cho quả ươi rơi xuống.
Nhiều người bảo, biết là nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, săn ươi để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Qua mỗi mùa ươi, không ít người bị té ngã từ trên cây cao, phải trả một cái giá đắt cho cả cuộc đời.
Vợ chồng anh Đinh Văn Lập ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long (Sơn Tây), tìm kiếm giữa rừng sâu từ sáng sớm đến đầu giờ chiều mới nhặt được hơn 1kg ươi. Anh Lập thở dài: "Đi rũ chân, mới kiếm được ươi bay, nhưng vì cuộc sống nên chấp nhận".
Ngay ở cửa rừng, các thương lái đã chờ sẵn, đợi người nhặt ươi mang ra là mua ngay. Trung bình mỗi ngày, một người thu nhặt ươi kiếm được khoảng 200 nghìn đồng.
Lội bộ vào rừng nhặt từng quả ươi, khổ cực là vậy, nhưng những người thu nhặt ươi, lẫn thương lái ở Quảng Ngãi lên xã Ngọc Tem “săn” ươi không tài nào đưa được ươi ra khỏi xã. Bởi lẽ, người có nhiệm vụ chốt chặn ở tuyến đường Đông Trường Sơn sẽ dừng tất cả các xe vận chuyển ươi ra khỏi địa bàn để kiểm tra, buộc người dân, thương lái Quảng Ngãi phải bán ươi cho thương lái đã được chỉ định ở Ngọc Tem với giá rẻ hơn 40 nghìn đồng/kg so với giá ở Quảng Ngãi.
Quy luật ngược đời vì “lợi ích nhóm” này khiến người nhặt ươi bị đuối lý. Chị Trúc, một người buôn bán ở xã Ngọc Tem, cho biết: Đây là mùa ươi đạt năng suất nhất trong vòng 7 năm qua.
Nhiều người nhẩm tính có khoảng trên dưới trăm tấn ươi sẽ được khai thác, với tổng doanh thu hàng chục tỷ đồng.
Mỗi ký ươi được thu mua ở Ngọc Tem giá chỉ khoảng 170 nghìn đồng, nhưng khi đưa qua địa phận Sơn Lập cách vài kílômét thì được thương lái mua với giá lên đến 210 nghìn đồng/kg. Ai được “chỉ định” quyền thu mua ươi ở Ngọc Tem, thu được một nguồn lợi lớn, nhưng tội cho người dân khai thác, chỉ được bán trong nội bộ xã Ngọc Tem với giá rẻ so với thị trường.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nguyễn Đại, ươi là cây rừng tự nhiên. Lâm sản ngoài gỗ thì không ai cấm khai thác. Đối với diện tích rừng đã giao khoáng cho người dân mà có cây ươi, thì hộ giao khoáng được hưởng lợi từ việc khai thác theo cách bền vững như thu nhặt, rung cho ươi rụng, chứ không được đốn hạ cây, nhằm tạo sinh kế lâu bền cho chủ rừng cũng như gắn với trách nhiệm của họ.
Tuy nhiên, vì khó kiểm soát nên người dân khác cũng có thể thu nhặt được. Nơi nào ươi được giá thì người dân có quyền vận chuyển đến đó để bán. Riêng kiểm lâm Quảng Ngãi không cấm cản người dân vận chuyển mua bán ươi. Tỉnh Quảng Ngãi cũng chưa đưa ươi bay vào danh mục thu thuế tài nguyên, tạo điều kiện cho người dân mua bán theo quy luật thị trường, thuận mua vừa bán.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.