Clip - Quảng Ninh: Dân nghèo trồng lúa trên đất bỏ không, chính quyền phạt hàng trăm triệu đồng
Ông Vũ Văn Đẩu (thôn 1, khu Điền Công, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) vừa nhận Quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức phạt đến 320 triệu đồng.
Theo ông Đẩu, người dân trong khu đều là nông dân nghèo do có ít đất sản xuất. Năm 2002, thấy khu đất dọc kênh làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí được nạo vét phun bùn nhưng không dùng đến, bà con mới ra đây san gạt, cải tạo đi để trồng lúa.
Nhà ông làm từ năm 2008 được 3 mẫu, sau đó có máy cày thì mở rộng thêm được 7 mẫu. Đến năm 2013 thì nhà máy điện trả lại đất cho thành phố.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì tự ý trồng lúa trên đất của xã, có những hộ bị xử phạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
"Chúng tôi canh tác trên đất này rất nhiều năm nhưng không thấy chính quyền xã nhắc nhở, xử phạt hay giao đất. Thậm chí chúng tôi còn xây chuồng trại, san gạt đắp bờ, chính quyền cũng không nhắc nhở.
Đến năm 2019 tôi nhận được giấy thông báo là thu hồi đất, chỉ có mỗi giấy này nhưng họ đã cho đổ đất chắn đường của dân.
Trả đất cho nhà nước chúng tôi đồng thuận, nhưng làm sao phải bồi thường thỏa đáng cho người dân. Giờ họ không bồi thường mà còn xử phạt chúng tôi như thế này thì quá bất công cho người dân", ông Đẩu cho biết.
Ông Vũ Văn Đẩu cho biết, người dân trong khu rất nghèo, nhờ canh tác ở khu đất này mà cuộc sống mới khá lên nhiều.
Cũng giống như hộ ông Đẩu, gia đình bà Lê Thị Luấn (thôn 1, khu Điền Công, phường Trưng Vương, TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) cũng vừa nhận Quyết định xử phạt hơn 80 triệu đồng do trồng lúa trái phép trên diện tích gần 8.000m2 đất.
Bà Luấn cho biết, năm 2006 gia đình bà và một số gia đình khác cùng ra khu vực này để cải tạo đất, trồng lúa, hoa màu.
Đến năm 2008, nhiều người thấy lúa, hoa màu trồng ở đây tốt thì cũng ra cải tạo đất và trồng cấy ở đây. Trong số 70 hộ cải tạo đất và trồng lúa ở đây, có đến 80% là hộ nghèo, cận nghèo. Kể từ khi ra đây khai hoang kinh tế dần dần khá lên.
"Mỗi tháng chỉ bán chuối gia đình đã thu được trên dưới 2 triệu đồng. Ngoài ra mỗi năm trồng lúa cũng thu được 6 tấn thóc, tương đương với 48 triệu đồng. Hiện gia đình tôi cũng chỉ trông chờ và mấy miếng ruộng và vườn chuối ở đây, nếu bị thu hồi sẽ gặp rất nhiều khó khăn", bà Luấn cho biết.
Khu đất người dân đang trồng lúa, hoa màu trước đây là bãi đổ thải trong quá trình nạo vét kênh làm mát của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Lan Anh - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương cho biết, khu đất mà người dân lấn chiếm để trồng lúa, hoa màu trước đây là đất của Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí.
Sau khi thực hiện dự án kênh làm mát, lượng bùn đất hút lên nạo vét kênh được đổ sang hai bên bờ kênh tạo thành mặt bằng.
Người dân thấy đất tốt nên đã tự ý lấn chiếm để trồng lúa, hoa màu và chăn nuôi. Chính quyền xã Điền Công và Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí thời điểm đó đã quản lý thiếu chặt chẽ để cho người dân lấn chiếm mà không xử lý kịp thời.
Người dân bức xúc vì bị thu hồi đất không được đền bù mà lại còn bị phạt nhiều tiền.
Sau đó, do không có nhu cầu sử dụng, Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí đã xin trả lại 86,72ha đất thuộc xã Điền Công cũ vào năm 2013. UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao diện tích đất này cho UBND TP.Uông Bí quản lý.
Sau đó Phòng TNMT TP.Uông Bí đã tổ chức giao diện tích đất này cho các phường, xã: Quang Trung, Trưng Vương, Bắc Sơn, Điền công để quản lý.
Tháng 8/2019, UBND TP.Uông Bí đã phê duyệt phương án nuôi trồng thủy sản tại thôn I, xã Điền Công cho hộ ông Lê Đức Mạnh với diện tích 57ha.
Diện tích đất này nằm trên phần đất mà người dân đã lấn chiếm. Đến đầu năm 2020, xã Điền Công sát nhập với phường Trưng Vương nên công tác quản lý đất đai trên địa bàn rất phức tạp.
"Việc người dân tự ý sử dụng đất mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là hành vi chiếm đất, vi phạm pháp luật về đất đai và các Nghị định liên quan. UBND TP.Uông Bí đã ban hành Quyết định xử vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với một số hộ dân.
Tuy nhiên sau đó thấy không phù hợp, chúng tôi đã tham mưu cho UNBD TP.Uông Bí hủy bỏ các Quyết định này và tổ chức vận động bà con trả lại đất", Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trưng Vương cho biết.
Nhiều hộ dân còn xây chuồng trại, nhưng chưa bao giờ bị chính quyền nhắc nhở hay lập biên bản.
Bà Nguyễn Lan Anh cũng xác nhận, tại thời điểm Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí trả lại đất cho UBND tỉnh Quảng Ninh đã xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất để sản xuất, tuy nhiên trong biên bản bàn giao đất lại không thấy nhắc đến hiện trạng này.
Chính vì việc quản lý đất đai lỏng lẻo của chính quyền xã Điền Công cũ nên đã dẫn đến việc vụ việc phức tạp này.
Nhiều người dân ở đây cũng đặt câu hỏi, tại sao UBND TP.Uông Bí thu hồi đất để giao cho một hộ dân nơi khác nuôi trồng thủy sản mà không giao đất đó cho người dân địa phương? Vậy việc giao đất này có đúng quy định hay không?
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.