Rau hữu cơ “22 không” được thanh tra giám sát trồng sạch như thế nào?

Phú Lãm Thứ ba, ngày 30/05/2017 07:15 AM (GMT+7)
Với diện tích canh tác 20ha, mỗi năm vựa rau hữu cơ – xã Thanh Xuân (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cung ứng cho thị trường trên 400 tấn rau sạch. Ít ai biết, rau hữu cơ ở đây được sản xuất, giám sát nghiêm ngặt với Bộ tiêu chuẩn gồm 22 hành vi cấm (“22 không”-PV)…
Bình luận 0

img

Toàn xã Thanh Xuân có 20ha trồng 64 loại rau theo tiêu chuẩn PGS. Ảnh: Phú Lãm.

Trồng rau theo 22 tiêu chuẩn

Trao đổi với Nhà nông/Danviet anh Hoàng Văn Hưng, Tổ trưởng tổ thanh tra nhóm sản xuất rau hữu cơ Ánh Dương (thôn Bái Thượng, xã Thanh Xuân) cho biết, rau hữu cơ ở nơi đây được sản xuất, kiểm tra giám sát chặt chẽ dựa trên Bộ tiêu chuẩn PGS gồm 22 hành vi cấm.

Dựa trên các tiêu chuẩn PGS các hộ sản xuất rau hữu cơ đạt chất lượng, tiêu chuẩn theo quy định sẽ được cấp chứng nhận PGS. “Chứng nhận này đảm bảo sản phẩm được chứng nhận được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ các quy định trong sản xuất hữu cơ. Trên thế giới, chứng nhận PGS được áp dụng tại các nước có nền nông  nghiệp phát triển: Hoa Kỳ, Brazil, New Zealand...”, anh Hưng nói.Tại Việt Nam hiện nay, PGS là hệ thống duy nhất chứng nhận chất lượng  các sản phẩm hữu cơ cho thị trường nội địa. 

img

Chăm sóc rau hữu cơ rất công phu, công đoạn làm cỏ, bắt sâu đều bằng phương pháp thủ công. Ảnh: Phú Lãm.

Tiêu chuẩn PGS  Việt Nam được xây dựng dựa trên  bộ tiêu chuẩn SXNN hữu cơ 10TCN 602-2006 do Bộ NN&PTNT ban hành. Trong đó, người sản xuất rau hữu cơ phải tuân thủ hơn 20 hành vi cấm như: “Cấm sử dụng các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng; Cấm sử dụng phân ủ được làm từ rác thải đô thị; Cấm sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Nguồn nước dùng canh tác phải là nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm”…

Với diện tích 20ha canh tác rau hữu cơ (lợi nhuận sản xuất đạt 35-40 triệu đồng/ ha/ tháng), mỗi năm xã Thanh Xuân cung ứng cho thị trường hơn 400 tấn rau sạch. Anh Hoàng Văn Hưng cho hay: “Địa phương trồng 64 loại rau theo hướng sản xuất hữu cơ gồm rau ăn lá, ăn quả, rau gia vị như: Cà chua, rau muống, bí xanh, hành, mùi…Rau được trồng xen canh để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây bệnh. 

img

Rau hữu cơ ở Thanh Xuân được trồng giám sát tuân thủ 22 tiêu chuẩn nghiêm ngặt, tạo lên những sản phẩm an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Ảnh: Phú Lãm.

Tham gia sản xuất rau hữu cơ, người dân phải qua tập huấn 3 tháng, thuộc nằm lòng các tiêu chuẩn PGS. Quá trình sản xuất không sử dụng phân bón hóa học; không dùng chất biến đổi gen; không chất kích thích sinh trưởng; phân bón là hữu cơ ủ trước bón ít nhất 3 tháng; để phòng trừ sâu bệnh chúng tôi phun trừ rau bằng dung dịch thuốc thảo mộc chế biến từ gừng, tỏi, gỉ mật ngâm trong rượu. 

Chăm sóc rau hữu cơ rất công phu bởi làm cỏ, bắt sâu đều dùng phương pháp thủ công”.Một trong những sáng tạo hiệu quả trong sản xuất rau hữu cơ ở xã Thanh Xuân đáng nói như người dân trồng nhiều cây dẫn dụ (hoa cúc, hoa hướng dương) ở giữa những luống rau, bờ ruộng để hạn chế các loài sâu bệnh phá hoại rau. “Các cây hoa dẫn dụ sâu bướm đẻ trứng trên đó giúp nông dân dễ dàng tìm bắt triệt tiêu ổ trứng sâu bệnh”, anh Hưng phân tích.

img

Sản xuất rau theo tiêu chuẩn GPS đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Giá bán trung bình đạt 14.5000 đồng/ kg rau; một số loại đặc biệt như: Rau gia vị giá 30.000 đồng/ kg; rau chùm ngây giá 60.000 đồng/ kg. Mỗi tháng 1 sào rau hữu cơ cho lãi 3,5-4 triệu đồng. Cảnh thu hoạch ớt hữu cơ ở xã Thanh Xuân. Ảnh: Phú Lãm.

Tổ trưởng tổ thanh tra sản xuất rau sạch nhóm Ánh Dương Hoàng Văn Hưng nhấn mạnh toàn bộ nước tưới rau đều được xét nghiệm bảo đảm tiêu chuẩn, không bị nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng. Sau khi thu hoạch, rau được sơ chế, đóng gói bao bì, dán tem nhãn theo quy chuẩn. Các sản phẩm này được phân phối tới người tiêu dùng thông qua các Công ty uy tín như: Công ty TNHH Vinagap (hệ thống cửa hàng Bác Tôm), Công ty Hanoi Organic Roots…

24 Tổ thanh tra chéo, giám sát, xử phạt nghiêm vi phạm sản xuất

Để tạo ra sản phẩm rau hữu cơ “22 không” năm 2008, xã Thanh Xuân đã thành lập 24 Tổ thanh tra thuộc 24 nhóm sản xuất rau sạch trên địa bàn xã. Mỗi Tổ thanh tra có ít nhất 2-3 thành viên. “Mỗi năm, các tổ thanh tra tiến hành thanh tra chéo 2 lần, kiểm tra giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất rau hữu cơ dựa trên Bộ tiêu chuẩn PGS. 

img

Anh Hoàng Văn Hưng, Tổ trưởng tổ thanh tra sản xuất rau hữu cơ nhóm Ánh Dương, xã Thanh Xuân thổ lộvới Nhà Nông/Danviet về công tác giám sát sản xuất rau sạch trên địa bàn. Ảnh: Phú Lãm.

Nhóm sản xuất nào vi phạm, không đạt tiêu chuẩn tổ thanh tra có quyền ra quyết định xử lý vi phạm. Vi phạm lần 1 cảnh báo trước liên nhóm; lần 2 xử phạt hành chính bằng tiền xung vào quỹ; vi phạm lần 3 sẽ xử phạt hành chính và thu hồi chứng nhận PGS. Tùy mức độ vi phạm quyền lợi của các hộ sản xuất sẽ bị ảnh hưởng theo”, thanh tra Hoàng Văn Hưng phân tích.

img

Nhóm Thanh Nhàn bị xử phạt 10 triệu đồng bởi 1 thanh viên trong nhóm mang phân Ure vào khu vực sản xuất rau hữu cơ. Ảnh: Phú Lãm.

Anh Hưng nói thêm: “Tất cả chúng tôi đánh vào quyền lợi kinh tế buộc bà con phải tuân thủ. Chỉ cần 1 thành viên trong nhóm vi phạm cả nhóm đều bị xử phạt, cảnh cáo. Rất mừng hầu hết bà con tuân thủ nghiêm chỉnh các tiêu chuẩn sản xuất. Chỉ có 1 số ít vi phạm, chúng tôi đã xử lý 6 vi phạm, khai trừ 1 nhóm. Xây dựng thương hiệu rau hữu cơ vốn rất khó khăn, nên chúng tôi luôn ý thức quy trình sản xuất phải chuẩn, an toàn, tuyệt đối tuân thủ quy chuẩn. Các tổ thanh tra kiên quyết xử lý, không bỏ qua cho bất kỳ trường hợp vi phạm nào”.

img

Trồng rau hữu cơ đang là một trong những cách làm giàu hiệu quả ở xã Thanh Xuân. Trong ảnh người dân đang sơ chế rau hữu cơ. Ảnh: Phú Lãm.

Đánh giá về hiệu quả giám sát Tổ trưởng Tổ thanh tra nhóm Ánh Dương cho rằng, cái hay ở đây có sự tham gia giám sát của 5 nhà: “Nhà nước kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, nhà khoa học kiểm soát về giống và thuốc phòng trừ sâu bệnh; doanh nghiệp giám sát chất lượng; người trồng rau giám sát lẫn nhau; người tiêu dùng giám sát các doanh nghiệp”, anh Hưng chia sẻ.

img

Người dân trồng nhiều hoa cúc, hoa hướng dương ở các bờ ruộng, hoặc sen cách giữa các luống rau để thu hút côn trùng, sâu bọ đẻ trứng lên cây hoa hạn chế phá hoại rau quả. Ảnh: Phú Lãm.

Bà Phạm Thị Năm (thành viên tổ sản xuất rau hữu cơ Ánh Dương, xã Thanh Xuân) phấn khởi chia sẻ với Nhà Nông/ Danviet: “Gia đình tôi có 6 sào sản xuất rau hữu cơ. Quá trình thanh tra nghiêm ngặt, chất lượng rau tốt, đầu ra ổn định trung bình lãi 3-4 triệu đồng/ sào/ tháng, hiệu qủa hơn nhiều lần so với cách làm cũ”, bà Năm chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem