Ruộng đồng mất trắng vì titan

Thứ hai, ngày 21/02/2011 18:32 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hoạt động khai thác titan của Công ty TNHH Nhà nước một thành viên khoáng sản Thừa Thiên - Huế ở xã Phú Diên, huyện Phú Vang đã làm 11ha ruộng nhiễm mặn, lúa chết...
Bình luận 0

“Họa” titan

Ông Nguyễn Ngọc Ánh ở xóm 1, thôn Kế Sung cho biết, sau khi Công ty Khoáng sản Thừa Thiên- Huế tổ chức khai thác titan ở khu vực bờ biển thuộc địa bàn thôn, hầu hết diện tích ruộng của thôn bị nhiễm mặn trầm trọng. "Cả 5 sào ruộng của nhà tui đã bị nhiễm mặn rất nặng, lúa cấy xuống là chết khô"- ông Ánh bức xúc.

 img
Ruộng đồng ở thôn Kế Sung đang bị nhiễm mặn trầm trọng, nông dân không thể gieo cấy.

Gia đình ông Nguyễn Văn Loại ở gần nhà ông Ánh cũng có 6 sào ruộng bị nhiễm mặn nặng. "Mất ruộng, chúng tôi không biết lấy chi mà sống" - ông Loại rầu rĩ. Theo ông Loại, đồng ruộng của thôn Kế Sung từng là khu vực ruộng tốt nhất ở xã Phú Diên, cho năng suất lúa rất cao. Tuy nhiên, hơn 4 năm trở lại đây, hoạt động khai thác titan đã biến đồng ruộng này thành "ruộng chết", khiến sản xuất và cuộc sống của người dân điêu đứng.

Theo UBND xã Phú Diên, đã có ít nhất 11ha ruộng của 79 hộ dân ở khu vực thôn Kế Sung bị nhiễm mặn rất nặng do hoạt động khai thác titan, cây lúa cứ cắm xuống là chết. Theo tìm hiểu của NTNN, khi tiến hành khai thác titan ở khu vực bờ biển thôn Kế Sung, đơn vị khai thác đã hút một lượng lớn nước biển vào để đãi titan. Lượng nước biển này ngấm vào cát và chảy vào đồng ruộng của thôn...

Dân bị làm khó

Theo ông Phạm Tăng Đoàn - Chủ tịch UBND xã Phú Diên, hoạt động khai thác titan ở bờ biển của xã được Công ty Khoáng sản Thừa Thiên- Huế tiến hành từ năm 1997, sau khi được UBND tỉnh chấp thuận. Đến năm 2007, ruộng lúa của người dân thôn Kế Sung bắt đầu bị nhiễm mặn nặng khiến lúa chết hàng loạt. Các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra và kết luận ruộng bị nhiễm mặn do việc khai thác titan và buộc đơn vị khai thác phải bồi thường thiệt hại hàng năm cho dân.

Không lẽ đơn vị khai thác titan và chính quyền không biết một điều đơn giản là chỉ cần đo độ mặn của ruộng thì sẽ biết cây lúa sẽ sống hay chết khi trồng lại?

Tuy nhiên, đơn vị khai thác và chính quyền lại đặt ra điều kiện là hộ dân nào tiếp tục sản xuất thì mới được bồi thường thiệt hại. Quy định tréo ngoe này khiến người dân tốn rất nhiều công sức, tiền của để cải tạo ruộng và xuống giống hàng năm nhưng rồi cây lúa cấy xuống vẫn bị chết. "Trừ tiền công cày cấy và tiền giống má, phân bón, cuối cùng tiền bồi thường không được bao nhiêu"- ông Lê Văn Hoàn, một hộ dân bị thiệt hại cho biết.

Ông Nguyễn Phú Thịnh - Quản đốc điều hành cụm Nam Thuận An của Công ty Khoáng sản Thừa Thiên- Huế thừa nhận, việc đồng ruộng thôn Kế Sung nhiễm mặn là do hoạt động khai thác titan của công ty và cho biết công ty đã và đang bồi thường thiệt hại hàng năm cho người dân.

Về việc công ty đòi hỏi người dân phải tiếp tục sản xuất trên diện tích ruộng này mới được bồi thường, ông Thịnh cho rằng vì có sản xuất thì mới biết lúa có chết hay không (?). Điều “kỳ lạ” hơn là chính quyền xã Phú Diên cũng đồng tình với đề nghị của Công ty Khoáng sản!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem