Quyết đẩy lùi thực phẩm bẩn
Ngay sau khi triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thịt sạch bằng điện thoại thông minh, cuối tuần qua, TP.HCM tiếp tục quyết tâm đẩy lùi thực phẩm bẩn bằng việc khởi động chương trình truy xuất nguồn gốc rau an toàn. Theo đó, UBND TP.HCM đã ký ghi nhớ với Câu lạc bộ Nông nghiệp Công nghệ cao (DAA Việt Nam) về triển khai mô hình thí điểm sử dụng tem truy xuất nguồn gốc rau an toàn và tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho thành phố.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (giữa) nếm thử rau sạch ngay tại nhà vườn ở Củ Chi, TP.HCM. Ảnh: K.P
Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng, nông nghiệp dù chỉ chiếm tỷ lệ thấp, chưa đến 1% GDP toàn thành phố, nhưng tỷ lệ dân cư sống bằng nông nghiệp còn rất lớn. Bằng việc ký kết hợp tác thực hiện chương trình rau an toàn, TP.HCM là một trong những địa phương tiên phong trong việc phát triển chuỗi nông nghiệp sạch.
|
Trước đó, trong buổi thăm và làm việc với một số nhà vườn, cơ sở giết mổ, chế biến thực phẩm tại TP.HCM hồi tuần qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định, cần có thái độ dứt khoát để xây dựng thị trường thực phẩm minh bạch. Ông Hiển cho rằng, việc có hàng ngàn cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trở nên rất khó kiểm soát.
Trả lời câu hỏi của ông Hiển khi đến thăm cơ sở giết mổ gia súc, ông Văn Đức Mười – Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho rằng, doanh nghiệp muốn có sản phẩm chất lượng cao thì yêu cầu đầu vào phải cực kỳ khắt khe. Không thể có chuyện mua đại trà rồi về chế biến mà cho ra thực phẩm sạch. Như ở Vissan, người dân muốn bán thịt heo hoặc thịt bò cho doanh nghiệp này thì phải sản xuất theo các tiêu chí mà công ty đưa ra, mỗi hộ đều có một biểu đồ để quản lý...
Chú trọng khâu sản xuất, chế biến
Để có được sản phẩm rau sạch, an toàn, nông dân TP.HCM hiện áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… Sắp tới, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm này bằng smartphone (điện thoại thông minh).
Ông Trần Văn Thích – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phước An chia sẻ, không đơn giản mà có được sản phẩm rau sạch cung cấp cho thị trường. Dù đã có nhiều năm sản xuất theo VietGAP, việc duy trì để đạt được chứng nhận này ở các tổ sản xuất vẫn là điều không đơn giản. “Làm rau sạch phải có tập thể thì các hộ cá thể mới giữ vững được cam kết về chất lượng của sản phẩm. Hơn nữa, phải có tập thể, có sản xuất lớn thì mới có thể lo đầu ra cho sản phẩm được” - ông Thích nói.
Theo ông Thích, làm rau theo chuẩn VietGAP cung cấp cho HTX, nếu làm tốt, mỗi vụ nhà vườn có thể thu lãi trên dưới 70 triệu đồng/ha, mỗi năm làm 7 – 8 vụ. Ngược lại, nếu rơi vào cảnh “cù bất cù bơ”, bà con không những bị thương lái ép giá mà chỉ làm được 2 – 3 vụ rau mỗi năm do không bán được hàng.
“Nếu không có HTX theo dõi, kiểm soát thường xuyên, nông dân cũng dễ nản lòng, dễ bỏ qua các khâu như ghi nhật ký đồng ruộng, cách ly sản phẩm trước khi thu hoạch…” - ông Thích nhận định.
Hiện tại, ở Phước An, các hộ phải có VietGAP thì HTX mới thu mua sản phẩm. Sắp tới, đơn vị còn tổ chức truy nguyên nguồn gốc bằng mã vạch cho từng hộ, hiện đã được Chi cục BVTV TP.HCM đầu tư máy móc, thiết bị…
Ông Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP.HCM, cho hay ở nhiều nước như Nhật, Mỹ, Liên minh châu Âu đều sử dụng mã sản phẩm để truy xuất nguồn gốc thực phẩm, rượu vang… Mục đích nhằm duy trì chất lượng và hình ảnh của thương hiệu nổi tiếng trong nước, đồng thời nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, mã QR code chỉ là phương tiện để đảm bảo yên tâm cho người mua về nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất chân chính chứ không giúp bảo đảm tuyệt đối chất lượng sản phẩm. Do đó, nguồn gốc của vấn đề vẫn là thực hiện sản xuất sạch, đảm bảo các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Do đó, theo ông Thắng, nếu chỉ quan tâm truy xuất nguồn gốc mà không chú trọng khâu sản xuất, chế biến… thì cũng giống như chỉ mới giải quyết được “phần ngọn” của vấn nạn thực phẩm bẩn.n
Vui lòng nhập nội dung bình luận.