Quảng Trị: Nợ xấu vay vốn đóng tàu 67 tăng cao

Ngọc Vũ Thứ sáu, ngày 09/08/2019 10:23 AM (GMT+7)
Ngân hàng BIDV chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đang tăng cao lên tới 144 tỷ đồng.
Bình luận 0

Ngày 8/8, tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị này đã có thông báo gửi đến Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP tỉnh Quảng Trị về việc, nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đang tăng cao.

img

Nợ xấu vay vốn đóng mới tàu 67 đang tăng cao ở Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Vũ

Theo đó, ngân hàng này đã cho vay 178 tỷ đồng nhưng nợ xấu lên đến 144 tỷ đồng với số lượng 10 tàu đóng mới.

Ngân hàng này đã nhiều lần làm việc với các chủ tàu nhằm tháo gỡ khó khăn cũng như bàn các giải pháp để thu hồi nợ. Phía các chủ tàu cho rằng, do thời tiết không thuận lợi, sản lượng đánh bắt giảm, thu không bù chi; không có ngư trường đánh bắt rộng rãi như trước đây; tàu không ra khỏi bến neo đậu được do bị mắc cạn ở cảng Cửa Tùng.

Theo BIDV Quảng Trị, tình trạng chủ tàu 67 nợ xấu đã kéo dài gần 2 năm qua, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng và hiệu quả hoạt động của đơn vị. Vì vậy, BIDV Quảng Trị dự kiến sẽ khởi kiện các chủ tàu nợ xấu để xử lý nợ.

Ông Dương Văn Hà, Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Trị cho biết, trước tiên ngân hàng sẽ khởi kiện 3 ngư dân gồm Tr.V.H, Ng.V.T (cùng trú huyện Gio Linh) và P.T.Đ (trú huyện Vĩnh Linh).

Theo ông Hà, tại Quảng Trị, BIDV là một trong hai ngân hàng cho vay đóng tàu 67 nhiều nhất nhằm giúp ngư dân vươn khơi bám biển, giữ gìn chủ quyền biển đảo. Ngư dân đã được vay vốn ưu đãi, bên cạnh quyền lợi thì phải thực hiện trách nhiệm trả nợ của mình. Việc khởi kiện là giải pháp bất đắc dĩ ngân hàng phải thực hiện để đảm bảo xử lý nợ theo quy định pháp luật.

Là người vay hơn 14 tỷ đồng của ngân hàng BIDV Quảng Trị để đóng mới tàu vỏ thép theo nghị định 67, ngư dân Đ.V.D (trú khu phố 5, thị trấn Cửa Việt, Gio Linh) cho biết, anh là một trong 10 chủ tàu đang nợ xấu. Lý do vì quá trình đánh bắt sản lượng thấp, thu nhập không bù được chi phí dầu, đá và nhân công nên không có tiền trả nợ ngân hàng.

Anh D mong muốn ngân hàng có phương án dãn nợ để giúp đỡ ngư dân. “Nếu ngân hàng khởi kiện, có thể tàu sẽ bị thu lại thì chúng tôi cũng đành chịu chứ không biết phải làm sao” – anh D nói.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67 tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ có chỉ đạo các ngành, địa phương đôn đốc các chủ tàu thực hiện đúng hợp đồng, nếu không thì phải thực hiện các biện pháp xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

“Ngư dân đã được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước rồi thì phải có trách nhiệm trả nợ cho ngân hàng, nếu không thì sẽ không được hưởng các chính sách ưu đãi tiếp theo, đồng thời phải bị xử lý theo quy định của pháp luật” – ông Đồng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem