San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 1): Mang nụ cười cho người nghèo khó
San sẻ yêu thương giữa Sài thành (kỳ 1): Mang nụ cười cho người nghèo khó
Mỹ Quỳnh - Bùi Phụ
Thứ năm, ngày 24/06/2021 06:05 AM (GMT+7)
Đi một vòng các tuyến phố TP.HCM, đâu đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh các thùng bánh mì với hàng chữ "Nếu bạn khó khăn hãy lấy 1 phần, nếu bạn ổn hãy nhường cho người khác".
LTS: Quyết đẩy lùi dịch Covid -19 đang gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và sức khỏe người dân, lãnh đạo TP.HCM đã thực hiện nhiều biện pháp nghiêm, trong đó, có áp dụng Chỉ thị 15 rồi Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM. Phương tiện lưu thông công cộng tạm ngừng hoạt động, các nhà hàng, quán ăn,… phải đóng cửa nên hàng ngàn người lao động bị rơi vào cảnh khó khăn, thiếu thốn… Với truyền thống "lá lành đùm lá rách", hàng nghìn người TP.HCM đã cùng nhau san sẻ từng miếng ăn, từng chai nước với người nghèo. Nhiều vòng tay nhân ái mở rộng, cùng giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, cùng chung tay, đồng lòng vượt qua cơn đại dịch mang tên Covid-19…
Đấu giá tranh góp tiền mua gạo nấu cơm cho bà con
Anh Nguyễn Tập, nhà ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) tâm sự, thấy bà con nghèo thiếu thốn nên anh bàn với người bạn là họa sĩ Huỳnh Bảo đưa ra đấu giá bức tranh "Mùa tam giác mạch" (vẽ lại những cánh đồng tam giác mạch nhuộm hồng ở Hà Giang).
Anh Nguyễn Tập vừa đưa lên trang cá nhân của mình đã có người mua khởi điểm với giá 3 triệu đồng. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, có người mua giá 10 triệu đồng. Thấy vậy anh Nguyễn Tập "chốt" luôn và người trật đấu giá cũng rất vui vẻ ủng hộ 3 triệu đồng ban đầu vào quỹ thiện nguyện. Tổng cộng đấu giá bức tranh thu được 13 triệu đồng, anh Nguyễn Tập chuyển hết đến quán cơm từ thiện xã hội Nụ Cười để nấu cơm cho người nghèo.
Tính đến ngày 22/6 là đã hơn 1 tháng TP.HCM bị dịch Covid - 19 tàn phá. Các ca nhiễm liên tục tăng cao, các khu cách ly, phong tỏa ngày càng nhiều… cũng là lúc trên đường phố TP.HCM ngày càng xuất hiện nhiều điểm phát quà miễn phí, điểm nấu cơm từ thiện để gửi đến những người trên tuyến đầu chống dịch và những người nghèo, người trong khu cách ly.
Tấm lòng của người xa lạ
Đi một vòng các tuyến phố TP.HCM, đâu đâu, chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh các thùng bánh mì với hàng chữ "Nếu bạn khó khăn hãy lấy 1 phần, nếu bạn ổn hãy nhường cho người khác".
Bà Mai Hồng (ngụ hẻm 411 Lê Đức Thọ, quận Gò Vấp, TP. HCM) cho biết, gia đình bà đang mướn phòng trọ trong hẻm, thường ngày vẫn đi làm các việc như lượm ve chai, bán vé số, chạy xe ôm… "Vợ chồng già đau ốm liên miên, ngày thường mưu sinh cũng chỉ trang trải đủ cuộc sống hàng ngày. Đùng một cái, bị phong tỏa, không ai được ra ngoài đi làm. Vợ chồng con cái nhìn nhau nghẹn ngào, không biết bấu víu vào đâu. Nhưng bất ngờ bị cách ly rồi, chúng tôi mới thấm thía tấm lòng tốt của những người xa lạ. Họ đã mang đến từng bữa cho gia đình tôi trong những ngày bị cách ly…" - bà Mai Hồng xúc động.
Theo lời bà Hồng, mỗi ngày, gia đình bà đều nhận được thực phẩm tiếp tế từ các Mạnh Thường Quân. Ngày nào cũng thế, thực phẩm tiếp tế đa dạng, buổi sáng có cơm hộp hoặc bánh mì, trong túi quà có hôm thì rau xanh, mì gói, trái cây, khoai lang, có hôm thịt cá, trứng, dầu ăn, bột ngọt, lạp xưởng, giò lụa đủ loại.
"Chúng tôi mừng rơi nước mắt khi được chính quyền và các Mạnh Thường Quân dang tay bao bọc trong lúc hoạn nạn. Đúng là một miếng khi đói bằng một gói khi no. Nhờ điều đó mà gia đình tôi bớt lo, động viên nhau cố gắng vượt qua đại dịch" - bà Hồng nói.
Theo chân anh Đ.T là công nhân xây dựng bị thất nghiệp đang ở trọ tại quận 1 đi nhận cơm từ thiện từ một nhà hàng của bà M.D nằm trên đường Trần Hưng Đạo, phường 10, quận 1, TP.HCM, chúng tôi bất ngờ vì phần ăn rất ngon và sạch sẽ. Phần cơm nhận được hôm nay có đùi gà rán, đồ xào, canh và chai nước khoáng. Nhà hàng này cũng là địa chỉ rất quen cho người nghèo gần cả tháng qua từ 31/5, khi TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi nhà hàng ngừng hoạt động để chống dịch Covid - 19, bà M.D tận dụng sảnh rộng hơn 300m2 và hệ thống bếp có sẵn, cùng nhân viên mỗi ngày nấu 2.000 phần cơm phát miễn phí cho người nghèo, khó khăn và 12 điểm khác bị cách ly, phong tỏa ở TP.HCM.
Theo lời bà M.D, mỗi ngày gia đình bà chi khoảng 35 triệu đồng tiền đi chợ, nấu nướng. Thêm nguồn thực phẩm sạch từ các nhà hảo tâm hỗ trợ và hơn chục anh chị em thợ bếp làm việc cực lực từ sáng sớm đến tận trưa. Theo quan sát của chúng tôi, được thay đổi mỗi ngày như cơm, bún, bò kho và có cả đồ ăn chay...
Tiếng kêu đói từ bệnh viện
"Tụi tui khổ quá cô ơi! Bị ung thư, bán hết mọi thứ để có tiền đặng chữa trị, sống cũng lay lắt qua ngày, nhờ vào các bữa cơm từ thiện... Thế mà từ khi dịch bùng phát tới giờ, nhiều quán cơm từ thiện ở các chùa đóng cửa, cơm Nụ Cười 2.000 đồng cũng đóng cửa nữa, tụi tui biết làm sao sống đây cô ơi?" - nhận điện thoại của một người xa lạ xưng là bệnh nhân ở Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khiến cô Châu - Chủ nhiệm quán cơm Nụ Cười ở TP.HCM rối bời.
Cô Châu cho biết, hệ thống quán cơm Nụ Cười đã hoạt động hơn 10 năm nay, do các Mạnh Thường Quân đóng góp. Giá thành 1 suất ăn khoảng 15.000 đồng nhưng quán chỉ thu 2.000 đồng/suất nhằm phục vụ cho người nghèo trên địa bàn thành phố có bữa cơm ngon. Khi dịch bùng phát, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố, quán cơm tạm đóng cửa để tránh tập trung đông người, chung tay phòng chống dịch. Thế nhưng, những mảnh đời nghèo khổ ngoài xã hội hàng ngày trông chờ vào suất cơm từ quán, khiến cô không đành lòng nên mở cửa bán mang về.
Hiện nay, mỗi ngày quán nấu gần 2 tạ gạo và cung cấp khoảng 1.500 suất cơm tại 3 chi nhánh Bình Thạnh, Tân Phú và quận 5. Đồng thời, nếu các khu vực cách ly, phong tỏa đề nghị bán cơm, cô vẫn cố gắng đáp ứng thông qua các em sinh viên tình nguyện đi giao cơm.
Thông thường, quán mở bán từ 10 giờ 30 từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần, nhưng để giảm bớt lượng người tập trung vào một thời điểm, quán cơm phải nấu sớm hơn và mở bán mang về từ 8 giờ 30. Riêng những người già neo đơn, đi lại khó khăn, sẽ có các em sinh viên tình nguyện mang cơm đến tận nơi…
"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.