Quy mô kinh tế xếp thứ 24/63, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định "cao hơn mức bình quân cả nước"
Quy mô kinh tế xếp thứ 24/63, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định "cao hơn mức bình quân cả nước"
Dũ Tuấn
Thứ tư, ngày 10/01/2024 09:26 AM (GMT+7)
Đây là tồn tại mà lãnh đạo tỉnh Bình Định nói rằng, đã nhìn thấy được trong công tác giảm nghèo. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Bình Định là 3,13%, còn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước đang là 2,93%.
Bình Định - đã nhìn thấy được tồn tại trong công tác giảm nghèo
"Một tỉnh có quy mô kinh tế xếp thứ 24/63 và điều kiện như Bình Định. Tại sao, tỷ lệ hộ nghèo lại luôn ở mức cao hơn, so với bình quân cả nước", phóng viên báo Dân Việt thường trú tại Bình Định, đặt cho hỏi cho lãnh đạo tỉnh, tại cuộc họp báo và gặp mặt chào xuân, quý I/2024.
Trả lời vấn đề trên, ông Lâm Hải Giang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, với quy mô của nền kinh tế xếp thứ 24/63 tỉnh thành, nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại đang cao hơn mức bình quân cả nước. Đây là tồn tại mà lãnh đạo tỉnh Bình Định, đã nhìn thấy được, trong công tác giảm nghèo.
Theo ông Giang, có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có khách quan, lẫn chủ quan. Vấn đề truyền thông, nhận thức công tác giảm nghèo và cách thức triển khai thực hiện, các nguồn lực đã đầu tư nhưng chưa hiệu quả.
Bình Định vừa có kết quả của việc điều tra, khảo sát về hộ nghèo, cận nghèo và hộ có mức sống trung bình, đây là cơ sở quan trọng để hoạch định công tác giảm nghèo.
"Tỉnh đã giao cho các sở ngành xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể, tác động đến từng hộ gia đình. 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, năm 2022 giải ngân chưa tốt vì vướng mắc các thủ tục, năm 2023 đã được tháo gỡ và năm nay, chúng tôi kỳ vọng việc giải ngân tốt, để giảm sâu hơn về tỷ lệ hộ nghèo", ông Giang nói.
Vẫn theo ông Lâm Hải Giang, tới đây sẽ tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao tầm quan trọng của công tác truyền thông, trách nhiệm của cán bộ cơ sở.
Làm sao cho các hộ nghèo có niềm tin, động lực thoát nghèo. Nếu không, sẽ loay hoay việc "giảm nghèo thì các chính sách hỗ trợ, không còn nữa".
"Khi một hộ thoát nghèo, phải có thời gian ổn định để phát triển, thì cơ chế chính sách phải tiếp tục được thực hiện trong khoảng thời gian nhất định, UBND tỉnh đang xem xét việc này. Tôi cho rằng, đây là cách làm hiệu quả", ông Giang cho hay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Lê Kim Toàn vừa chủ trì hội nghị, với lãnh đạo sở ngành, địa phương để chỉ đạo về công tác giảm nghèo.
Ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 20 đề ra đến năm 2025, "tỷ lệ hộ nghèo của Bình Định thấp hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung của cả nước".
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của Bình Định là 3,13%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước là 2,93%.
"Phải phấn đấu, tác động đến từng hộ cụ thể, theo từng tiêu chí và xác định trách nhiệm rõ cơ quan nhà nước, hộ gia đình, lộ trình, nguồn lực.. thì mới đạt được kết quả đề ra", ông Toàn nói.
Bình Định dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang, năm 2023, Bình Định đã hoàn thành và vượt 18/19 chỉ tiêu chủ yếu về phát triển kinh tế - xã hội.
Trong đó, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,61%, vượt so với kế hoạch HĐND tỉnh giao (7-7,5%) và xếp thứ 17/63 địa phương cả nước, thứ 6/14 địa phương vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ.
Đặc biệt, công tác xây dựng và quản lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã có nhiều đổi mới theo hướng phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bên trong các sở, ban, ngành, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập; quản lý, sử dụng biên chế; thực hiện tinh giản biên chế.
Trong năm, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức 24 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho 1.702/1.737 cán bộ, công chức cấp xã (đạt 97,98% trong tổng số cán bộ, công chức được triệu tập).
UBND tỉnh Bình Định cũng tăng cường công tác kiểm tra cải cách hành chính, thực thi công vụ tại các cơ quan, đơn vị qua đó kịp thời chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.
"Năm 2023, chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh xếp vị trí thứ 1/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, là địa phương duy nhất thuộc nhóm xuất sắc vì có điểm số đạt trên 90. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về công tác giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đạt 98.3%", ông Giang cho hay.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn khẳng định trong năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đã nỗ lực, đoàn kết phấn đấu đạt nhiều kết quả tích cực, nhiều chỉ số đã tiệm cận với chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong quá trình đó có sự đồng hành của các cơ quan báo chí, những người làm báo trên địa bàn.
Theo ông Lê Kim Toàn, lãnh đạo tỉnh Bình Định rất cầu thị. Từ các thông tin phản ảnh trên báo chí, Thường trực Tỉnh ủy và lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo làm rõ, phản hồi cho các cơ quan báo chí.
Lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định gửi lời, cảm ơn các cơ quan báo chí đã thẳng thắn chỉ ra tồn tại, hạn chế, thậm chí là khuyết điểm của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Và, bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng tỉnh trong năm 2024 - năm bản lề thực hiện các Nghị quyết của nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.