Quy định về tội danh Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị khởi tố
Quy định pháp lý về tội danh Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị khởi tố
Quang Trung
Chủ nhật, ngày 13/11/2022 17:48 PM (GMT+7)
Bộ Công an khởi tố bị can Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM để làm rõ vai trò liên quan đến vụ án xảy ra tại Thuduc House. Bộ luật hình sự quy định thế nào về tội danh bà Hạnh bị khởi tố?
Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị khởi tố liên quan vụ Thuduc House
Ngày 12/11, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bà Nguyễn Thị Bích Hạnh - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đây là diễn biến điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; sản xuất hàng giả; buôn lậu; nhận hối lộ liên quan Công ty CP Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House). Hôm 3/10, VKS đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án này.
Vụ án liên quan Thuduc House khởi phát cuối tháng 11/2021 khi Bộ Công an khởi tố 21 bị can. Trong đó, Trịnh Tiến Dũng (48 tuổi) bị cáo buộc chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ đạo các bị can tại Việt Nam và nước ngoài phạm tội.
Trong số 21 bị can có Nguyễn Vũ Bảo Hoàng (45 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển nhà Thủ Đức - Thuduc House).
Khung hình phạt của tội danh mà Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM bị khởi tố
Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích, bà Nguyễn Thị Bích Hạnh bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Điều 219 Bộ luật hình sự 2015.
Đây thuộc nhóm tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, khung hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.
Chủ thể của tội này là người được giao quản lý, sử dụng tài sản của nhà nước hay còn gọi là tài sản công, người thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý.
Theo luật sư Khuyên, hành vi được quy định là hành vi vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước, hành vi này có thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ quy định của nhà nước về quản lý, sử dụng tài sản công.
Cụ thể như mua sắm tài sản nhà nước vượt quá tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quản lý, sử dụng; Sử dụng tài sản nhà nước không đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ; Không sử dụng tài sản, bỏ mặc tài sản dẫn tới hư hỏng nặng gây thất thoát lãng phí…
Hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước chỉ cấu thành tội phạm nếu gây thất thoát, lãng phí từ 100 đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỉ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Về hình phạt, nữ luật sư cho biết, Điều 219 quy định có 3 khung hình phạt. Cụ thể, khoản 1 quy định, người phạm tội sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm nếu đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản như trên.
Người phạm tội theo quy định tại khoản 2 sẽ bị phạt tù từ 3 đến 12 năm, áp dụng đối với một trong các trường hợp như phạm tội vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thất thoát, lãng phí từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
Còn nếu phạm tội mà gây thất thoát, lãng phí 1tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tù từ 10 đến 20 năm (khoản 3).
Như vậy, sau khi bị khởi tố, nếu bị chứng minh có tội, tùy tính chất mức độ mà người thực hiện hành vi có thể đối mặt với các khung hình phạt nêu trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.