Rừng Quảng Nam đang được quản lý, bảo vệ tốt hơn

Thứ sáu, ngày 19/07/2013 10:18 AM (GMT+7)
Quảng Nam là tỉnh thực hiện tốt Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24.9.2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (CTDVMTR).
Bình luận 0
Phương pháp đếm gốc cây bị chặt phá để đánh giá kết quả bảo vệ rừng giao khoán của dân đang là phương pháp rất riêng của Quảng Nam, đã giúp cho tỉnh này bảo vệ rừng trên địa bàn ngày một tốt hơn (NTNN đã có bài phản ánh).
Anh Alăng Giắp (xã Ma Cooi, Đông Giang) đại diện nhóm hộ nhận khoán bên khu vực rừng giao khoán của nhóm mình.
Anh Alăng Giắp (xã Ma Cooi, Đông Giang) đại diện nhóm hộ nhận khoán bên khu vực rừng giao khoán của nhóm mình.

Sau 2 năm thực hiện thí điểm tại MaCooi (Đông Giang), tỉnh này đang hào hứng áp dụng rộng rãi chính sách CTDVMTR ra nhiều địa phương khác trên địa bàn, thông qua 7 đề án bảo vệ rừng theo lưu vực được lập nên bởi Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc thực hiện chính sách CTDVMTR tại Quảng Nam, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đức – Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam.
Ông Huỳnh Đức cho biết: Chính sách CTDVMTR đã được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo làm thí điểm tại rừng xã MaCooi (huyện Đông Giang) thuộc lâm phận của Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương. Đến nay, tỉnh Quảng Nam tự tin mở rộng diện tích rừng thực hiện chủ trương CTDVMTR ra nhiều địa phương khác, thông qua 7 đề án bảo vệ rừng gắn với 7 lưu vực: Lưu vực Thủy điện A Vương – Za Hung (thuộc huyện Đông Giang và Tây Giang); lưu vực Thuỷ điện Khe Diên (thuộc huyện Đại Lộc và Nông Sơn); lưu vực Thuỷ điện Sông Tranh 2 – Trà Linh 3 – Tà Vy (thuộc huyện Nam Trà My và Bắc Trà My); lưu vực Thủy điện và nước sạch Phú Ninh (thuộc huyện Núi Thành và Phú Ninh): Lưu vực thuỷ điện An Điềm 1 – An Điềm 2 (thuộc huyện Đông Giang và Đại Lộc); lưu vực Thuỷ điện Đăk My 4 (thuộc huyện Phước Sơn); lưu vực Thuỷ điện Sông Kôn 2 (huyện Đông Giang). Tổng diện tích tự nhiên cả 7 lưu vực là 316.000ha, trong đó, diện tích có rừng là 182.000ha. Hầu hết rừng trong 7 lưu vực nói trên có trữ lượng gỗ lớn và có tính quan trọng.
Chúng tôi biết rằng, Quảng Nam là tỉnh thực hiện quyết liệt nhất chính sách CTDVMTR. Tỉnh đã mời một loạt đơn vị tư vấn trong cả nước, trong 4 tháng trời làm ròng rã để hoàn thành nhanh 7 đề án nói trên…
- Chính sách CTDVMTR của Trung ương là giải pháp hữu hiệu để Quảng Nam thực hiện quyết tâm bảo vệ rừng của mình. Trước hết, qua đây, tỉnh tiến hành tổng rà soát lại diện tích rừng trong các lưu vực nói trên, qua đó đánh giá hiện trạng rừng, xác định vị trí từng diện tích rừng cụ thể. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam và các cơ quan chức năng làm việc với các địa phương có rừng, các Ban Quản lý rừng phòng hộ ở mỗi lưu vực để thống nhất chủ trương giao khoán bảo vệ rừng lâu dài cho dân và để thực hiện chính sách CTDVMTR, làm cho rừng thực sự có chủ. Tất nhiên khi rừng thật sự có chủ thì rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Điều này có thể thấy qua thực tế rừng ở Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương – nơi thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng của tỉnh Quảng Nam.
Cũng cần nói thêm là từ khi thực hiện CTDVMTR thì hàng loạt Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn Quảng Nam đều xin mở rộng diện tích rừng quản lý. Tính đến nay, sau 2 năm thực hiện chủ trương CTDVMTR, các Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng trên địa bàn Quảng Nam đã xin quản lý thêm đến 190.000ha rừng phòng hộ.
Trong 400.000ha rừng tự nhiên của Quảng Nam thì riêng diện tích rừng được CTDVMTR đã là 270.000ha (tính đến năm 2014). Toàn bộ diện tích rừng này đều thật sự có chủ để quản lý, bảo vệ. Điều tin tưởng chắc chắn rằng, từ đây trở đi tình trạng khai phá rừng bừa bãi ở Quảng Nam sẽ được hạn chế tối đa, rừng sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, môi trường tự nhiên của Quảng Nam sẽ ngày một tốt hơn.
Một ý nghĩa khác phải kể đến, là từ khi thực hiện CTDVMTR, đời sống người dân miền núi ổn định hơn. Người dân được tham gia nhận bảo vệ rừng, vừa có công việc làm ổn định, lâu dài vừa có thu nhập ổn định, nâng cao được chất lượng cuộc sống. Nguồn thu dịch vụ môi trường rừng từ các nhà máy thủy điện, nhà máy nước sạch tại 7 lưu vực mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ. Và 85% khoản thu này sẽ được chi trả lại cho dân để họ tham gia giữ rừng. Qua đó, có thể thấy, đồng bào miền núi Quảng Nam tại 7 lưu vực nói trên hàng năm có một nguồn thu nhập từ giữ rừng đáng kể, tính ra tương đương với 4.000 tấn gạo/năm. Rừng được gìn giữ, môi trường tự nhiên được bảo đảm, đời sống đồng bào miền núi nâng lên sẽ dẫn đến tình hình an ninh chính trị ở các huyện miền núi Quảng Nam ngày càng ổn định.
Theo chúng tôi biết, cách thức giao khoán bảo vệ rừng của Quảng Nam có những nét riêng. Như việc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương khi giao rừng cho dân bảo vệ trước tiên là đếm những gốc cây rừng bị chặt phá. Nếu đến cuối kỳ bảo vệ, số cây đó không tăng lên thì người giữ rừng được đánh giá là giữ rừng tốt, được nhận đủ tiền giao khoán theo hợp đồng, ngược lại thì bị phạt hoặc bị cắt hợp đồng…
- Đúng vậy. Chúng tôi không giao khoán chung chung mà giao khoán trên thực địa, có hợp đồng cụ thể về diện tích, ranh giới, thực trạng rừng, kể cả từng gốc cây bị chặt. Cách làm này gây mất công, tốn kém, nhưng có giao khoán cụ thể như vậy mới đánh giá được kết quả giữ rừng của người dân, bắt buộc người dân phải thường xuyên tuần tra, bảo vệ rừng, qua đó đồng tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng mới được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, rừng mới thật sự được bảo vệ.
Ngoài ra, ngay cả đối tuợng giao khoán quản lý bảo vệ rừng của Quảng Nam cũng có nét khác so với các tỉnh. Quảng Nam giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo cộng đồng dân cư, cho từng nhóm hộ chứ không phải giao cho từng hộ như các tỉnh. Nhờ chia cho từng nhóm hộ nên lực lượng giữ rừng là một số đông sẽ dễ dàng đối phó với các nhóm lâm tặc hay các nhóm xâm lấn rừng khác. Nếu chia cho từng hộ thì các chủ rừng sẽ đơn lẻ, khó đối chọi với lực lượng phá rừng. Ngoài ra, chia cho từng nhóm hộ thì thủ tục hồ sơ sẽ tinh giản lại, dễ quản lý hơn.
Xem ra, Quảng Nam đang rất tự tin vào chính sách CTDVMTR - một “công cụ” để bảo vệ rừng hữu hiệu?

Trong năm 2013 này, 182.000ha đất có rừng thuộc 7 lưu vực nói trên sẽ được giao khoán quản lý bảo vệ. Trong đó, 64.000ha rừng đang thuộc sự quản lý của 7 ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn Quảng Nam sẽ được giao khoán quản lý bảo vệ trong quý III/2013, toàn bộ diện tích rừng còn lại (118.000ha rừng) sẽ được giao khoán bảo vệ trong quý IV/2013.


- Đúng vậy. Nhiều năm qua, Quảng Nam đã thực hiện hàng loạt các giải pháp về bảo vệ rừng. Nạn phá rừng, xâm lấn rừng tại Quảng Nam nhờ vậy đã được hạn chế rất nhiều. Giờ đây, với chính sách CTDVMTR, chúng tôi tin tưởng rừng Quảng Nam còn được bảo vệ tốt hơn. Vì từ đây, nhiều diện tích rừng ở Quảng Nam có những chủ rừng thật sự, biết gắn bó trách nhiệm với rừng cũng như có được quyền lợi cụ thể từ việc bảo vệ rừng.
Tuy nhiên, để chủ trương CTDVMTR nhanh chóng đi vào cuộc sống, góp phần gìn giữ tài nguyên rừng, nước sạch, môi trường tốt hơn, nâng cao được chất lượng cuộc sống người dân miền núi, theo tôi thì cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của hệ thống chính quyền cơ sở để theo dõi, giám sát việc giao khoán rừng, bảo vệ rừng, việc CTDVMTR, để vận động đồng bào tham gia nhận giữ rừng… Một yêu cầu quan trọng không kém là bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng phải nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ đóng góp đúng theo quy định của Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan thẩm quyền cũng nên huy động thêm các nguồn lực khác để gia tăng nguồn vốn CTDVMTR. Nguồn này dồi dào thì diện tích rừng giao khoán Quảng Nam còn được mở rộng, còn được quản lý, bảo vệ tốt hơn.
Cảm ơn ông.
P.V (P.V)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem