Sách “Tết Việt Nam xưa” giành cho người tìm hiểu về Tết cổ truyền

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 15/01/2021 06:00 AM (GMT+7)
Với hàng trăm bài viết về Tết xưa do các học giả nổi tiếng như PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp… được tập hợp trong cuốn sách "Tết Việt Nam xưa" khiến nhiều độc giả tò mò và thích thú.
Bình luận 0

Cuốn "Tết Việt Nam xưa" nằm trong tủ sách "Di sản Việt Nam" nhằm giới thiệu tới độc giả những công trình nghiên cứu, tác phẩm văn học có giá trị.

Sách “Tết Việt Nam xưa” giành cho người tìm hiểu về Tết cổ truyền - Ảnh 1.

"Tết Việt Nam xưa" do MaiHa Books và NXB Thế Giới ấn hành

Sách gồm các bài viết của các học giả: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Văn Giáp, Paul Boudet, Jean Marquet, Georges Pisier, Nguyễn Tiến Lãng, Mạnh Quỳnh... Các tư liệu quý này đã được PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) dành nhiều chục năm sưu tầm và lưu giữ.

Chia sẻ về cuốn sách, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên cứu Việt Nam học) cho biết, ông đã dành nhiều tâm huyết cho các tư liệu Tết Việt bởi khi rộ lên tranh cãi quanh quan điểm "bỏ Tết ta, ăn Tết tây", chính ông vẫn luôn bảo lưu ý kiến rằng: Tết là một lễ nghi quan trọng cần gìn giữ bởi lễ nghi đó làm giàu cho tâm hồn dân tộc, làm giàu tinh thần yêu nước.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng các bài viết trong cuốn "Tết Việt Nam xưa" khá thú vị với nhiều góc nhìn về nguồn gốc của Tết, ý nghĩa của Tết, những phong tục và quan niệm đón Tết Việt Nam xưa… và được minh họa bằng hơn 50 bức tranh Tết, sống động.

"Tết Việt Nam xưa nói riêng và dòng chảy văn học Tết nói chung vẫn không ngừng chảy. Mỗi năm nhiều nhà văn, nhà báo, học giả Việt Nam tập trung nói về ngày Tết với bút pháp khác nhau. Mỗi người mô tả Tết với những dáng vẻ riêng, tô thêm màu sắc vào bức tranh Tết. Theo đó, độc giả vẫn rất thích thú, vẫn có cảm xúc riêng, rất thú vị.

Tết xưa nhưng qua lời của mỗi nhà văn, góc nhìn khác nhau, thành thử không bị lỗi thời. Tết dân tộc, lễ nghi, tập quán của dân tộc thì không bao giờ lỗi thời, càng đi sâu tìm hiểu càng thấy chan chứa tình yêu đồng bào, dân tộc. Các nhà văn nhà báo năm nào cũng viết về Tết, tôi cứ đọc và thấy cảm xúc lắm, thú vị lắm", PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Đồng quan điểm, học giả Nguyễn Văn Huyên đã viết: "Tết theo lịch âm ở châu Á là một ngày lễ được người An Nam tổ chức long trọng nhất năm. Thời điểm đón Tết, ý nghĩa thiêng liêng của Tết với từng cá nhân, với dân tộc, chuẩn bị cho ngày Tết, lễ cúng thần ông Táo ngày 23 tháng Chạp, đón Tết, vui Tết, suy nghĩ của người dân về Tết…Tết trở nên ý nghĩa và thiêng liêng. Tết vẫn tồn tại mãi mãi với chúng ta, bất chấp sự khắc nghiệt của thời đại và sự đóng góp ít nhiều rời rạc của những quan niệm mới về đạo đức hay về những phản xạ tâm lý mới".

Sách “Tết Việt Nam xưa” giành cho người tìm hiểu về Tết cổ truyền - Ảnh 2.

Tiến sĩ Trần Đoàn Lâm – Tổng biên tập – Giám đốc NXB Thế Giới - nhận định: "Sẽ có nhiều phát hiện mới, hoặc có những tư liệu cũ có thể hiện giờ chúng ta mới có thể phát hiện và công bố để soi sáng hơn những khía cạnh về lễ Tết.

Cùng viết về Tết nhưng mỗi tác giả lại có đóng góp vào bức tranh chung về Tết Việt Nam từ những vùng miền khác nhau, từ những quan điểm, cách nhìn, ký ức… cho thế hệ bạn đọc hiện nay hiểu sâu hơn, toàn diện về một phong tục tập quán đến giờ vẫn giữ gìn nhưng khác thời xưa.

Thế hệ bạn đọc luôn mới nên dòng sách này có nhiều thì cũng không bao giờ cũ hay nhàm chán".

"Tết Việt Nam xưa" được chia thành 3 phần chính: Nghi lễ Tết, Phong tục Tết và Thú chơi Tết. Trong đó, phần Nghi lễ Tết là những bài viết về các chủ đề: Tết và thờ cúng gia tiên; Ông Tam Đa; Lễ nghinh xuân ở Huế; Đại lễ Nam Giao; Lễ tế Đất Trời tại kinh đô Huế; Lịch của người An Nam; Tâm lý ngày Tết.

Phong tục Tết hiện lên đầy màu sắc trong phần 2 với: Lá thư Đêm Giao Thừa; Tết ở làng quê qua góc nhìn của nhà văn Pháp Jean Marquet; Tết qua cái nhìn của một người An Nam; Tết qua câu chuyện của những du khách và nhà truyền giáo người Âu (thế kỷ XVII và XVIII); Tết Việt Nam trong mắt sử gia Georges Pisier.

Phần 3 Thú chơi Tết xoay quanh các chủ đề: Hoa thủy tiên trong ngày Tết; Đối liễn; Phúc và Thọ; Nguồn gốc và ý nghĩa của tranh dân gian ngày Tết; Hội Lim…

Mặc dù sách mới ra mắt được vài ngày nhưng "Tết Việt Nam xưa" đã gây được cảm tình và thích thú với độc giả, nhất là các bạn trẻ.

Được biết "Tết Việt Nam xưa" tập hợp các bài viết về Tết Việt in trên Tạp chí Đông Dương đã được biên dịch và ấn hành trước dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem