Sai phạm tại SAGRI: Vì sao nguyên Chủ tịch HĐTV và kế toán trưởng cũng bị bắt?

Hồ Văn Thứ ba, ngày 09/07/2019 10:43 AM (GMT+7)
Liên quan đến các sai phạm tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI), Bộ Công an vừa bắt thêm 2 bị can là nguyên Chủ tịch HĐTV, ông Vân Trọng Dũng và Kế toán trưởng SAGRI, bà Nguyễn Thị Thúy.
Bình luận 0

Bà Nguyễn Thị Thúy, nguyên Kế toán trưởng SAGRI được xác định liên quan đến vụ chi khống 13 tỷ đồng cho cán bộ, người lao động đi học tập nước ngoài. Còn ông Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch HĐTV SAGRI liên quan đến sai phạm trong việc chuyển nhượng dự án tại phường Phước Long B, quận 9 (TP.HCM).

\img

                 Sai phạm tại SAGRI đã khiến nhiều cá nhân bị khởi tố, bắt tạm giam thời gian qua. Ảnh: TL

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 8/7 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Vân Trọng Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI và nguyên Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy do liên quan vụ án "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại SAGRI.

Theo tài liệu mà phóng viên Dân Việt có được, vào tháng 10/2017, Kết luận thanh tra số 38 của Thanh tra TP đã điểm mặt sai phạm của Kế toán trưởng Nguyễn Thị Thúy. Theo đó, bà Thúy đã cùng với ông Lê Tấn Hùng, Tổng giám đốc SAGRI có liên quan trực tiếp đến việc chi khống 13 tỷ đồng trong việc “đưa cán bộ, người lao động đi học tập nước ngoài”.

Tổng cộng các hợp đồng ký với Công ty Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế và Công ty Du lịch Thanh niên xung phong có tổng giá trị khoảng 13,3 tỷ đồng. Những hợp đồng này đã được 2 công ty tiến hành thanh lý, tất toán công nợ, coi như đã thực hiện xong.

Tuy nhiên, kết quả xác minh tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP.HCM cho thấy, 40/70 người có tên trong danh sách không tham gia các chuyến đi nước ngoài do SAGRI tổ chức. Trong đó, 30/70 người không có thông tin trên hệ thống của Phòng Quản lý xuất nhập cảnh. Trên thực tế, 2 công ty du lịch ký hợp đồng với SAGRI không thực hiện chuyến đi.

img

Chân dung nguyên Kế toán trưởng SAGRI Nguyễn Thị Thuý. Ảnh: TL

Kết luận thanh tra nêu rõ: “Đoàn thanh tra nhận thấy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn có dấu hiệu cấu kết với hai công ty du lịch lập hồ sơ chứng từ hợp thức hóa vụ việc, hạch toán và quyết toán không đúng quy định của pháp luật”.

Thanh tra TP.HCM kết luận trách nhiệm trên thuộc về Tổng giám đốc và Kế toán trưởng của SAGRI.

Thanh tra cũng cho rằng, Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty Thương mại Dịch vụ Lữ hành Hòa Bình Quốc tế không thực hiện dịch vụ nhưng vẫn xuất hóa đơn tài chính là vi phạm quy định, lập khống hóa đơn và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.

Do đó, Thanh tra TP.HCM kiến nghị, giao cơ quan chức năng điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nói trên của SAGRI và 2 đơn vị du lịch liên quan.

Với ông Vân Trọng Dũng, theo Kết luận thanh tra số 5 (ngày 29/2/2019) cho thấy ông Dũng liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng dự án tại phường Phước Long B, quận 9, TP.HCM.

Theo đó, SAGRI chuyển nhượng dự án nói trên cho Tổng Công ty Phong Phú với giá hơn 168 tỷ đồng. Giá này theo Kết luận thanh tra thì chỉ hơn 10 triệu đồng/m2, trong khi Công ty Phong Phú huy động vốn từ khách hàng cùng thời điểm (năm 2013) là 14 triệu đồng/m2 và so với giá chuyển nhượng dự án liền kế là 29 triệu đồng/m2.

Đây là dự án mà TP chấp nhận cho SAGRI chuyển nhượng mục đích sử dụng 3,75ha đất trại heo tại phường Phước Long B, quận 9 để xây dựng chung cư. Đến tháng 6/2016, Hội đồng thành viên SAGRI có nghị quyết phê duyệt dư án khu nhà ở tại đây.

Tiếp đó, SAGRI hợp tác với Tổng Công ty Phong Phú khai thác dự án với giá trị vốn góp có tỉ lệ là 28%, Tổng Công ty Phong Phú chiếm tỉ lệ 72%. Đến tháng 5/2017, Hội đồng thành viên SAGRI ban hành nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ dự án khu nhà ở trên. Theo đó,  SAGRI đã  chuyển nhượng 28% phần vốn góp là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Tổng Công ty Phong Phú mà không qua đấu giá để xác định giá trị thị trường.

img

Chân dung ông Vân Trọng Dũng, nguyên Chủ tịch HĐTV SAGRI. Ảnh: TL

Kết luận thanh tra chỉ rõ, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng thành viên SAGRI lúc ấy, ông Dũng đã có những thiếu sót, sai phạm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành Hội đồng thành viên cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tổng Công ty; vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, đầu tư dự án, về quản lý, sử dụng mặt bằng nhà, đất trong doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.

Bên lề Hội nghị Thành ủy TP.HCM lần thứ 30 diễn ra sáng 8/7, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có chia sẻ ngắn với báo chí  xung quanh những sai phạm kéo dài nhiều năm liền tại SAGRI.

Theo ông Phong, SAGRI là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, thuộc UBND TP.HCM, được giao nhiều đất đai với diện tích hàng ngàn hécta cơ sở nhà đất, trong đó có nhiều vị trí đất "vàng"…

Tuy nhiên, hoạt động điều hành, kinh doanh của SAGRI lại để xảy ra nhiều thiếu sót, sai phạm trong một thời gian dài và "trải rộng" từ công tác quản lý tài chính, đầu tư, chuyển nhượng dự án, hợp tác đầu tư, mua sắm, đấu thầu...

Các thiếu sót, sai phạm tại SAGRI xảy ra từ nhiều năm nay, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, "dính" đến nhiều lãnh đạo chủ chốt của SAGRI từ HĐTV, Ban Tổng Giám đốc đến Kế toán trưởng, kiểm soát viên…

Ông Phong cũng cho biết, ngoài ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng Giám đốc SAGRI vừa bị khởi tố, bắt tạm giam; theo Sở Nội vụ, có 17 người nữa là lãnh đạo chủ chốt (HĐTV, Ban Tổng Gám đốc, Ban Kiểm soát...) cũng liên quan đến những thiếu sót, sai phạm phải tiến hành kiểm điểm.

Tuy nhiên, chỉ có 3 người còn thời hiệu xử lý kỷ luật; có đến 12 người có thiếu sót, sai phạm đến mức phải khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương... nhưng do đã nghỉ hưu, nghỉ việc, chuyển công tác, hết thời hiệu xử lý kỷ luật.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem