Quyền im lặng làm bó tay cơ quan tiến hành tố tụng?

Ngọc Lương Thứ năm, ngày 27/08/2015 08:23 AM (GMT+7)
Góp ý vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) ngày 26.8, Đại biểu (ĐB) Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đặt vấn đề: Quyền im lặng quy định như thế nào, nhưng cũng đừng làm bó tay cơ quan tố tụng.
Bình luận 0

ĐB Đỗ Văn Đương ví dụ,  vụ thảm sát 6 người trong một gia đình ở Bình Phước, 4 người ở Nghệ An, các nghi can cứ vin vào đó nói im lặng chờ đến khi có luật sư vậy lấy lời khai điều tra vụ án thế nào?

Bắt buộc phải ghi âm, ghi hình việc hỏi cung

ĐB Đỗ Văn Đương phân tích thêm, ở những vụ án hình sự, nhất là với những vụ đặc biệt nghiêm trọng, nghi can bị bắt không có lời khai nhanh thì làm sao điều tra mở rộng vụ án truy bắt các đối tượng khác có liên quan.

"Chúng ta mà quy định không khéo sẽ làm bó tay cơ quan tiến hành tố tụng, như vậy là có lỗi với đất nước, có lỗi với nhân dân" - ĐB Đương nói.

img

Nhiều ý kiến lo ngại, nếu vin vào quyền  im lặng, lực lượng công an sẽ khó điều tra ra vụ án. Ảnh: nghi can Nguyễn Hải Dương trong vụ thảm sát ở Bình Phước. 

Về quy định ghi âm, ghi hình khi tiến hành hỏi cung bị can, để tránh việc mớm cung, bức cung, theo ĐB Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, đó là nghĩa vụ của các cơ quan tiến hành hỏi cung bị can.

"Tôi đề nghị dùng chữ "phải" ghi âm, ghi hình. Bây giờ đặt thiết bị ghi âm ở đâu, hoạt động lấy lời khai ban đầu khác với hỏi cung. Hỏi cung phải tiến hành ở đâu? Nơi tiến hành điều tra cũng rất rộng. Đã có quy định hỏi cung khi khởi tố rồi, việc đó được thực hiện ở trụ sở cơ quan điều tra, cơ sở giam giữ. Vì thế việc đặt thiết bị không quá khó khăn" - ĐB Nga nói.

Theo ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) việc ghi âm, ghi hình để đảm bảo minh bạch trong quá trình hỏi cung, ngoài bảo vệ cho bị can khỏi bị nhục hình, cũng là để bảo vệ cho người hỏi cung không bị vu cáo. "Cho nên phải quy định ghi âm, ghi hình, chứ không phải muốn làm thì làm" - ĐB Hùng đề xuất.

Kiểm ngư là cơ quan điều tra?

Trước đề xuất một số cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra,  trong đó có Kiểm ngư, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan điểm: Với Kiểm ngư do gần đây tình hình tội phạm liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển diễn biến phức tạp và do yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia, phù hợp với đặc thù hoạt động trên biển nên cần thiết giao cho cơ quan này tiến hành một số hoạt động điều tra. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, chỉ bổ sung cơ quan Kiểm ngư, không bổ sung cơ quan Thuế, Ủy ban Chứng khoán nhà nước là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đề nghị cân nhắc bổ sung cơ quan Kiểm ngư có quyền điều tra. ĐB Cương cho rằng, hoạt động trên vùng biển có 4 lực lượng như: Bộ đội biên phòng, hải quan, kiểm ngư, cảnh sát biển - nên lực lượng kiểm ngư không khó khăn gì để có thể phải giao thêm quyền điều tra.

Ở một góc nhìn khác, ĐB Trần Văn Độ (An Giang) lại bày tỏ quan điểm ủng hộ các cơ quan như: Ủy ban Chứng khoán, Thuế, Kiểm ngư có quyền điều tra, bởi thông qua nhiệm vụ của mình trên có thể phát hiện tội phạm và thu thập chứng cứ ban đầu. Tuy nhiên, do các cơ quan này không phải điều tra chuyên trách nên chỉ có quyền khởi tố vụ án, lập biên bản sau đó chuyển cho cơ quan điều tra chuyên trách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem