Rét đậm, rét hại tại miền núi phía Bắc: Hơn 1.100 trâu, bò chết rét

Thứ tư, ngày 15/01/2014 06:58 AM (GMT+7)
Số liệu thống kê của các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy, tính đến ngày hôm qua (14.1), đã có ít nhất gần 700 con trâu, bò bị chết do ảnh hưởng của các đợt rét.
Bình luận 0
Vẫn còn tư tưởng chủ quan

Ngày 14.1, thời tiết các tỉnh miền núi phía Bắc tiếp tục rét đậm, rét hại, nhiệt độ phổ biến 7-10 độ C, nơi thấp nhất là 4 độ C. Tình hình này khiến nhà nông hết sức lo ngại. Gặp phóng viên, anh Giàng A Sùng ở xã Tả Phìn (Sa Pa, Lào Cai) cho biết: “Nhà có 3 con trâu mẹ và 2 nghé mới đẻ.

Trâu mới sinh, con non còn yếu lắm à, nên phải để trong chuồng cho ăn rơm khô, tránh rét, khi nào nắng ấm lên mới thả ra được”. Tương tự, ông Lò Văn Hon ở thôn Bản Lang 2 (xã Bản Lang, huyện Phong Thổ, Lai Châu) cho hay: “Thời tiết mỗi năm một rét hơn, chỉ cần sơ sẩy là mất toi cả cơ nghiệp ngay, nên ngoài gia cố lại chuồng trại ra, năm nào tôi cũng dự trữ cỏ và rơm khô gác lên kệ chuồng, khi nào mưa rét không đi chăn thả được sẽ lấy xuống cho trâu ăn”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, không phải hộ gia đình nào cũng có ý thức như anh Sùng, ông Hòn, trong những ngày rét đậm, rét hại họ vẫn chủ quan, lơ là, chăn thả trâu, bò trong rừng, không cho trâu, bò ăn đầy đủ, chuồng trại không che chắn kín... thậm chí có người còn đem trâu, bò đi kéo cày nên đã dẫn tới nhiều trâu bò bị chết.

Ông Bùi Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Mặc dù chúng tôi đã tổ chức ký cam kết chống đói, rét cho trâu, bò tới 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đảm bảo phòng chống rét cho gia súc, song không phải xã nào, hộ dân nào cũng thực hiện đúng theo cam kết”. Nguyên nhân là do các xã còn gặp nhiều cản ngại do địa bàn phân tán, chia cắt, đường đi lại khó khăn, trong khi đó lực lượng cán bộ địa phương chuyên trách lại mỏng nên rất khó quản lý, giám sát được việc nhân dân thực hiện cam kết như đã ký, dẫn đến số lượng gia súc chết còn khá nhiều.

Hơn nữa, theo ông Sơn, trên địa bàn các xã vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, phong tục, tập quán vẫn còn lạc hậu nên vẫn còn tình trạng thả rông gia súc trong rừng, có khi vài tháng mới vào kiểm tra trâu. Dù cán bộ xã có tuyên truyền, kêu gọi nhân dân xây dựng chuồng trại nuôi nhốt nhưng cũng chẳng ăn thua, dẫn đến khi mưa tuyết và giá rét trâu dễ bị chết, và số lượng cũng khó kiểm soát được”.

Số gia súc chết tăng lên từng ngày

Chiều 14.1, ông Hà Văn Um – Giám đốc Sở NNPTNT Lai Châu cho biết: “Hiện tại, công tác phòng chống đói, rét cho gia súc tại các địa phương trên địa bàn tỉnh vẫn đang được triển khai. Ngoài ra, để các hộ dân bớt khó khăn, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ là 3 triệu đồng/ hộ có gia súc bị chết”.

Theo thống kê sơ bộ, một số tỉnh phía Bắc, đến nay đã có hàng nghìn con gia súc bị chết rét, trong đó thiệt hại lớn nhất là Lào Cai với gần 500 con trâu, bò; Lai Châu 475 con trâu, nghé, bò, bê, ngựa, dê; Hà Giang 18 con, Cao Bằng 71 con, Bắc Kạn 25 con...

Ông Nguyễn Đức Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Giang thông tin: “Đã có 18 con gia súc bị chết rét. Ngay từ đợt rét vào cuối tháng 12.2013, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, xã vào cuộc quyết liệt đối với công tác phòng chống rét cho cây trồng và gia súc. Đặc biệt, đối với công tác phòng chống rét cho gia súc, tại các địa phương trong tỉnh, người dân đã tích cực thực hiện phong trào “giữ đầu cơ nghiệp”.

Ông Vinh cho biết thêm, đối với cây trồng, tỉnh đã chỉ đạo phòng chống rét và sương muối rất sát sao. Đặc biệt với mạ đông xuân, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân lùi ngày cấy so với kế hoạch đã định trước. Hiện 100% diện tích mạ mới gieo phục vụ cho vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh đã được người dân che phủ kín nylon.

Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Tuyển - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Lào Cai cho biết, trong những đợt rét đậm, rét hại lần này, dù mức độ nghiêm trọng không như lần trước nhưng ở một số địa bàn của tỉnh vẫn xuất hiện băng tuyết, như ở Sa Pa và trên đỉnh núi cao tại huyện Bát Xát.

“Do cây trồng, vật nuôi đã phải hứng chịu một đợt rét đậm, rét hại chưa từng có hồi tháng 12.2013, hiện mới đang trong tình trạng hồi phục, nên chúng tôi đã chỉ đạo địa phương tuyên truyền, phổ biến tới người dân công tác bảo vệ cây trồng, vật nuôi. Theo ông Tuyển, trong đợt rét đậm, rét hại vừa qua đã làm địa phương thiệt hại hơn 70ha su su, một số diện tích rau, củ quả cũng bị thiệt hại từ 30-70%, diện tích hoa cũng bị thiệt hại lớn và có tới gần 500 con trâu, bò chết.

Trần Quang - Thanh Xuân (Trần Quang - Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem