Rét đậm bao trùm miền Bắc: Tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ dưới 10 độ C

Thiên Ngân - Xuân Thoả Thứ năm, ngày 25/01/2024 15:37 PM (GMT+7)
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khuyến cáo người dân tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi trời mưa hoặc nhiệt độ môi trường dưới 10 độ C.
Bình luận 0

Chủ động chống rét cho đàn vật nuôi

Gia đình ông Phan Văn Ngọ, Tổ dân phố Lốt, thị trấn An Châu (huyện Sơn Động, Bắc Giang) có 18 con bò, khi thời tiết chuyển rét, trước đó ông đã lùa đàn bò thả trên đồi về nuôi nhốt trong chuồng và tiêm phòng một số bệnh như: Tụ huyết trùng, lở mồm long móng. 

"Con bò là tài sản lớn của gia đình, đề phòng những đợt rét đậm, rét hại trong mùa đông, gia đình chủ động trồng 1 sào cỏ voi, tích cám ngô. Sáng, tối nấu cám cho bò uống, 2 ngày vệ sinh chuồng một lần, giải chấu đảm bảo chuồng lúc nào cũng khô ráo, không cò mùi" - ông Ngọ chia sẻ. 

Một số xã có đàn vật nuôi lớn như: Phúc Sơn, Hữu Sản, Vân Sơn, Thanh Luận đã cử cán bộ chuyên môn xuống từng hộ hướng dẫn bà con chống rét, cách chăm sóc, sử dụng bạt che chắn chuồng trại, thường xuyên vệ sinh, tiêu độc, khử trùng, dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi.

Ông Lưu Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, toàn xã có hơn 20.000 con gia súc, gia cầm. Trong đó, gần 2.000 con trâu, bò, dê, ngựa. Thực hiện chỉ đạo của huyện về phòng chống đói rét cho đàn vật nuôi, ngay từ đầu năm xã phân công các đồng chí đảng uỷ viên phụ trách các thôn chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các hộ chăn nuôi phòng chống rét.

Vận động người dân trồng cỏ voi; khai thác, chế biến, bảo quản các phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá cây ngô, vỏ, bắp ngô, rơm, rạ, cỏ voi... để ủ chua, đảm bảo đủ nhu cầu thức ăn trong những ngày rét đậm, rét hại kéo dài. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã chưa có trâu, bò, dê bị chết đói, chết rét và dịch bệnh, đàn vận nuôi phát triển ổn định.

Gia đình anh Nguyễn Khương Duy, thôn Mới có gần 100 con dê, trong đó có 70 con dê thương thẩm để bán vào dịp Tết. Khi được cán bộ xã thông báo, gia đình đã không thả dê lên đồi mà quây kín 2 chuồng, dự chữ lá cây, cỏ tươi, cám để nuôi nhốt.

Theo thống kê, toàn huyện Sơn Động có trên 4.500 con trâu, bò, hơn 65.000 con lợn, hơn 1 triệu con gia cầm và dê. UBND huyện chỉ đạo phòng chuyên môn phối hợp với các xã đôn đốc, hướng dẫn bà con áp dụng những biện pháp phòng chống rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Đặc biệt là dự trữ thức ăn. Tuyệt đối không đưa trâu, bò đi chăn thả khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 13 độ C.

Rét đậm bao trùm miền Bắc: Tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ dưới 10 độ C- Ảnh 1.

Gia đình ông Phan Văn Ngọ, Tổ dân phố Lốt, thị trấn An Châu (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) nuôi 18 con bò , khi thời tiết chuyển rét, trước đó ông đã lùa đàn bò thả trên đồi về nuôi nhốt trong chuồng. Ảnh: sondong.gov.vn

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã có văn bản gửi trung tâm khuyến nông; trung tâm dịch vụ nông nghiệp các tỉnh, thành phố; đơn vị chủ trì dự án khuyến nông Trung ương về việc tăng cường phòng, chống rét đậm, rét hại trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, dự báo thời tiết từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho thấy, trong thời gian tới, thời tiết diễn biến phức tạp, có thể xảy ra rét đậm, rét hại, kèm theo mưa lớn tại các tỉnh phía Bắc.

Để tăng cường sức đề kháng, chống chịu và giảm thiệt cho cây trồng, vật nuôi, đồng thời đảm bảo đủ nguồn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán sắp tới, ổn định sản xuất trong vụ xuân 2024, Trung tâm KNQG đề nghị các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người dân để chủ động thực hiện phòng, chống rét trong sản xuất. 

Rét đậm bao trùm miền Bắc: Tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi nhiệt độ dưới 10 độ C- Ảnh 2.

Nông dân tỉnh Phú Thọ chủ động che chắn chuồng trại, thắp đèn để sưởi ấm cho đàn lợn con khi trời rét đậm. Ảnh: Mạnh Thuần

Cụ thể, đối với những diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay. Với nhóm rau ăn lá cần che chắn bằng nilon tránh mưa, rét. 

Ngoài ra, cần tưới đủ ẩm, bón thêm kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới thêm một số loại chế phẩm sinh học để tăng cường sức chống rét cho cây. Với những diện tích thiệt hại nhẹ, cần tăng cường tưới nước, bón phân hữu cơ, phân NPK để cây ra thêm rễ mới, sinh trưởng phát triển khỏe, tăng sức chống chịu với điều kiện thời tiết rét hại.

Các loại rau màu như hành, ớt, cà chua, khoai tây, bắp cải, su hào, súp lơ... cần tưới đủ ẩm, tăng cường bón kali, tro bếp. Đồng thời, phun bổ sung phân bón lá 7 - 10 ngày/lần để tăng khả năng chống chịu rét cho cây.

Đối với mạ đã gieo, bà con cần che phủ kín bằng nilon trắng, tăng cường bón tro bếp; giữ nước ở mức thích hợp để giữ ấm cho mạ. Trường hợp không thể che phủ cho mạ bằng nilon người dân cần tưới nước trên mặt lá làm tan sương, tránh cho lá mạ bị cháy. Gieo cấy lúa đúng khung thời vụ theo chỉ đạo của Bộ NNPTNT, ngành nông nghiệp địa phương. Chỉ gieo cấy lúa khi nhiệt độ trên 15 độ C. Tăng cường bón lân, kali cho lúa, đồng thời giữ đủ nước trên ruộng để giữ ấm cho ruộng mới cấy.

Đối với các vườn ươm cây giống lâm nghiệp, tưới nước vào buổi sáng để rửa sương muối, băng giá cho vườn cây giống. Làm giàn che, vòm che cho cây giống bằng tre nứa, nilon hoặc rơm rạ khô để chống sương muối. Riêng đối với cây keo là cây ưa nắng, khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao hơn (từ 16 độ C trở lên) phải mở nilon che phủ để cây sinh trưởng và phát triển tốt.

Bên cạnh đó, thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại cây con trong vườn ươm, chủ động phun phòng, trừ một số bệnh hại do nấm như bệnh thối cổ rễ, nấm mốc trắng. Tuyệt đối không được bón phân đạm.

Đối với vật nuôi, tuyệt đối không chăn thả gia súc, gia cầm khi trời mưa hoặc nhiệt độ môi trường dưới 10 độ C. Gia cố chuồng trại tránh gió lùa, mưa tạt vào chuồng nuôi, vệ sinh chuồng trại thường xuyên, giữ chuồng nuôi luôn khô ráo. Khi thời tiết rét đậm, rét hại hoặc kèm theo mưa, thực hiện nuôi nhốt gia súc gia cầm trong chuồng, mặc ấm cho gia súc bằng chăn bông, vải gai…

Đối với thủy sản, gia cố bờ bao để bổ sung thêm nguồn nước sạch, đảm bảo độ sâu mực nước trên 2m giúp chống rét cho vật nuôi thủy sản. Trước khi vào mùa rét hoặc trước các đợt rét cần cho ăn đầy đủ hơn. Phải cho ăn vừa đủ theo nhu cầu, tránh lãng phí, gây ô nhiễm môi trường. Thức ăn phải đảm bảo chất lượng để các đối tượng nuôi đủ sức khoẻ, tăng sức đề kháng.

Tăng cường che chắn cho ao nuôi; ao được che bằng nilon, bạt hoặc thả bèo tây 1/2 - 2/3 diện tích mặt ao về phía Đông Bắc để chắn gió. Làm các giá thể trú rét ở góc ao về phía Bắc, dùng các bó rơm rạ đã được sát trùng bằng nước vôi, phơi thật khô sau đó cắm cọc dìm xuống đáy ao, khi trời rét vật nuôi thuỷ sản chui vào tránh rét. Những ngày ấm hoặc vào buổi trưa trời nắng cần cho vật nuôi ăn, lượng cho ăn phải tùy thuộc vào sức ăn để tăng hoặc giảm cho phù hợp. Thức ăn cho thuỷ sản cần bổ sung các loại vitamin, men vi sinh hỗ trợ tiêu hóa, tăng sức đề kháng.

Định kỳ 7 - 10 ngày bổ sung các loại men vi sinh xử lý môi trường nước để nguồn nước luôn trong sạch. Một số đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, diện tích ao nuôi nhỏ có thể sử dụng bạt chắn kín mặt ao hoặc nuôi trong nhà kính, bên trong sử dụng bóng đèn sưởi để nâng nhiệt cho ao nuôi giúp hạn chế rủi ro khi thời tiết lạnh kéo dài. Sử dụng máy sục khí để cung cấp oxy và giúp tăng nhiệt độ nước ao. Hạn chế sử dụng quạt nước vào mùa đông khi nhiệt độ nước dưới 18 độ C.  

Thống kê tính đến 19h50 ngày 24/1, rét đậm, rét hại đã làm 38 con gia súc bị chết ở các tỉnh Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang và Lào Cai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem