Đặc biệt, từ khi thực hiện đề án đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động (giai đoạn 2011-2020), quỹ đã có bước phát triển mới, tác động mạnh mẽ hơn đến các phong trào ND, nhất là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh, Ninh Bình) vay vốn Quỹ HTND phát triển nuôi lợn nái, lợn thịt.
Lấy lợi ích của ND làm động lực
Mục tiêu của đổi mới là phát triển Quỹ HTND và hoạt động dịch vụ hỗ trợ vốn cho ND tăng trưởng mạnh về nguồn lực; vận động nguồn vốn hàng năm tăng từ 10 -15% ở tất cả các cấp hội. Để thực hiện mục tiêu này, Hội đã tập trung củng cố, kiện toàn, hoàn thiện mô hình tổ chức, bộ máy; hoàn thiện tư cách pháp nhân Quỹ HTND ở cấp tỉnh, cấp huyện; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành quỹ các cấp có trình độ chuyên môn và năng lực công tác đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; đa dạng huy động các nguồn vốn từ ngân sách, vận động ủng hộ, tiếp nhận viện trợ, nhận ủy thác, thực hiện các dịch vụ chuyển tải vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng…
Đặc biệt, quỹ đổi mới căn bản phương thức hỗ trợ ND, đó là vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh theo mô hình dự án (thay cho vay theo hộ hay nhóm hộ nhỏ lẻ) để xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, hợp tác, nhóm hộ, trang trại, doanh nghiệp nhỏ; tập trung chủ yếu vào thực hiện tiêu chí cốt lõi của Chương trình xây dựng nông thôn mới, đó là tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hội viên, ND…
Triển khai thực hiện đề án đổi mới, Quỹ HTND nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Chính phủ (Kết luận 61 của Ban Bí thư T.Ư Đảng, Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ); sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương. Ban điều hành Quỹ HTND T.Ư – cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp Ban Thường vụ T.Ư Hội toàn diện về hoạt động Quỹ HTND.
Trước hết, đội ngũ cán bộ, với một khối lượng công việc rất lớn, phải thay đổi tư duy về vai trò, ý nghĩa của Quỹ HTND không chỉ trong hệ thống hội mà cả ở các ngành, các cấp trong cả hệ thống chính trị; tham mưu, soạn thảo giúp Ban Thường vụ T.Ư Hội xây dựng, bổ sung, sửa đổi, ban hành gần như toàn bộ hệ thống văn bản tạo dựng mô hình, cơ chế, chính sách mới của quỹ… Nhiều nơi, cán bộ quỹ phải hướng dẫn ND viết phương án, tập huấn tổ, nhóm lập dự án vay vốn, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn gắn với củng cố hoạt động công tác hội…
Hơn 1.600 tỷ đồng hỗ trợ ND
Hơn 3 năm thực hiện đề án đổi mới Quỹ HTND (2011-2014), đến nay, trên 40 Quỹ HTND cấp tỉnh được kiện toàn hoàn thiện bộ máy Ban điều hành; nhiều quỹ cấp huyện được củng cố, hoàn thành nhận chuyển nguồn vốn quỹ cơ sở về quản lý theo đúng quy định. Quỹ ở cơ sở cơ bản thực hiện chuyển nguồn vốn của Hội ND cơ sở vận động được về quỹ cấp huyện quản lý theo chỉ đạo của Ban Thường vụ T.Ư Hội, không còn tình trạng số liệu quỹ cơ sở biến động thất thường, sử dụng vốn không đúng mục đích…
Tính đến tháng 6.2014, tổng nguồn Quỹ HTND đạt hơn 1.600 tỷ đồng, trong đó quỹ T.Ư gần 500 tỷ đồng, xây dựng và giải ngân vốn cho hơn 1.000 dự án, hình thành các tổ nhóm liên kết hợp tác sản xuất hiệu quả với hàng chục nghìn hộ vay vốn, khắc phục căn bản điểm yếu cho vay hộ đơn lẻ hoặc nhóm hộ nhỏ trước đây. Nhiều tỉnh, thành Hội làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, đề xuất với chính quyền, phối hợp với các ngành củng cố Ban vận động xây dựng Quỹ HTND; huy động đa dạng các nguồn vốn, củng cố bộ máy quản lý điều hành, triển khai mạnh xuống cơ sở. Trong thời gian ngắn, nhiều quỹ cấp tỉnh, cấp huyện có nguồn vốn vượt xa chỉ tiêu tăng trưởng của đề án đề ra. Đặc biệt, một số quỹ cấp tỉnh vượt chỉ tiêu tăng trưởng đến 2020, như TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Vĩnh Phúc… và hơn hết là sự thành công của các mô hình cho vay mới. Vốn quỹ đã giúp nhiều ND sản xuất kinh doanh hiệu quả. Hàng ngàn dự án từ nguồn quỹ T.Ư cơ bản được thu hồi gốc và phí khi đến hạn quay vòng. Tình trạng nợ đọng hoặc dây dưa không trả nợ rất hy hữu. Nợ quá hạn dưới 0,5% tổng dư nợ…
Ông Lại Xuân Môn - Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN: Quỹ giúp nông dân liên kết làm ăn
Nguồn vốn Quỹ HTND được Hội NDVN sử dụng như một công cụ làm thay đổi về nhận thức tư duy sản xuất của hội viên, ND từ làm ăn nhỏ lẻ, manh mún tiến tới liên kết, hợp tác với nhau qua các hình thức kinh tế tập thể. Đó là liên kết từ mô hình nhỏ, đơn giản như tổ, nhóm ND cùng sở thích, tổ hợp tác, chi hội nghề nghiệp đến hợp tác xã, thậm chí sau này lên doanh nghiệp do ND góp cổ phần… Quỹ HTND cũng giúp ND phát huy các thế mạnh nông nghiệp của tỉnh, của vùng như trồng cây công nghiệp, cây ăn quả, hoa cây cảnh; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản... Nhiều địa phương còn lồng ghép vốn Quỹ HTND với các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM…
Phương Đông (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.