Sacombank đã xử lý gần 20.000 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2017 (Ảnh: IT)
Còn nhớ, sau khi đắc cử chức Chủ tịch HĐQT Sacombank vào cuối tháng 6.2017, ông Dương Công Minh đã đặt mục tiêu thu hồi 90% nợ xấu trong ba năm. Riêng năm 2017, phải đảm bảo xử lý 20.000 tỷ đồng nợ xấu, tức khoảng một phần ba số nợ xấu hiện có. Đây là mục tiêu vô cùng “tham vọng” bởi tính đến tháng 7.2017, ngân hàng này chỉ mới xử lý được 2.520 tỷ đồng nợ xấu (còn phải xử lý thêm khoảng 17.500 tỷ đồng nợ xấu trong 5 tháng cuối năm).
“Tham vọng” của ông Dương Công Minh và kết quả sau 6 tháng
Tuy nhiên, những gì trong BCTC kiểm toán hợp nhất năm 2017 cho thấy, những “tham vọng” của ông Minh đã trở thành hiện thực khi xử lý được hơn 19.660 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong năm 2017, trong đó hơn 15.000 tỷ đồng là thuộc Đề án tái cơ cấu.
Trong các đợt xử lý nợ xấu này, có thể kế đến các thương vụ nổi tiếng như: Bán thành công các cụm khu công nghiệp tại Long An (KCN Đức Hòa III, tỉnh Long An) thu về 9.200 tỷ đồng; bán 3 khoản nợ theo giá thị trường cho VAMC với giá trị 2.500 tỷ đồng vào tháng 9.2017; bán dự án Diamond City (tài sản thế chấp cho khoản nợ mà Tập đoàn Hoàn Cầu vay tại Sacombank) cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai... Trong đó, riêng vụ bán các cụm khu công nghiệp thuộc sở hữu của ông Trầm Bê đã giúp Sacombank thu về khoản “tiền tươi” là 920 tỷ đồng (còn 8.280 tỷ đồng được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm). Đây cũng là thông tin tạo luồng “gió” mới cho các ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu thu về “tiền tươi, thóc thật”.
Hiện tại, lượng tài sản thế chấp tại Sacombank có giá trị lên tới 416.147 tỷ đồng, tương đương gần 2 lần dư nợ cho vay. Trong đó, giá trị các tài sản đảm bảo là bất động sản lên tới 306.001 tỷ đồng, tương đương gần 74% tổng tài sản thế chấp.
|
Mặc dù kết quả xử lý nợ xấu đạt nhiều thành tựu khả quan nhưng theo BCTC được kiểm toán, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này vẫn rất cao. Cụ thể, đến hết năm 2017, nợ xấu nội bảng của Sacombank vẫn là 10.405 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ nợ xấu 4,67% tổng dư nợ, gồm: Nợ dưới tiêu chuẩn (1.475 tỷ đồng); nợ nghi ngờ (627 tỷ đồng) và nợ có khả năng mất vốn (8.303 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, tổng số dư trái phiếu VAMC của Sacombank đến hết năm 2017 là 43.266 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Trong khi đó, số tiền dự phòng khoản nợ bán cho VAMC này chỉ là 1.949 tỷ đồng, nên tổng nợ xấu Sacombank đã bán cho VAMC cũng tăng tương ứng 16% lên tới 41.317 tỷ.
Như vậy, tổng nợ xấu cả nội bảng và nợ đã bán cho VAMC hiện nay của Sacombank vẫn là 51.721 tỷ đồng, tăng 4,7% so với đầu năm. Tuy nhiên, do dư nợ tín dụng tăng 12% so với đầu năm, xấp xỉ 24.000 tỷ đồng, nên tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này giảm xuống mức 19,6% so với tỷ lệ 21,1% đầu năm 2017.
Gian nan xử lý nợ xấu
Nếu xét về giá trị tuyệt đối, tổng số nợ xấu gần 20 nghìn tỷ đồng được xử lý của Sacombank trong năm 2017 là rất lớn, thế nhưng, theo các chuyên gia tài chính thì cũng cần để ý đến “chất lượng” xử lý nợ tại nhà băng này. Thực tế, từ con số nợ xấu vào khoảng hơn 60.000 tỷ đồng (con số ông Dương Công Minh công bố khi mới trúng cử Chủ tịch HĐQT), có khá nhiều giải pháp xử lý nợ xấu tại Sacombank được các chuyên gia tài chính, các công ty chứng khoán.... đưa ra và phía Sacombank đã phần nào áp dụng các giải pháp này.
Chẳng hạn, với nhóm nợ xấu bảo đảm bằng bất động sản, Sacombank đã áp dụng biện pháp bán dự án hay nhận tài sản cấn trừ nợ. Vụ việc bán các bất động sản tại KCN Đức Hòa III, tỉnh Long An là một ví dụ cụ thể, Sacombank thực hiện đấu giá thành công và ký hợp đồng với các đối tác vào ngày 29.12.2017. Tổng giá trị hợp đồng là 9.200 tỷ đồng. Sacombank đã nhận đầy đủ tiền cọc là 920 tỷ đồng vào ngày ký hợp đồng. Số tiền còn lại 8.280 tỷ đồng được thanh toán trả chậm trong vòng 7 năm kể từ ngày ký hợp đồng, ân hạn 2 năm đầu, phí trả chậm 7,5%/năm.
Hoặc, với thương vụ bán dự án Diamond City cho Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Xuân Mai, tuy giá trị thương vụ không được tiết lộ nhưng có nguồn tin cho rằng giá trị thương vụ vào khoảng 120 triệu USD. Thương vụ này được một số chuyên gia kinh tế cho rằng đây là vụ “mua bán nợ lòng vòng” bởi sự dịch chuyển tài sản của thương vụ này diễn ra trong một nhóm có liên quan (ông Nguyễn Đức Cử, Phó Chủ tịch của Lienviet Post Bank - một thành viên của Tập đoàn Him Lam - là cổ đông lớn của Xuân Mai). Việc mua bán lòng vòng này, theo một số chuyên gia, có thể vẫn khiến khoản nợ vẫn còn đó, trong khi bản thân ngân hàng thực chất không thu được “tiền tươi, thóc thật” và có thể gây nhiều hệ lụy sau này.
Với phương án bán nợ cho VAMC với giá thị trường, đây là một phương án khá tốt cho Sacombank bởi lẽ Nghị quyết 42/2017/QH14, Sacombank có thể phân bổ lãi dự thu (tối đa 10 năm) và chênh lệch khi bán khoản nợ (tối đa 5 năm). Vì cơ chế mới cho phép không ghi nhận các khoản lỗ ngay lập tức, Sacombank sẽ không quá áp lực về chi phí trong hiện tại, bởi nó được treo lại ở “Tài sản có khác” và sẽ được chuyển dần vào tương lai.
Khó tìm cổ đông chiến lược cho khoản nợ đảm bảo bằng cổ phiếu
Hiện tại, số cổ phiếu bảo đảm cho khoản nợ 10.000 tỷ đồng mà ông Trầm Bê phải chịu trách nhiệm giải quyết, nhiều khả năng chính là cổ phiếu STB. Theo một số nguồn tin, sau khi sáp nhập Southernbank, ông Trầm Bê và người có liên quan nắm giữ khoảng 50% cổ phiếu Sacombank, tương đương 9.000 tỷ đồng mệnh giá. Với mức giá thị trường hiện tại khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu, số cổ phiếu này “dư sức” để thanh lý khoản nợ 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc thanh lý số cổ phiếu này không đơn giản. Sacombank có thể mua lại cổ phiếu quỹ hoặc bán số cổ phiếu ra thị trường, tuy nhiên hạn chế của giải pháp này là số lượng cổ phiếu chiếm tỷ trọng quá lớn trong tổng vốn điều lệ của ngân hàng.
Một giải pháp được đặt ra cho Sacombank trong năm 2018 là tìm kiếm một hoặc một số nhà đầu tư chiến lược thực sự mạnh về tài chính, không loại trừ là các nhà đầu tư nước ngoài vì yêu cầu của việc xử lý này là “tiền tươi, thóc thật”, trong khi NHNN cấm việc vay tiền để mua lại cổ phần của tổ chức tín dụng, nên giải pháp này hiện cũng rất khó.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.