Ngày con còn nhỏ, ba đã bị mất đi một cánh tay và đầy thương tích do hậu quả bom mìn rớt lại từ hồi chiến tranh. Mẹ phải gồng gánh nuôi cả gia đình, một đàn con nheo nhóc. Mẹ làm tất cả để mong cho chúng con ăn học thành tài. Nhà chỉ có mảnh đất nhỏ phía sau hè, mẹ nghĩ ngay đến việc trồng ruộng khoai lang để bán. Sau mỗi buổi từ chợ về nhà, mẹ đều vội đi ra ruộng khoai.
Ngày nào cũng vậy, mẹ quần quật ngoài ruộng để trồng khoai lang, tưới nước, bón phân, đào củ… Ruộng khoai của mẹ vì thế luôn xanh tốt sau vườn. Bàn tay thô kệch của mẹ nhẹ nhàng đặt từng củ khoai lang, khoai mì vào thúng, thận trọng như đặt vào trong đó những hi vọng tràn trề. Sau những lần thăm ruộng khoai lang, mẹ đều trở vào nhà với mớ đọt rau lang non mượt đặt đầy trong nón lá. Nhà chẳng có gì ăn ngoài nồi cơm độn với khoai lang. Thức ăn là đĩa nước tương dầm ớt và đọt rau lang luộc.Vậy mà ai cũng dùng cơm ấm cúng, yên vui trong cảnh cơ hàn.
Ruộng rau lang (nguồn ảnh: Panoramio)
Mẹ trồng khoai quanh năm suốt tháng, hết vụ này mẹ lại gây ngay vụ khác. Xung quanh ruộng khoai, mẹ dăm rất nhiều thứ rau khác để có thêm cái ăn, thêm nguồn thu nhập. Khoai mẹ trồng tốt rễ, có củ to, được những người làm chè, làm bánh rất thích. Nhưng mà mẹ không bán sống, mẹ muốn tự tay mình chế biến những món ăn để đem ra chợ bán. Khoai làng thì mẹ làm chè khoai, khoai luộc, khoai chiên. Trong khi khoai mì thì mẹ làm bánh tằm mì, chè mì, mì nướng. Nhà chỉ có hai người phụ nữ, mẹ và ngoại, nên việc làm bánh đều một tay hai người đảm trách, thỉnh thoảng ba cũng giúp thêm một ít công việc nhẹ khi cần.
Món rau lang thân thuộc trong bữa cơm (Ảnh: Trung Công)
Ngoại tuy già nhưng đầu óc vẫn còn minh mẫn, đôi tay vẫn khoé léo nên bánh ngoại làm thường rất ngon, trẻ con và cả người lớn đều thích. Tuy vậy, vào những ngày rằm, khách thường đi chợ mua nguyên liệu về nhà làm chè cúng nên gánh hàng của mẹ hết muộn. Hay những buổi tối trời mưa tầm tã, khách đi chơi chạy vội về nhà nên không buồn dùng ăn hàng quán. Những ngày như thế, cả nhà ăn chè thay cơm! Ngoài trời mưa như trút nước, trong nhà, nước mắt của mẹ cũng lăn theo.
Rồi ruộng khoai càng như nhỏ dần, mối lo càng rộng thêm khi chúng con lần lượt vào đại học. Mẹ nhờ ngoại bán chè giúp ngày hai buổi, để đủ thời gian lo cho việc trồng và đi buôn khoai. Nhờ số vốn mà ngoại chắt chiu, gói ghém trong ống tre từ thời ông ngoại còn sống, mẹ đầu tư vào những chuyến buôn hàng và có hiệu quả rất cao. Nhờ đó mà mẹ có đủ tiền để lo cho anh chị em chúng con học hàng đến nơi đến chốn, không để đứa nào bị thiệt thòi vì thua con chữ so với bạn bè.
Mẹ luôn nhắc nhở chúng con rằng: “Đời mẹ đã quá khổ rồi, chỉ mong sao các con học hành đến chốn, thành đạt để không phải vất vả về sau này!”. Lời của mẹ cứ làm anh chị em con đau đáu mãi, giúp chúng con thoát khỏi những ám ảnh nghèo khó mà chuyên tâm học hành.
Những năm tháng nhọc nhằn ấy cũng qua đi, vương lại trên dáng lưng còng của ngoại, trên gương mặt đầy vẻ lo toan của mẹ. Chúng con đều có thành tích học tập khá, giỏi ở trường. Chị hai là người đầu tiên trong xã đậu đại học y khoa, còn con là người đầu tiên đậu vào ngành báo chí… Tóc mẹ đã chớm pha sương, chân chim chịt chằng trên da mặt. Ngoại và ba lần lượt trở về với đất. Nhà đã khá giả hơn khi chị hai, anh ba ra trường và có công việc ổn định. Nhưng những món ngon vật lạ không làm mẹ quan tâm. Niềm vui mỗi ngày của mẹ vẫn là được ra thăm ruộng khoai lang thuở nào, dù bây giờ nó chỉ là mảnh đất hoang sơ, cây cỏ um tùm.
Con đi học xa nhà, một năm chỉ về được vào dịp hè nên nhớ mẹ, nhớ nhà da diết lắm. Con biết, đối với người khác, mẹ là người đàn ba thô kệch, quê mùa, đen đúa. Nhưng đối với con, mẹ toát lên vẻ thánh thiện, dịu dàng, biểu trưng cho nét đẹp vốn có của những phụ nữ ở làng quê Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.