TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, lý giải.
Thiếu công bằng
Xin được bắt đầu bằng một sự việc cụ thể là chuyện đền bù đất đai cho người dân ở phố Hàng Bài, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chủ đầu tư thì trả 500 triệu đồng/m2, người dân thì cho rằng phải 1 tỷ đồng. Thưa ông vì sao lại có sự không thống nhất giữa người dân và chính quyền về giá đền bù?
- Chắc chắn sẽ dẫn đến khiếu kiện ở trường hợp này. Là bởi vì, giá đền bù cao nhất ở Hà Nội mới chỉ là 81 triệu đồng/m2, trong khi giá đất ở hai điểm nói trên đã lên tới 500 triệu đồng/m2.
Nếu theo quy định của thành phố, với giá đền bù cộng với hỗ trợ bồi thường về giá trị nhà, cộng các cách tính mang tính hỗ trợ thêm để ổn định cuộc sống… thì cũng chỉ tới 120 triệu đồng/m2 là “kịch kim”. Như vậy so với giá thị trường, người dân sẽ thiệt thòi nên họ không đồng ý là điều dễ hiểu.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết sẽ tiến tới sửa Luật Đất đai theo hướng kiên trì đưa đất đai vào vận hành theo cơ chế thị trường, tiến tới thống nhất tình trạng hai giá đất. Vì sao sự vô lý này đến nay mới được đặt ra? Bao giờ thì có thể thống nhất được và nhà nước hay người dân sẽ phải chịu thiệt khi chính sách thống nhất giá được ban hành?
- Pháp luật cần phải đưa ra một trình tự thủ tục để xác định giá cho phù hợp với thị trường. Ngay Luật Đất đai đã nói, Nghị định 17 tiếp tục nói, Nghị định 123 cũng nêu là phải theo giá thị trường, thế nhưng hoặc là người thực hiện không làm được, hoặc là họ không muốn làm. Trình tự thủ tục nào trong quy định của pháp luật để người ta xác định giá theo giá thị trường thì hiện nay hoàn toàn chưa có. Đến Nghị định 69 ban hành năm 2009 cũng vẫn chưa có.
Tôi cho là không nên dùng chữ “thiệt” ở đây. Bởi vì người dân bỏ tiền túi ra mua đất thì khi nhà nước đền bù phải thỏa đáng với những gì dân bỏ ra. Đó là điều đương nhiên. Giá trị thực của nó như thế nào thì phải trả cho họ đúng giá như thế, nhà nước không thể lấy đất của họ mà lại trả cho họ thấp hơn giá trị thực họ bỏ tiền ra mua. Như vậy là không công bằng.
|
Theo ông Đặng Hùng Võ, giá đền bù giải phóng mặt bằng thấp hơn nhiều so với giá thị trường là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khiếu nại phức tạp. |
Đừng ra quyết sách trên bàn giấy
Một lĩnh vực được xem là làm nảy sinh tình trạng tham nhũng liên quan đến quy hoạch là chuyển đổi mục đích sử dụng đất? Vì sao lại có tình trạng này, thưa ông?
- Là bởi vì quy hoạch quyết định đất ngày hôm nay làm việc này, ngày mai sẽ làm việc khác, giá trị khu đất nào đó trước quy hoạch và sau quy hoạch đã khác hẳn nhau, có thể tăng lên gấp 3-4 lần. Đây thực sự là một vấn đề nhạy cảm. Cũng có người nói quy hoạch là do quyết định của nhà lãnh đạo.
Đúng! Nhưng quyết định đó phải phù hợp với yêu cầu của sự phát triển, đất nào sẽ chuyển sang, và phải đạt được sự đồng thuận của xã hội. Làm sao để người bị mất đất cũng phải thừa nhận đất của mình đưa vào quy hoạch là hoàn toàn hợp lý.
Bởi vậy, trong các trường hợp quy hoạch đất đai, nhất định cần phải có sự tham gia của người dân, của các chuyên gia về kinh tế, kỹ thuật, cần tới sự khách quan nhất trong quyết định phát triển. Đừng bao giờ chỉ có một số lãnh đạo ngồi bàn với nhau xem quy hoạch thế nào là đúng, bởi như vậy là hoàn toàn là chủ quan và thiếu sự đồng thuận của xã hội.
Chúng ta có thể loại trừ tham nhũng bằng đấu giá đất, đấu thầu dự án hoặc tốt nhất để chủ đầu tư tự thoả thuận với người dân vì đây là quan hệ dân sự hai bên thực hiện với nhau. Những phương thức làm giảm tham nhũng lại không được áp dụng vào thực tế, mà lại áp dụng những biện pháp chứa đựng nhiều nguy cơ tham nhũng.
GS.TS Đặng Hùng Võ
Tại buổi đối thoại về phòng chống tham nhũng đất đai mới đây, các nhà tài trợ đã khuyến cáo Việt Nam cần phải minh bạch chính sách, công khai thông tin để người dân có thể giám sát. Trong lĩnh vực đất đai, chúng ta đã minh bạch đến đâu và cần công khai thế nào?
- Theo tôi, chúng ta phải ý thức được, hiện nay tham nhũng là một rào cản lớn mà chỉ khi Việt Nam vượt qua được rào cản đó mới hy vọng thoát khỏi vòng luẩn quẩn của nhóm các nước có thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao. Tôi cho rằng, đây là khuyến cáo có giá trị nhất tại buổi đối thoại.
Thế giới đã thừa nhận một phương trình chống tham nhũng như sau: “Tham nhũng = độc quyền + độc đoán trong quyết định – trách nhiệm giải trình – độ minh bạch”. Như vậy, chúng ta cứ làm thế nào để giảm được tính độc quyền, tính chuyên quyền của từng cá nhân và tăng thêm tính trách nhiệm giải trình của từng cán bộ, tăng thêm độ minh bạch thì chúng ta sẽ chống được tham nhũng.
Phương trình đó đã được chứng minh rồi, chúng ta cứ thế mà làm. Và điều quan trọng là chúng ta có thể có được sự đồng thuận, quyết tâm lớn của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến cấp địa phương, huyện xã không? Chúng ta muốn chống tham nhũng thật hay chỉ là hình thức?... Đó chính là giải pháp quan trọng nhất, còn tất cả các giải pháp khác chỉ là kỹ thuật.
Xin cảm ơn ông!
Phương Hà (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.