Sản xuất lúa theo GAP: Thành tựu và những vấn đề tồn tại

Thứ tư, ngày 08/02/2012 12:10 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong lúc mà sản phẩm lúa gạo không sản xuất theo GAP vẫn được bán chạy với chi phí thấp thì sản xuất theo GAP điều tiên quyết là phải có đầu ra cho sản phẩm.
Bình luận 0

Bởi sản phẩm GAP phải đầu tư cao mà nếu việc tiêu thụ không thuận tiện sẽ làm cho sản xuất gặp khó khăn hơn gấp nhiều lần.

Bài học đầu tiên cũng là từ nơi lấy chứng nhận GlobalGAP đầu tiên, HTX Mỹ Thành Nam. Vụ mùa năm 2008, mặc dù Công ty ADC đã bao tiêu hết nhưng 90 tấn lúa GAP qua xay xát nhưng vẫn nằm yên trong kho, không tiêu thụ được. Bởi dù lúa ngoài đồng đã đạt tiêu chuẩn nhưng khi xay thành gạo, yêu cầu của các siêu thị đòi hỏi phải có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm của nhà máy đóng gói, mà cái này ADC chưa có. Thế là gạo vẫn phải nằm im trong kho chờ… Công ty ADC xây xong dây chuyền nhà máy đóng gói ở Cần Thơ và xin giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

img
Thu hoạch lúa GAP ở Tiền Giang.

Còn ở Hậu Giang, quy trình trồng lúa theo hướng VietGAP mới ở giai đoạn thử nghiệm, nhưng nghịch lý giữa giá lúa chất lượng cao với lúa thường không chênh lệch mấy làm nhiều nông dân không mặn mà theo đuổi mô hình. Bởi trồng giống lúa dài HG 2 sản xuất theo VietGAP có phẩm chất gạo tốt, thời gian sinh trưởng dài (khoảng 100 ngày) nhưng giá bán ra tương đương với lúa IR 50404, thì người trồng lúa rất khó chấp nhận. Chính vì thế, cùng với khó khăn chưa tìm được đầu ra cho lúa trồng theo tiêu chuẩn GAP nên theo Sở NNPTNT các tỉnh Hậu Giang, An Giang,… thời gian tới rất khó mở rộng mô hình này.

Để khắc phục các nhược điểm trên, sản xuất lúa gạo theo GAP sắp tới cần đẩy mạnh hơn nữa việc liên kết 4 nhà, trong đó quan trọng nhất là nhà DN. DN khi ấy phải có kế hoạch bao tiêu sản phẩm cụ thể thông qua ký kết với nông dân và tiêu thụ sản phẩm một cách có lợi và dễ dàng cho nông dân.

Ngoài ra cũng cần nâng cao trình độ nhận thức và khả năng ứng dụng của nông dân trong sản xuất GAP; khẩn trương xây dựng và ban hành quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP như đã ban hành trên rau và cây ăn quả. Bên cạnh đó, cán bộ nông nghiệp và khuyến nông hiện còn thiếu, trong khi mô hình này đòi hỏi phải hướng dẫn rất nhiều chi tiết kỹ thuật và kiểm tra thường xuyên, nên trước mắt chỉ có thể làm ở quy mô nhỏ và không nên mở quá rộng.

(Viện KHKT Nông nghiệp Miền Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem