Rạo rực trước xuân Thăng Long - Hà Nội 1001 tuổi

Thứ năm, ngày 03/02/2011 06:41 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thăng Long - Hà Nội nghìn lẻ một tuổi lại đang bước vào mùa xuân mới với giấc mộng xuân dài, giấc "trường xuân mộng" mà người xưa vẫn ngợi ca về tính dự báo những điều tốt lành tất yếu thành hiện thực.
Bình luận 0
img
Ô Quan Chưởng xưa. Ảnh: T.L

Di sản - niềm tin

Năm nay, thật là một sự hạnh ngộ diệu kỳ, năm Tân Mão, mùng Một Tết lại trùng với ngày sinh thứ 81 của Đảng (3-2-1930 - 3-2-2011). "Ngày xuân trời lại ửng hồng" (Thơ cổ). Thiên nhiên cũng bừng tươi đón chào ngày vui. 81 năm qua, vượt bao sóng gió, Đảng đã đưa Tổ quốc đến hoàn toàn độc lập và thống nhất, đã khẳng định vị thế của VN trên trường quốc tế.

Đến năm 2010 vừa qua, đã có nhiều sự diệu kỳ. Mười ngày Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được tiến hành trọng thể, ngay nhiều khách nước ngoài cũng ngưỡng mộ hoan nghênh. Đặc biệt, trong một năm mà Hà Nội lần lượt được UNESCO 3 lần công nhận 3 di sản văn hoá tầm thế giới: Bia TS Văn Miếu, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và lễ hội Gióng. Đó chính là những đoá hoa xuân kết nụ đơm bông làm nền cho xuân Tân Mão vận hành để tiến lên, đạt nhiều thành tựu hơn nữa.

Kể ra thì nói mấy cũng không hết, chỉ có thể nói rằng Hà Nội chẳng khác nào một cánh đồng hoa, được những bàn tay khéo léo tài ba vun bồi thành rừng hoa ngan ngát sắc hương. Tất nhiên phải còn có sự chung lưng, đấu sức của cả nước đưa Thủ đô đến ổn định, vượt mọi khó khăn để mùa xuân này tiếp tục phát triển đầy hứa hẹn.

Riêng Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 15 vừa qua, với chương trình hành động hoàn chỉnh được mọi người hoan hỉ chào đón, có thể coi chính là điểm khởi đầu của mùa xuân mới, mùa xuân đem lại mừng vui, hào hứng, phấn khởi, chứa chan hy vọng, ăm ắp niềm tin và mênh mang mơ ước. Nền kinh tế mới ngày một đem lại những thành tựu tốt đẹp khiến bộ mặt đô thành đổi thay nhanh chóng, cuộc sống cũng rạng rỡ lên nhiều.

Rồi không khí tự do, dân chủ ở mấy kỳ họp Quốc hội và đặc biệt là Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI vừa diễn ra đầu năm 2011 đã làm tăng thêm lòng tin của dân vào Đảng, một Đảng luôn coi lợi ích của dân là tối thượng. Chính vì vậy đã tạo nên sự ổn định chính trị xã hội, một tài sản vô giá trong một thế giới đầy biến động như hiện nay.

Cho nên, mùa xuân Tân Mão này lòng dân dào dạt phấn khởi.

img
Hồ Gươm mùa xuân về.

Nghìn năm hun đúc

Mùa xuân về cho hoa ngàn cỏ nội trổ bông. Hoa là biểu tượng mùa xuân của đất trời. Nhưng thực ra, còn có một mùa xuân khác: Mùa xuân của lòng người. Chả thế mà Xuân Diệu đã viết: "Xuân của đất trời nay mới đến/Trong tôi xuân đã đến lâu rồi". Rất có thể, người Hà Nội cảm nhận xuân từ những ngày thành phố đi vào Đại lễ.

Một chuỗi những sự kiện kết nối nhau khác nào những vầng hoa làm ửng lên xuân sắc của đô thành. Cầu mới, đường sá mới, chung cư mới, công viên mới, bảo tàng mới, trường học mới... trong năm 2010 đua nhau mọc lên như cỏ cây gặp mưa, khác nào những đoá hoa xuân dâng lên tiên tổ.

Lại còn bao con người lao động ưu tú là "những bông hoa đẹp" được giới thiệu lên trên cả hàng nghìn trang sách cũng góp phần làm cho "Vườn hoa 1.000 năm" thêm ngạt ngào, lộng lẫy sắc hương. Theo đó là cả một hệ thống chuyển động của bao ký ức lịch sử kết thành "chín vạn bông trời nở" (thơ Nguyễn Bính) làm rực rỡ, ánh thêm lên sắc diện tự hào của tất cả chúng ta.

Và không chỉ nhân dân ta mà bạn bè thế giới, hễ là người có thiện chí, có lương tri đều đánh giá cao tính trí tuệ và sự tài tình của Đảng trong chỉ đạo cách mạng. Thắng lợi đó quả đã khiến bao người thêm "sáng mắt, sáng lòng". Đảng cũng rất biết trong thắng lợi đó, công sức cũng như sự hy sinh vô cùng cao cả của toàn dân là động lực cơ bản, là sức mạnh thánh thần, nên một nhà thơ đã thay Đảng thuỷ chung bày tỏ sự tri ân: "Phải bao máu thấm trong lòng đất/Mới ánh hồng lên sắc tự hào (Tố Hữu). Cách mạng quả là sự nghiệp của nhân dân được giác ngộ, được tổ chức, được Đảng lãnh đạo theo một đường lối đúng đắn.

Nói đến nhân dân, đặc biệt là nhân dân Thủ đô Hà Nội nghìn tuổi thì nói tổng quan, là một bộ phận thực sự tiêu biểu. Anh hùng, văn hiến, yêu chuộng hoà bình, cầm gươm đánh giặc và cầm bút làm thơ, đó chính là bản lĩnh và khí phách của người Thăng Long xưa Hà Nội nay. Hà Nội thực sự là trái tim của VN can trường và bác ái với đầy đủ nội dung cao đẹp của danh từ này.

Bản thân người viết bài này muốn nhân dịp năm mới, ở góc độ nghề nghiệp là nghiên cứu văn hoá, xin có một lời chúc là rất mong Đảng và Nhà nước có những giải pháp hiệu quả hơn để mọi người tự điều chỉnh lại lối sống, cấu trúc lại nhân cách để xã hội hoàn mỹ hơn nữa, kỷ cương hơn nữa. Một mùa xuân hồng chứa chan hy vọng đang tới.

Thủ đô ba di sản thế giới

Ba di sản tiêu biểu của Hà Nội và cũng là những biểu tượng trong văn hiến VN, đã được công nhận là Di sản thế giới trước và sau khi diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội:

- Ngày 9-3-2010, phiên họp thường niên Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO tại Macau - Trung Quốc, đã quyết định công nhận 82 tấm bia TS ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Di sản tư liệu thế giới.

- Ngày 31-7-2010, trong kỳ họp lần thứ 34 diễn ra tại Brazil (tức 1-8-2010 tại VN), Ủy ban Di sản thế giới đã ra nghị quyết công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới.

- Ngày 16-11-2010, tại TP.Nairobi - Thủ đô Kenya, trong kỳ họp thứ 5 Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, lễ hội Gióng ở Phù Đổng (Gia Lâm) và đền Sóc của VN đã chính thức được công nhận là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem