Rót 5.000 tỷ đồng cho vựa lúa

Thứ năm, ngày 11/03/2010 09:29 AM (GMT+7)
NTNN - Ngày 10-3, Báo Nông thôn Ngày nay và Ngân hàng TMCP Liên Việt tổ chức buổi toạ đàm về đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đối với lĩnh vực sản xuất lúa nước tại ĐBSCL.
Bình luận 0

img
Toạ đàm "Tín dụng hướng tới Bát cơm châu Á"

Dư nợ cho vay nông nghiệp còn thấp

 

ĐBSCL với 13 tỉnh, thành là vựa lúa lớn của cả nước và là nơi chiếm tỷ trọng lớn trong nuôi trồng thuỷ sản. Do đó, nhu cầu vốn đối với người nông dân ở đây rất lớn.

Tuy nhiên, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước VN, tại khu vực ĐBSCL, số vốn huy động được hàng năm chỉ chiếm khoảng 6% (tương đương 115.000 tỷ đồng) tổng nguồn vốn huy động cả nước. Dư nợ cho vay tại khu vực này hiện nay cũng chỉ chiếm 10% (170.000 tỷ đồng) cả nước.

Theo đánh giá, đây là những tỉ lệ  thấp so với tiềm năng về sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL. Còn tính chung dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn cả nước hiện mới chỉ đạt 231.000 tỷ đồng (tương đương gần 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế), trong đó ĐBSCL chiếm 71.000 tỷ đồng (30,6%).

Ông Nguyễn Danh Trọng - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước VN) cho biết: “Hiện tại, có rất ít các tổ chức tín dụng hoạt động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Một phần  do đầu tư vào lĩnh vực này còn chứa đựng nhiều rủi ro lớn về thời tiết, thị trường. Cho đến nay, mới chỉ có Agribank đi đầu trong việc cho vay vốn nông dân và bây giờ là LienVietBank”.

Do vậy, theo ông Trọng: “Để khuyến khích các tổ chức tín dụng đầu tư vào nông nghiệp, Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo Nghị định về mở rộng tín dụng “tam nông”, theo đó sẽ khuyến khích nhiều tổ chức tín dụng từâ các ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng TMCP đến hệ thống tín dụng T.Ư, cơ sở cùng vào cuộc với nhiều chính sách ưu tiên, ưu đãi như tái cấp vốn sớm, giảm vốn dự trữ bắt buộc thấp hơn so với cho vay các khu vực khác để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và nông dân yên tâm vay vốn đầu tư sản xuất”.

Đứng ở góc độ của cơ quan chỉ đạo sản xuất, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Ở ĐBSCL, nông dân có vốn sản xuất hết sức hạn chế, nhu cầu được vay, cung ứng vốn trước khi vào vụ sản xuất là hết sức bức thiết. Bà con thường phải ứng vốn ở các đại lý thuốc trừ sâu, phân bón, nên mỗi khi vào vụ các đại lý đến thu nợ, gần như họ lại trắng tay.

Đó là một thực tế ở ĐBSCL hiện nay. Trước mỗi vụ, họ thường phải vay khoảng 40% vốn từ các quỹ tín dụng để phục vụ sản xuất. Do đó, các ngân hàng cần có cơ chế cho vay  thông thoáng hơn để nông dân tiếp cận vốn được dễ dàng và thường xuyên hơn”.

Thúc đẩy liên kết “5 nhà”

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho rằng: “VFA hiện có trên 100 hội viên tham gia thu mua, xuất khẩu gạo.

Nhưng ở nhiều thời điểm, nhất là mỗi khi bước vào vụ thu hoạch, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn về vốn để thu mua gạo. Bởi đặc thù của ngành XK gạo là khi có hợp đồng thu mua thì vay dễ, nhưng mua tạm trữ khi triển khai rất khó do các ngân hàng do dự, khó đáp ứng toàn bộ vốn.

Như hiện nay chúng tôi phải thu mua 1 triệu tấn gạo và có thể còn phải mua thêm nếu giá xuống thấp thì nguồn vốn sẽ còn gặp khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp  kinh doanh nhỏ, phần lớn  phải dựa vào nguồn vốn của ngân hàng”.

Đồng tình với ý kiến này, ông Lê Quốc Lập - Phó ban Kinh tế, T.Ư Hội Nông dân VN, nhấn mạnh: “Về cơ bản, các thủ tục cho vay đối với hệ thống ngân hàng hiện nay đã được cải thiện khá nhiều, song việc triển khai, thực thi vẫn chưa như mong muốn. Đây là điểm quan trọng và cần sớm khắc phục để giúp người dân tiếp cận vốn dễ dàng hơn”.

Sau buổi toạ đàm này LienVietbank, Báo Nông thôn Ngày nay, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ lên kế hoạch phối hợp khảo sát và tuyên truyền về thực trạng tín dụng “đen” tại các vùng nông thôn trên cả nước hiện nay.

Ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ cũng cho rằng: “Chúng ta cần phải phân biệt rõ là, doanh nghiệp vay vốn là để mua sản phẩm của nông dân, còn nông dân vay vốn là để đầu tư sản xuất, chứ nếu cấp vốn qua doanh nghiệp rồi cho nông dân vay sẽ phải mất thêm một quy trình nữa. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp, không thể yêu cầu họ hỗ trợ nông dân. Do đó, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho cả người nông dân và ngân hàng”.

Đánh giá về thực trạng tín dụng hiện nay ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, TS. Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch HĐQT LienVietBank nhận định: “Trên thực tế, các doanh nghiệp, ngân hàng và nông dân hiện vẫn chưa gặp được nhau, người dân muốn có vốn, phải thông qua các đại lý. Đó là nguyên nhân giải thích vì sao, ở ĐBSCL có hộ gia đình sở hữu đến 30ha đất, thu hàng chục tấn lúa/năm mà vẫn nghèo, vẫn không có nhà kiên cố để ở”.

Ông Hưởng cho rằng: “Chúng ta cần thúc đẩy mô hình liên kết giữa 5 nhà là: Nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà ngân hàng. Ngoài ra, cũng cần có sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc tuyên truyền, đẩy lùi tín dụng đen”.

Cũng tại buổi toạ đàm hôm qua 10-3, LienVietBank đã giới thiệu đề án “Đầu tư phát triển tín dụng nông nghiệp, nông thôn vùng ĐBSCL giai đoạn 2010-2013”. Theo đó, LienVietBank sẽ dành ra một khoản tín dụng từ 3.000-5.000 tỷ đồng cho vay các đối tượng: Hộ gia đình, cá nhân, chủ trang trại. Các hợp tác xã nông thôn, các tổ chức kinh tế và cá nhân cung ứng các dịch vụ trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Riêng năm 2010, LienVietbank sẽ giải ngân nguồn vốn khoảng 1.200 tỷ đồng”.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem