Sản phẩm surimi, bột cá của Việt Nam "tha hồ" qua cửa xuất khẩu, hướng tới kim ngạch 1 tỉ USD

Minh Tâm Thứ bảy, ngày 23/12/2023 05:34 AM (GMT+7)
Mặc dù thị trường xuất khẩu surimi và bột cá của Việt Nam năm nay khá ảm đạm do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng cửa xuất khẩu mặt hàng này vẫn rộng mở và hướng tới mốc 1 tỷ USD.
Bình luận 0

Mặt hàng được thế giới ưa chuộng

Surimi (cá xay nhuyễn, theo cách gọi của Nhật Bản) và bột cá xuất hiện trong ẩm thực của người dân châu Á khoảng 900 năm qua. Đây là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản.

Tại hội nghị thành lập Câu lạc bộ surimi và bột cá ngày 22/12, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết ngành sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh. Bởi mặt hàng này được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến nhờ hiệu quả về mặt chi phí, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là ẩm thực châu Á.

Theo VASEP, trong 5 năm qua, mỗi năm, Việt Nam thu về 300-420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4-5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Còn đối với bột cá, mỗi năm sản xuất 530.000-540.000 tấn, trong đó xuất khẩu 200.000-280.000 tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra, kim ngạch xấp xỉ 200 triệu USD. Hiện Việt Nam có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi.

Xuất khẩu surimi và bột cá rộng cửa, hướng tới kim ngạch 1 tỉ USD - Ảnh 1.

Nguyên liệu cá để sản xuất ra surimi. Ảnh: BTC

Tại hội nghị, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục thủy sản cho biết mỗi năm, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 9,2 triệu tấn, riêng khai thác thủy sản khoảng 3,6-3,8 triệu tấn. Trong đó, ông Luân đánh giá surimi và bột cá là hai sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành mặt hàng tỷ đô.

"Tôi nghĩ đây là một trong những định hướng chế biến giá trị gia tăng và kéo dài chuỗi sản phẩm, đặc biệt góp phần xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản", ông Luân nói.

Lối mở cho thị trường xuất khẩu surimi và bột cá

Theo VASEP, trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… thì surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước cũng như xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.

So với cùng kỳ, các thị trường xuất khẩu chả cá và surimi của Việt Nam ngày càng được mở rộng hơn. Hiện các sản phẩm chả cá và surimi đã xuất được sang hơn 40 thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu vẫn không đủ bù đắp cho lượng sụt giảm tại các thị trường chính.

Hàn Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu chả cá và surimi số 1 của Việt Nam, nhưng từ đầu năm nay, xuất khẩu sang thị trường này giảm liên tục. Cũng như các thị trường khác, năm nay tỷ lệ lạm phát tại Hàn Quốc ở mức cao, đã ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu dùng thủy sản của người dân nước này. Cùng với Hàn Quốc, các thị trường lớn khác là Thái Lan, Trung Quốc và Nhật Bản cũng đang giảm mạnh việc nhập khẩu surimi của Việt Nam.

Xuất khẩu surimi và bột cá rộng cửa, hướng tới kim ngạch 1 tỉ USD - Ảnh 3.

Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp surimi và bột cá VASEP sáng 22/12. Ảnh: Minh Tâm

Chủ tịch VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của ngành hàng này là thị trường lạm phát và kinh tế khó khăn. Theo bà Sắc, hiện sản phẩm surimi của Việt Nam chủ yếu ở dạng thô nên còn gặp hạn chế. "Xu hướng tới, chúng ta sẽ học hỏi từ các nước bạn và tập trung nghiên cứu chế biến để làm tăng giá trị thị phần", bà Sắc nói.

Ngoài ra, bà Sắc cũng đề xuất chính phủ cần hỗ trợ cho các tàu thuyền doanh nghiệp như trang phương tiện để làm sao giữ được nguyên liệu chất lượng tốt. Đối với ngành bột cá trong nước, bà Sắc cho rằng cần phải chủ động tạo thành thức ăn cho ngành chăn nuôi, để từ đó chủ động được giá xuất của con cá tra và con tôm ra thị trường thế giới.

Anh Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty thủy sản Việt Trường (Hải Phòng) cho biết riêng năm nay, giá trị xuất khẩu surimi của công ty giảm từ 30-50% do kinh tế suy thoái cùng sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất mới nổi như Nga. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng của mặt hàng này vẫn có xu hướng ngày càng gia tăng, nhất là tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

"Hiện doanh nghiệp của tôi đang tìm mọi cách để tiết giảm chi phí sản xuất. Song song với đó, chúng tôi cũng sẽ sản xuất một số sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chẳng hạn trước đây chỉ làm thịt cá xay thô, giờ đang nghiên cứu tự chế biến surimi để không phụ thuộc đầu ra", anh Phương nói.

Việc thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp surimi và bột cá VASEP sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề nội tại còn hạn chế, mở đường cho ngành surimi và bột cá gia tăng thị phần xuất khẩu, sớm đạt mốc 1 tỷ USD như kỳ vọng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem