Một bảo tàng lạ mắt ở Nghệ An, vô nhà thấy la liệt cổ vật, hiện vật cổ của dân tộc Thái

Thắng Tình Thứ hai, ngày 04/12/2023 13:30 PM (GMT+7)
Ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Phúc ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An trở thành một bảo tàng đặc biệt nơi lưu giữ, trưng bày gần 1.000 cổ vật, vật dụng của người Thái cổ. Bảo tàng đặc biệt là tâm huyết cả đời của ông Phúc.
Bình luận 0

Bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc

Ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Phúc (77 tuổi, thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) ngày nay đã trở thành điểm đến quen thuộc của những đoàn khách muốn tìm hiểu văn hóa dân tộc Thái. 

Ngôi nhà có diện tích hơn 300m2 như một bảo tàng đặc biệt được ông Phúc trưng bày kín các hiện vật, cổ vật từ tầng trệt đến tầng 2. Tổng cộng cơ gần 1.000 cổ vật, vật dụng gắn liền với đồng bào dân tộc Thái được ông Phúc trưng bày trong ngôi nhà sàn của mình.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 1.

Ngôi nhà sàn của ông Vi Văn Phúc ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An nơi ông Phúc trưng bày gần 1.000 hiện vật, cổ vật về người Thái. Ảnh: N.T

Ông Vi Văn Phúc chia sẻ, thời gian trôi qua, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của người Thái dần mai một. Nhiều vật dụng từng gắn liền với đời sống của người Thái dần bị lãng quên. Với mong muốn níu giữ lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình, ông bắt đầu hành trình đi sưu tầm để lưu giữ hiện vật, cổ vật của người Thái.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 2.

Trong ngôi nhà sàn với diện tích hơn 300m2, ông Vi Văn Phúc đã sưu tầm, trưng bày gần 1.000 hiện vật của người Thái. Ảnh: N.T

Ông Vi Văn Phúc chỉ mong rằng, khi lớp trẻ đến tham quan các vật dụng gắn liền với đời sống đồng bào dân tộc Thái, các cháu có thể biết được phần nào cuộc sống của cha ông ngày trước. Từ đó, ông Phúc đã không quản vất vả đi khắp nơi để tìm kiếm, sưu tập các hiện vật.

Hành trình của ông Phúc bắt đầu từ những năm đầu thập niên 90, khi gia đình chuyển nhà từ Môn Sơn, huyện Con Cuông ra thị trấn Con Cuông ở để thuận tiện cho công việc. Thời điểm này, ông Phúc di dời luôn cả ngôi nhà sàn đặc trưng của người Thái từ quê ra.

Sau khi đã dựng xong, ông cũng quyết định biến ngôi nhà sàn này thành nơi trưng bày các hiện vật, cổ vật về người Thái. Chỉ cần nghe nói người Thái nào có vật dụng ưng ý, ông đều đến hỏi mua. Biết ý định tốt đẹp của ông, nhiều người đã gửi tặng ông Phúc những vật dụng cũ.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 3.

Ông Vi Văn Phúc bên những hiện vật về âm nhạc của người Thái. Ảnh: N.T

Lưu giữ cho muôn đời sau

Hàng chục năm đi "săn" vật dụng cổ của người Thái, ông Vi Văn Phúc chia sẻ, khó nhất là những vật dụng tâm linh của người Thái. Những đồ này rất khó tìm vì đã mất hết rồi. Nhiều đồ đồng cũng bị người dân bán hết. Muốn tìm mua cũng không có.

Những hiện vật được ông Phúc sưu tầm đủ chủng loại. Từ dụng cụ sản xuất, săn bắt, hái lượm, đồ sinh hoạt hàng ngày cho đến những nhạc cụ truyền thống, đồ thờ cúng, ma chay.

Trong bảo tàng đặc biệt của ông Phúc có những bộ cửa bằng gỗ nguyên khối được điêu khắc hình các con vật liên quan đến đời sống của người Thái.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 4.

Những hiện vật dễ bị "tổn thương" được ông Phúc trưng bày trong tủ kính. Ảnh: N.T

Ngoài ra còn có nhiều chiếc ghế dài làm bằng gỗ được ông Phúc sắp xếp dọc lối đi. Đây là những chiếc ghế trong nhà quan người Thái được làm từ hơn 100 năm trước mà ông mua lại được.

Đứng bên cạnh một hiện vật làm bằng gỗ ông Phúc vui vẻ giới thiệu, đây là chiếc luống giã gạo được làm ra từ những khúc gỗ nguyên khối. Xưa kia, để đỡ nhàm chán trong quá trình giã gạo, người Thái thường khua thêm một vài nhịp vào thành luống hoặc khua chày với nhau để tiếng kêu phát ra.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 5.

Một bộ cổ vật bằng kim loại được ông Phúc lưu giữ trong bảo tàng đặc biệt. Ảnh: N.T

Những nhịp điệu thường ngày, trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ, tết, ngày cưới. Đến nay, khua luống trở thành loại hình nghệ thuật đặc sắc, thành nhạc hồn của người Thái.

Có những hiện vật được ông Phúc treo trên tường, có hiện vật đặt trên kệ, những vật dụng dễ bị hư hỏng theo thời gian thì được ông trưng bày trong tủ kính. Tất cả được ông sắp xếp một cách khoa học, trình tự hợp lý. Các loại hiện vật cũng được chia thành từng nhóm khác nhau để tiện cho du khách khi vào tham quan.

Ngắm bảo tàng đặc biệt của ông Vi Văn Phúc với cả nghìn hiện vật về người Thái - Ảnh 6.

Ông Vi Văn Phúc ở thị trấn Con Cuông, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An mong rằng những hiện vật, cổ vật mà mình lưu giữ sẽ được lưu truyền muôn đời sau. Ảnh: N.T

Một khu vực riêng được ông Vi Văn Phúc bố trí thành không gian bếp của người Thái xưa với đầy đủ các vật dụng cần thiết trong đời sống thường ngày của người Thái xưa.

Những cuốn văn tự được viết bằng chữ Thái cổ từ hàng trăm năm trước được ông Phúc dày công tìm kiếm, đưa về trưng bày trong bảo tàng đặc biệt của mình. Đây cũng là một trong những hiện vật, cổ vật mà ông Phúc rất tâm đắc.

Ông Vi Văn Phúc cùng các thành viên trong gia đình luôn dành thời gian để bảo quản, lau dọn những hiện vật, cổ vậttrong bảo tàng đặc biệt. Ông Phúc mong rằng những hiện vật mà mình lưu giữ sẽ giúp thế hệ mai sau hiểu rõ hơn về đời sống của người Thái cổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem