Rộn ràng không khí đón Xuân: Không để thiếu hàng phục vụ Tết

Đức Duy (Vietnam+) Thứ sáu, ngày 20/01/2023 10:53 AM (GMT+7)
Với Hà Nội, ngoài hàng hóa thành phố giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% nhu cầu so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30% trong dịp Tết Nguyên đán.
Bình luận 0
Rộn ràng không khí đón Xuân: Không để thiếu hàng phục vụ Tết - Ảnh 1.

Lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội kiểm tra công tác phục vụ hàng Tết tại siêu thị. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Bánh chưng, mộc nhĩ, dưa hành, bánh mứt kẹo… tất cả những hàng hóa thiết yếu đều được các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều tháng nay để phục vụ người dân mua sắm dịp Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, các siêu thị, chợ truyền thống... đã tăng các điểm bán, phủ sóng hàng Việt tại các kênh phân phối đến khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp-khu chế xuất, giúp người lao động yên tâm mua sắm hàng Tết.

Đa dạng hàng hóa Tết

Không khí Tết đang đến rất gần, đây cũng là dịp để các doanh nghiệp ngành bán lẻ bận rộn lo hàng hóa. Năm nay, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, vì vậy dự báo, sức mua của người dân sẽ tăng trong dịp lễ Tết.

Ngay trong quý 3/2022, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, chủ yếu là thịt lợn, tăng 30% so với năm ngoái cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%.

Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho hay đơn vị đã chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa cho trước, trong, và sau dịp tết Nguyên đán 2023. Với dự báo sức mua sẽ tăng cao, nên ngay từ tháng 11/2022, Saigon Co.op đã bắt đầu chạy chương trình khuyến mãi tết Nguyên đán.

Cũng là dịp để mua bán hàng hóa, nhưng hàng hóa Tết tại các siêu thị và chợ truyền thống luôn có những nét đặc trưng riêng. Đặc biệt, Tết không thể thiếu mâm ngũ quả gồm 5 loại quả khác nhau, mỗi miền khác nhau thì trưng mâm ngũ quả với những loại quả khác nhau.

Hơn nữa, tùy vào điều kiện, có gia đình gói bánh chưng từ ngày 23 tháng Chạp cũng có gia đình đến ngày 27, 28, 29 Tết mới gói và có bánh chưng ăn Tết vừa là để biếu anh em, họ hàng.

Anh Đỗ Phi Long, chủ một cơ sở sản xuất bánh chưng Tết tại huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết văn hóa ẩm thực đón Tết của người Việt vô cùng phong phú, dù cuộc sống có bận rộn đến mấy nhưng bánh chưng, bánh tét hay mâm ngũ quả là những thứ chưa bao giờ có thể thiếu trên bàn thờ, mâm cỗ mỗi gia đình.

Vì vậy, với các tiểu thương nhờ có việc gói bánh chưng, bánh tét mà cái Tết trở nên ấm cúng và đem lại ý nghĩa hơn với nhiều gia đình, nhất là khi kinh tế đang phát triển, nhiều làng nghề đang thu hẹp dần.

Lan tỏa các chương trình bình ổn giá

Hiện tại, các mặt hàng Tết đã tràn ngập các kệ hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại cũng như cửa hàng tiện dụng hay chợ truyền thống, các trang bán hàng qua mạng, chợ điện tử.... Cùng với lượng hàng dồi dào và nhiều sản phẩm mới, các hệ thống siêu thị cũng đẩy mạnh các chương trình kích cầu, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm Tết.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc thường trực WinCommerce (quản lý chuỗi Winmart), cho biết để đáp ứng nhu cầu thị trường, doanh nghiệp đã mở rộng hệ thống ra khu vực nông thôn, có giải pháp để vận chuyển và các hoạt động logistics, giao hàng tập trung để giảm giá thành.

"Winmart đã làm việc với hơn 300 nhà cung cấp để tăng sản lượng nguồn hàng, thực hiện các chương trình bình ổn giá, đảm bảo cung ứng hàng hóa trên toàn hệ thống," bà Phương nói.

Rộn ràng không khí đón Xuân: Không để thiếu hàng phục vụ Tết - Ảnh 2.

Hàng hóa đa dạng, nhiều chương trình bình ổn được doanh nghiệp tung ra trong dịp Tết. (Ảnh: Xuân Quảng/Vietnam+

Còn theo ông Lê Văn Liêm, Giám đốc Saigon Co.op miền Bắc (đơn vị quản lý chuỗi Co.op Mart), doanh nghiệp đã lên kế hoạch làm việc với nhiều nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung ổn định.

Theo đó, nguồn hàng hóa dự kiến tăng 10-15% được tập trung tại bảy kho trung tâm với tổng giá trị hàng hóa tồn kho là 10.000 tỷ đồng. Đặc biệt, hệ thống Co.op Mart cũng đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi và kích cầu mua sắm trên cơ sở phối hợp nhà cung cấp để có giá tốt, kích cầu mua sắm cuối năm cho người tiêu dùng, được thực hiện dài hơi đến 21/1/2023 ở 800 điểm bán tại 43 tỉnh thành.

Ngoài ra, Co.op Mart cũng tổ chức bán hàng lưu động, tổ chức hàng trăm chuyến hàng ở vùng sâu vùng xa, hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ người dân với giá hợp lý.

Trong khi đó, ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc điều hành chuỗi bán lẻ BigC&Go, cho biết doanh nghiệp sẽ tập trung nguồn hàng đa dạng với mức tăng trưởng cao so với năm ngoái với trên 20%; trong đó hàng hóa mang tính chất mùa vụ Tết sẽ tăng 20-30%.

Cùng với những mặt hàng phi thực phẩm như gia dụng, dệt may được dự báo tăng tốt hơn năm trước, các mặt hàng thực phẩm Tết sẽ được hệ thống tập trung cung ứng trong hai tuần, gồm các sản phẩm như bánh chưng, bánh tét, lạp xưởng, trái cây...

Cũng theo ông Phong, hệ thống này sẽ tung ra chương trình khuyến mãi từ 30-50% với hàng nghìn mặt hàng xuyên suốt trong dịp Tết, mở thêm thời gian bán hàng và nhân sự để phục vụ bà con mua sắm.

"Nguồn hàng dồi dào sẽ giúp giá ổn định, nhưng sau Tết có thể gặp thách thức cho hàng tươi sống, nguồn hàng và lực lượng cung cấp ít hơn, nên cần chuẩn bị để tránh tình trạng sau Tết giá tăng, hình thành nên mặt bằng giá mới," ông Phong nói.

Với Hà Nội, số lượng người dân đông, do vậy thành phố luôn ưu tiên cao nhất cho việc bình ổn thị trường nhắt là dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội dự báo nhu cầu của người dân tăng từ 15 đến 20% để mua sắm phục vụ Tết.

Do đó, Hà Nội luôn đảm bảo dự trữ nguồn cung tăng từ 30 đến 35% tức là ngoài hàng hóa Hà Nội giao cho các hệ thống phân phối tăng 15% nhu cầu so với nhu cầu năm trước thì các doanh nghiệp phải dự trữ tăng 30%.

Ngoài ra, các đơn vị sẽ cung ứng hàng bình ổn giá tới hơn 12.000 điểm bán hàng trên toàn thành phố; trong đó có 132 siêu thị, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và hàng loạt điểm bán hàng lưu động về các huyện ngoại thành, nhằm đưa hàng hóa thiết yếu bình ổn đến với người nghèo, người còn khó khăn để họ có điều kiện đón một cái Tết đầy đủ hơn.

Chia sẻ về thị trường Tết, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhìn nhận với cuộc sống hiện đại, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, ngày thường cũng như ngày Tết, họ không phải mua tích góp sớm mà đàng hoàng mua bán, mua có lựa chọn với những địa chỉ đáng tin cậy.

Đối với những gia đình có thu nhập trung bình khá trở lên, chủ yếu mọi người đi siêu thị, trung tâm thương mại để mua hàng, đi một buổi họ mua đủ hàng Tết. Còn những gia đình thu nhập thấp hơn, gia đình nghèo thì mua sắm chủ yếu ở cửa hàng lẻ, chợ, thậm chí cả hàng rong. Chính vì vậy, mọi bước chuẩn bị Tết đều được đơn giản hóa để người phụ nữ đỡ vất vả hơn.

Sự chuẩn bị chu đáo của ngành thương mại đã góp phần bình ổn thị trường, tạo nên nét đa dạng trong văn hóa ẩm thực Việt trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem