Trồng thanh long trên trụ đá từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, nông dân Cao Bằng nhanh khấm khá

Đức Thịnh Thứ sáu, ngày 24/11/2023 14:09 PM (GMT+7)
Từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có thêm vốn đầu tư mở rộng sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế mới để vươn lên làm giàu chính đáng.
Bình luận 0

Xây dựng nhiều mô hình từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Theo báo cáo Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng, hiện nguồn vốn Quỹ HTND toàn tỉnh đang quản lý trên 68 tỷ đồng. 100% Quỹ HTND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đạt từ trên 2 tỷ đồng trở lên. Trong đó, các đơn vị vận động xây dựng ủng hộ Quỹ HTND đạt và vượt chỉ tiêu như: Bảo Lạc, Nguyên Bình, Hạ Lang, Trùng Khánh...

Giúp nông dân Cao Bằng có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh - Ảnh 1.

Mô hình trồng thanh long trên trụ đá của nông dân sản xuất kinh doanh giỏi xã Vũ Minh, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng. Ảnh: Thủy Tiên

Từ nguồn vốn Quỹ HTND, nhiều dự án xây dựng được các mô hình tổ hợp tác sản xuất kinh doanh. Đến nay, các cấp Hội ND tỉnh Cao Bằng đã thành lập được 33 hợp tác xã, 558 tổ hợp tác kinh tế, nhóm hộ hợp tác sản xuất, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, chuyển từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ sang liên kết nhóm, tăng năng suất.

Trong nhiệm kỳ 2018-2023, Quỹ HTND tỉnh Cao Bằng đã cho vay 697 dự án với 3.665 lượt hộ vay để đầu tư phát triển sản xuất với tổng số tiền 85,666 tỷ đồng (tính cả cho vay luân chuyển quay vòng vốn) thông qua các mô hình nhóm hộ liên kết sản xuất. Quy mô dự án vay vốn Quỹ HTND từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng; thu hồi 722 dự án, với số tiền 58,8 tỷ đồng, gồm 3.629 hộ vay. Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh Cao Bằng đang thực hiện 416 dự án với 2.684 hộ vay vốn Quỹ HTND.

Gia đình ông Đinh Văn Cừ (xóm Vũ Ngược, xã Vũ Minh, Nguyên Bình) được hỗ trợ vay 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ HTND T.Ư để cải tạo đất vườn trồng thanh long. Ông Cừ nói: "Quỹ HTND đã giúp gia đình ông có điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tham gia dự án, ông được tập huấn cách trồng và chăm sóc thanh long, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trồng thanh long từ nhiều hộ khác trên địa bàn.

Mô hình nuôi trâu, bò sinh sản tại xã Hồng Việt (Hòa An) cũng được triển khai từ nguồn vốn vay của Quỹ HTND. Theo đó có 12 hội viên được vay 500 triệu đồng đầu tư nuôi trâu, bò sinh sản, 3 năm sau hoàn trả lại vốn vay. Ngoài vay vốn mua trâu, bò giống, các hội viên còn được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, cách xây dựng chuồng nuôi, cách phòng trị bệnh cho trâu, bò. Từ số trâu, bò ban đầu 12 con, đến nay tổng đàn phát triển lên 36 con, nhiều hộ tăng từ 3 - 4 con. Mô hình tạo điều kiện giúp hội viên có cơ hội mở rộng, phát triển đàn gia súc, nâng cao thu nhập.

Vận động ủng hộ vốn Quỹ HTND hiệu quả

Ông Dương Hùng Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó trưởng Ban vận động Quỹ HTND tỉnh Cao Bằng cho biết: Quỹ HTND được triển khai với mục tiêu ưu tiên cho vay để xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất kinh doanh; có sự liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, hướng tới sản phẩm đạt chuẩn OCOP của địa phương.

Để phát triển nguồn vốn Quỹ HTND, bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, Hội Nông dân các cấp tăng cường tuyên truyền, vận động, giúp hội viên, nông dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển Quỹ HTND, tích cực đóng góp xây dựng Quỹ. 

Theo đó, Hội Nông dân vận động mỗi cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang ủng hộ ít nhất một ngày lương; mỗi hộ nông dân ủng hộ từ 10.000 đồng trở lên; hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; hộ sản xuất kinh doanh dịch vụ đóng góp, ủng hộ từ 30.000 đồng trở lên; các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn đóng góp, ủng hộ từ 2 triệu đồng trở lên và tranh thủ từ các chương trình, dự án để giúp hội viên, nông dân có thêm điều kiện được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, Hội Nông dân các cấp tỉnh Cao Bằng đã chủ động lựa chọn những mô hình, dự án có tính khả thi để triển khai thực hiện; ưu tiên những hộ có tinh thần trách nhiệm, có nhân lực và điều kiện để phát huy nguồn vốn vay. Phối hợp với các ban, ngành mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên, nông dân. Hội tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn của hội viên để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích và phát huy được hiệu quả. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem