Sản xuất cây ăn trái theo GAP: Đi mãi chưa tới đích

Thứ tư, ngày 05/12/2012 13:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo nhiều chuyên gia dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp “Sản xuất cây ăn trái theo GAP” (tổ chức hôm 4.12 tại Tiền Giang), sau 5 năm, hoạt động sản xuất theo GAP tại hầu hết các tỉnh hiện vẫn còn nhỏ lẻ, ở dạng mô hình...
Bình luận 0

Vẫn chỉ là mô hình

Tại hội thảo (do Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NNPTNT Tiền Giang), thạc sĩ Lê Thanh Tùng – chuyên viên Cục Trồng trọt cho biết, hiện có nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP thành công, giá thành sản xuất hạ trong khi sản phẩm được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như thanh long VietGAP ở Bình Thuận, sản xuất bưởi da xanh ở Bến Tre…

Tuy nhiên, nhiều HTX sau khi thực hiện các dự án thử nghiệm GAP ở diện tích nhỏ, dạng mô hình thì không tiếp tục phát triển mở rộng mà quay lại với cách sản xuất truyền thống.

img
Sản xuất cây ăn trái theo GAP vẫn chưa thể phát triển ở ĐBSCL.

“Cụ thể như HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang), HTX Bưởi Năm roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) là những đơn vị đầu tiên ở nước ta được chứng chỉ GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ châu Âu xây dựng, có giá trị áp dụng toàn cầu. Tuy nhiên, một thời gian sau chứng nhận, nhiều nông dân tại đây đã xin ra khỏi HTX, bỏ GAP và quay lại với phương thức sản xuất cũ” - ông Tùng cho biết.

Ông Nguyễn Văn Hòa – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam cũng cho rằng, hiện nay nhiều người dân làm GAP với diện tích nhỏ lẻ, manh mún, sản lượng thấp nên doanh nghiệp không có đủ sản lượng để xuất khẩu. Việc thu mua chỉ để tiêu thụ nội địa càng khó khăn hơn trong bối cảnh nhận thức về an toàn thực phẩm của người dân chưa cao, chưa có thói quen trả thêm tiền hàng chất lượng cao như hiện nay.

Nhiều sản phẩm trái cây đặc sản khác của ĐBSCL như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) nổi tiếng thơm ngon nhưng diện tích VietGAP chỉ có 11ha, không đủ cung ứng cho thị trường trong nước, HTX Xoài cát Hòa Lộc Mỹ Xương (Đồng Tháp) cũng chỉ ở dạng mô hình với diện tích khoảng 21ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, không đủ sản lượng cho xuất khẩu.

Mỗi nhà mỗi phách

Không chỉ sản xuất nhỏ, lẻ, chưa đủ sản lượng cung ứng cho các đơn hàng xuất khẩu lớn, việc áp dụng các tiêu chuẩn GAP vào sản xuất hiện nay cũng chưa có đơn vị làm “đầu tàu”, hướng dẫn, khuyến khích nông dân.

TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho biết, trong tất cả các cuộc họp về áp dụng GAP vào sản xuất, các cơ quan, đơn vị đều đề cập đến sự cần thiết của liên kết 4 nhà gồm: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Tuy nhiên, vẫn chưa có ai chịu đứng ra cầm cờ xung phong, hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình GAP.

Tính đến năm 2012, diện tích cây ăn trái được chứng nhận GAP ở ĐBSCL đạt 300ha, chiếm khoảng 0,14% trong tổng diện tích 288.000ha cây ăn trái các loại của vùng.

Bà Mai cho rằng, việc xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm là việc của nhà doanh nghiệp nhưng đến nay, sau khi áp dụng thành công các tiêu chuẩn VietGAP vào sản xuất, nông dân vẫn phải bán hàng cho thương lái với giá cào bằng so với các sản phẩm không GAP khác.

Còn theo ông Hòa, cơ sở hạ tầng phục vụ sơ chế, bảo quản cũng như vận chuyển sản phẩm GAP còn rất yếu. ĐBSCL còn chưa có xe chuyên biệt để vận chuyển các sản phẩm GAP từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

TS Võ Mai cho biết, Hội Làm vườn đã tự thân liên kết một số đơn vị, doanh nghiệp tâm huyết với việc phát triển cây ăn trái tại ĐBSCL để thành lập một doanh nghiệp chuyên lo thu mua, tiêu thụ các sản phẩm GAP cho nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem