Quốc hội nóng với vấn đề biển Đông: Đầu tư mạnh an ninh, quốc phòng

Thứ ba, ngày 03/06/2014 06:29 AM (GMT+7)
Ngày 2.6, trong số gần 70 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đăng ký phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách của đất nước, đã có rất nhiều ý kiến đề cập tới tình hình Biển Đông.
Bình luận 0
Điều này đủ cho thấy sức nóng trên biển đã lan tỏa mạnh mẽ trong nghị trường tới nhường nào...

Tự cứu mình trước khi người khác cứu

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) đề nghị nên có kế sách để thoát khỏi sự lệ thuộc về kinh tế từ Trung Quốc. “Đây hẳn là công việc lâu dài, nhiều khó khăn nhưng cần được khởi động ngay trong năm 2014 này. Trong phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế đang tiến hành cần có các biện pháp thích hợp để thoát dần sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc”- ông Đáng nhìn nhận.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) kiến nghị tập trung nguồn lực cho an ninh, quốc phòng.
Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) kiến nghị tập trung nguồn lực cho an ninh, quốc phòng.

ĐB Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) lại có cái nhìn sâu hơn về vấn đề này khi đề nghị cải cách thể chế để phát triển đất nước bền vững. “Có nhiều ý kiến cho rằng giờ nên tạm ngừng công cuộc cải cách thể chế mới được khởi xướng để tránh những xáo động lớn, tập trung mọi trí lực, sức lực quốc gia cho việc xử lý sự kiện Biển Đông. Tôi chia sẻ nhưng hoàn toàn không cho rằng cần phải như vậy mà nên tiến hành song song, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc vừa phải sớm đổi mới một cách mạnh mẽ hơn nữa. Một khi nội lực quốc gia yếu kém, những mối đe dọa từ bên ngoài luôn rình rập và ta luôn vô cùng khó khăn để chống đỡ. Bởi thế yêu cầu cải cách thể chế nhằm phát triển đất nước bền vững, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc càng trở nên cấp thiết hơn” - ĐB Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bình luận: Thực tế hiện nay về nguồn cung ứng đầu vào cho sản xuất trong ngành dệt may, một số nguyên phụ liệu chúng ta đã phải nhập 50-60% từ thị trường Trung Quốc. Và có tới 90% hợp đồng EPC trong các dự án nhiệt điệt do nhà thầu Trung Quốc thi công. Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung ứng tín dụng, vật tư nguyên liệu hàng hóa từ Trung Quốc rất dồi dào và tương đối rẻ so với các đối thủ cạnh tranh. “Với các cam kết loại bỏ hoặc ít nhất là giảm thấp thuế quan và các rào cản kỹ thuật trong các hiệp định thương mại tự do với các đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có điều kiện nhập khẩu từ nhiều nền kinh tế khác…”- ông Lộc nói.

Thêm 16.000 tỷ đồng và hơn thế nữa…

Cùng với đề xuất những giải pháp về kinh tế, xã hội nhằm thoát khỏi sự lệ thuộc từ thị trường Trung Quốc, một nội dung cũng khá quan trọng được thảo luận là việc dành 16.000 tỷ đồng cân đối trong ngân sách năm 2013 để chi cho cảnh sát biển, cho lực lượng kiểm ngư và chi để hỗ trợ bà con ngư dân đánh bắt xa bờ.

ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), người nổi tiếng với những phát ngôn mạnh mẽ trên nghị trường, đã tỏ ý đồng tình với phương án này và còn đề xuất: “Chính phủ cần yêu cầu các địa phương tổng rà soát, tạm dừng triển khai những dự án chưa thực sự bức xúc, chưa thật sự cần thiết, những dự án được cho rằng nhu cầu sử dụng dân sự được hình thành trong tương lai để tập trung nguồn lực, tiềm lực cho quốc phòng, an ninh, tăng cường sức mạnh cho quân đội và công an nhân dân. Các ĐBQH rơi nước mắt nhiều, nhưng có lẽ cần thể hiện bằng nghị quyết với những chỉ tiêu, định lượng cụ thể”.

ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) nhận định: Chúng ta biết rằng các hoạt động giao thương với Việt Nam đang là nguồn thu chính cho một số tỉnh nghèo bậc nhất của Trung Quốc. Việt Nam cũng là thị trường lớn nhất Đông Nam Á của các nhà thầu Trung Quốc... Tất cả điều này khiến người ta phải suy nghĩ trước khi quyết định bất kỳ biện pháp nào.

Trước khi chúc cho đất nước và nhân dân “biến họa thành may”, như để thể hiện quyết tâm thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng” với nhiều giải pháp khác nhau, ĐB Đỗ Văn Đương đã hứa trước Quốc hội “từ nay đến hết nhiệm kỳ này, nếu trời để sống tôi cũng không đi nước ngoài nữa”.

Một chuyên gia kinh tế khác, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cũng đã mạnh mẽ bày tỏ quan điểm của mình về khoản cân đối ngân sách 16.000 tỷ đồng. “Tôi ủng hộ 16.000 tỷ đồng cắt để ủng hộ Biển Đông, nhưng 16.000 tỷ đồng chưa đủ. Tôi đề nghị Quốc hội lần này cắt phần lớn tất cả khoản chi thường xuyên mà không nằm trong lương và trợ cấp xã hội. Những kiểu như giao tế, tiếp khách, mua sắm, đi lại... như chúng ta phải cắt, cắt tối đa để dân thấy rằng trong bối cảnh đất nước hiện nay Quốc hội thể hiện mạnh mẽ là tư tưởng cắt”.

Gay gắt hơn, ông Lịch còn nói thẳng ý kiến của cử tri: “Các anh đi lại tham quan, học tập không biết kiểu gì nhưng chúng ta trả nợ miệng với nhau bằng tiền ngân sách của dân đóng thuế. Chúng ta tự nhìn lại vấn đề này. Nếu như vậy năm nay không phải chỉ có 16.000 tỷ, chúng ta tăng hơn nhiều hơn nữa để xử lý những vấn đề đang đặt ra. Nếu không có vấn đề Biển Đông, tôi không biết cái gì xảy ra trong vài năm tới. Nhân cơ hội này, chúng ta phải làm mạnh mẽ về vấn đề này, thể hiện ngay trong nghị quyết kỳ họp này.

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem