Kết quả bước đầu đã cho những thắng lợi nhất định, sản lượng và chất lượng sản phẩm đều tăng cao hơn so với sản xuất thông thường. Tuy nhiên, chương trình vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức.
Trước hết, chương trình này đòi hỏi người sản xuất phải tự giác áp dụng các biện pháp quản lý chất lượng, an toàn sản phẩm, trong khi đó ý thức của người nông dân về an toàn thực phẩm chưa cao. Bên cạnh đó, nhiều nông dân vẫn còn chưa mặn mà với mô hình.
|
Do chưa có nhãn hiệu nên trái cây VietGAP vẫn phải bán với giá bằng các sản phẩm trồng theo cách thông thường. |
Theo phản ánh của bà con, nguyên nhân khiến cho họ chưa "kết" lắm mô hình này là do khâu đầu ra chưa ổn định, giá thấp. Ông Đỗ Văn Sương - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Ngãi cho biết, vụ lúa năm 2011, HTX đã trồng 30ha theo VietGAP, năng suất đạt 5,5 tấn/ha nhưng do đầu ra bấp bênh, thiếu ổn định, chưa liên kết được 4 nhà nên vụ lúa năm 2012, HTX không mở rộng thêm.
Tương tự, các hộ sản xuất thanh long ruột đỏ theo VietGAP cũng chưa yên tâm về đầu ra. "Để có sản phẩm VietGAP đạt yêu cầu, chúng tôi tốn rất nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư, có khi phải thức cùng, ngủ cùng thanh long nhưng khi ra thị trường vẫn bị đánh đồng về chất lượng và giá cả với các sản phẩm sản xuất thường khiến nông dân chúng tôi rất nản" - anh Nguyễn Đình Lưu (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc), một hộ trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP tâm sự.
Ông Phạm Văn Dư - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cũng nhìn nhận nguyên nhân quan trọng nhất ảnh hưởng lớn đến việc đưa VietGAP vào sản xuất nông nghiệp là giá cả đầu ra sản phẩm. Hiện nay, vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ và có hiệu quả giữa sản xuất và tiêu thụ, thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn ở trong nước còn nhiều hạn chế, chưa tạo cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn sản phẩm an toàn có nguồn gốc và chứng nhận. "Trong khi chi phí sản xuất, chứng nhận sản phẩm sản xuất theo VietGAP cao hơn nhiều so với phương pháp sản xuất truyền thống" - ông Dư nói.
Theo PGS-TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam, để mô hình VietGAP phát triển bền vững trong thời gian tới cần giải quyết đầu ra thông thoáng nhằm tăng sức tiêu thụ cho sản phẩm. Muốn vậy, trước hết phải có logo thống nhất chung của cả nước như cách làm của Thái Lan để người tiêu dùng nhận biết được đâu là sản phẩm VietGAP. "Hầu hết các tỉnh đều có siêu thị Co.op Mart, tôi nghĩ các địa phương nên nên học tập TP.HCM, bắt tay ký kết tiêu thụ sản phẩm VietGAP với siêu thị này" - ông Châu góp ý.
Trúc Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.