Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Trong khi các loại rau phổ biến trong bếp ăn người Việt là cây thân bụi, nhỏ mềm, thân thảo..., thì rau sắng lại là một loại cây thân gỗ, thường mọc tự nhiên trên núi, chủ yếu là những vách núi đá vôi hoặc trên đồi cao. Thân cây sắng to, cao, có khi lên tới hàng chục mét, nên muốn hái ngọn non, người ta phải trèo lên cây để hái, tốn rất nhiều công sức.
Trước đây, cây sắng thường gặp ở một số nơi như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nội, nhưng có mật độ cao nhất là ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn (huyện Thanh Sơn) và vùng đệm của vườn quốc gia này thuộc tỉnh Phú Thọ. Hiện nay đã có nhiều nơi trồng thành công loại rau sắng nhờ những dự án bảo tồn và phát triển loài rau này ở Vườn Quốc gia Xuân Sơn và xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Vì những lí do trên mà ngọn non của cây sắng luôn có giá bán đắt đỏ, thậm chí đắt hơn cả thịt, cá. Bà Phạm Thị Phương, một tiểu thương quê ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) cho biết, mỗi tuần bà thường thu mua các loại rau rừng, rau đặc sản ở quê rồi đem xuống bán tại chợ dân sinh ở quận Hà Đông (Hà Nội). Xe hàng của bà luôn có nhiều loại rau khiến chị em nội trợ ở thành phố thích thú, như rau bò khai, rau sắng, rau dớn, măng đắng... Đôi khi bà cũng bán cả ốc núi, củ sắn, nấm hương rừng...
Hiện, rau sắng bà Phương bán giá 150.000 đồng/kg; rau bò khai giá 45.000 đồng/kg; măng đắng tùy thời điểm từ 30.000 - 35.000 đồng/kg... Khi khan hàng, giá rau sắng có thể lên tới 200.000 đồng/kg.
Mặc dù giá rau rừng luôn đắt hơn thịt, cá nhưng ai cũng thích mua vì rau sạch và ngon ngọt. "Rau sắng mua về chỉ cần tuốt lấy lá non và ngọn, rửa với nước cho sạch rồi đem nấu canh. Thậm chí nhiều người chỉ cần rửa qua nước 1 lần, vì rau sắng hái tít trên ngọn cây cao, non mỡ màng, không có phân thuốc gì nên rất sạch" - bà Phương nói.
Theo bà Phương, rau sắng rất hợp nấu cùng thịt lợn băm, ngao, tôm khô giã nhỏ, giò sống,... hoặc chỉ cần thả suông vài ngọn rau vào nồi nước, nêm chút gia vị là được bát canh rất ngon rồi.
Một chị khách quen hay mua rau của bà Phương cho biết, riêng với rau sắng thì nấu canh suông là ngon nhất. Khi nước sôi thì cho rau vào, thêm chút muối vừa ăn, chờ nước sôi lại rồi bắc ra ngay. Không nên nấu nát quá, tuy làm nước ngọt hơn nhưng rau sắng sẽ bị bã, ăn mất ngon.
Mùa thu hoạch rau sắng thường từ tháng 2 - 3 âm lịch hằng năm. Hoa rau sắng mọc ở thân cây. Hoa và lá non đều ăn được và trở thành món rau rừng đặc sản của dân Hà thành.
Rau sắng (hay còn gọi là cây mì chính, rau ngót rừng, rau ngót quế, tắc sắng, pắc van, lai cam...) có tên khoa học là Melientha suavis, thuộc bộ Đàn Hương.
Rau sắng một loại rau đặc sản, rau sắng có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho người mới ốm dậy hay phụ nữ mới sinh nhờ mang nhiều chất bổ dưỡng.
Cây rau sắng tuy là loại rau lành tính và chứa một số công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi bạn ăn rau sắng bạn cũng cần lưu ý một số điều sau đây:
Phụ nữ đang trong giai đoạn mang thai không nên ăn rau sắng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Những người bị huyết áp thấp cũng không nên ăn bởi có thể khiến huyết áp càng thêm thấp. Người có đường ruột kém, yếu bụng, dễ bị tiêu chảy cũng cần hạn chế ăn cây rau sắng.
Khác với loại rau ngót được trồng, rau sắng có hương vị đặc trưng của loại rau rừng. Không chỉ ngon, mát, rau sắng lại còn giàu dinh dưỡng và mang đến khá nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.