Bằng những nén hương thơm thành kính dâng lên trời đất, thần biển, những lão ngư có tuổi trong làng cầu mong cho dân làng dồi dào sức khoẻ, mưa thuận gió hoà, ghe thuyền đầy ắp tôm cá.
"Dù ở đâu, làm gì nhưng cứ đến ngày 15 tháng Giêng hàng năm, người dân làng đều cố gắng về quê để tham dự lễ hội cầu ngư. Lễ hội này đã có từ hàng trăm năm qua" - ông Lê Văn Duy, hội chủ làng Trung An, cho biết.
|
Lòng người làng chài hướng ra biển cả. |
Từ mờ sáng, khi mặt trời còn chưa nhô lên khỏi mặt biển, những già làng của thôn Trung An đã tề tựu đông đủ ở bờ biển để chỉ bảo cho con cháu soạn lễ cúng tế. Bên cạnh đó, thanh niên trai tráng mang các loại lễ vật được chuẩn bị sẳn đưa ra "đài khấn". Khi lễ vật được bày biện sẵn, cũng là lúc lễ cúng cầu ngư được bắt đầu. Hương án hướng ra mặt biển nghi ngút khói trầm hương. Hội chủ làng và các vị trưởng tộc là những người được cử đứng lễ khấn nguyện "thần" biển. Người dân làng biển Trung An đứng nghiêm trang chắp tay khấn nguyện theo.
Lễ hội cầu ngư Trung An có 2 phần, phần lễ diễn ra trang trọng và thiêng liêng, cầu cho mưa thuận gió hoà, cầu cho thần biển "phò hộ" đầy ắp tôm cá. Còn phần hội là không khí sôi nỗi của hàng trăm trai tráng trong và ngoài thôn thi thố tài năng bằng những màn đấu vật với mục đích nhằm rèn luyện cho sức khoẻ được dẻo dai để bám biển.
"Cầu ngư là lễ hội trọng đại nhất của làng trong năm. Vì nghề biển là nghề truyền thống, nuôi bao thế hệ con người Trung An. Năm nay dân làng tui làm ăn rất khá giả, vì vậy lễ hội cầu ngư năm nay tổ chức lớn" - ông Lê Văn Duy cho biết thêm. Sau khi buổi lễ cầu ngư, hàng chục chiếc thuyền đánh cá của thôn với cờ tổ quốc tung bay trên mạn thuyền đạp sóng vươn khơi để đánh bắt những mẻ cá đầu mùa.
Khi phần lễ cầu ngư kết thúc cũng là lúc phần hội đấu vật được diễn ra. Hội vật truyền thống của làng Trung An có từ lâu đời, nhiều già làng trong thôn cũng không nhớ rõ có tự bao giờ. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng dân làng Trung An vẫn lưu truyền và gìn giữ hội vật như một gia sản quý báu. "Hội vật được tổ chức nhằm rèn luyện sức khoẻ, tinh thần thượng võ. Đặc biệt là tình đoàn kết, hữu nghị giữa các họ tộc, người dân trong làng, trong xã. Hội vật cũng là dịp rèn luyện sức vóc dẻo dai nhằm phục vụ cho những chuyến ra khơi bám biển dài ngày" - ông Nguyễn Văn Trung, một lão ngư của thôn Trung An, cho biết.
|
Hội vật ở làng biển Trung An. |
Sới vật là một khoảng đất cát trắng dọc bờ biển của thôn, được chắn bằng rào tre hoặc những sợi dây thừng. Xung quanh là những lá cờ Tổ quốc và những lá cờ hội tung bay phấp phới. Trước đây, hội vật chỉ diễn ra giữa các họ tộc hay các gia đình trong thôn. Hiện nay, hội vật được mở rộng ra cả xã, cả huyện. "Những năm trở đây, hội vật của làng tui thu hút rất đông các đô vật từ các nơi về tham dự. Đây thật sự là một ngày hội lớn của các làng chài ven biển huyện Hải Lăng" - một đô vật Trung An tâm sự.
Ông Võ Văn Lập-Trưởng phòng VHTTDL huyện Hải Lăng, cho biết: "Lễ hội cầu ngư của làng Trung An là một lễ hội đặc sắc của huyện Hải Lăng nói riêng và tỉnh Quảng Trị nói chung. Chúng tôi đang đưa hình ảnh của lễ hội vươn xa hơn để người dân trên cả nước được chung vui.
Vĩnh Định
Vui lòng nhập nội dung bình luận.