Sản xuất lúa theo VietGAP ở Cà Mau: Một vụ mùa bội thu?

Thứ hai, ngày 30/01/2012 11:58 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mô hình sản xuất lúa theo VietGAP trên địa bàn ấp Tân Thuộc, xã An Xuyên, TP.Cà Mau, với 17ha của 20 hộ tham gia trồng thử nghiệm giống OM 6600 vừa có được một vụ mùa bội thu.
Bình luận 0

Không chỉ giúp nông dân giảm thiểu chi phí đầu tư, nâng cao giá bán, sức cạnh tranh mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khỏe cho người sản xuất.

Là một xã thuần nông, trước đây, nông dân thường canh tác các giống lúa mùa địa phương, năng suất bấp bênh, thu nhập không ổn định. Năm 2011, được sự tài trợ của dự án thông qua nguồn kinh phí quỹ CIF, xã đã tổ chức nhiều lớp tập huấn để giới thiệu và hướng dẫn triển khai thực hiện VietGAP trên cây lúa cho bà con nông dân.

img
Trong quá trình canh tác lúa theo VietGAP, UBND TP.Cà Mau và xã An Xuyên thường xuyên cử cán bộ xuống kiểm tra, “đồng hành” cùng bà con nông dân.

Theo đó, quy trình áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: Tiêu chuẩn chọn giống, độ thuần của giống, các yêu cầu kỹ thuật phòng bệnh IPM, chương trình “3 giảm 3 tăng”, khử lẫn lúa khác giống, lúa cỏ, cỏ dại, sử dụng thuốc cách ly an toàn cho sản phẩm khi tiêu thụ ra thị trường được triển khai tường tận. Nông dân được hướng dẫn thực hành ngay trên đồng ruộng trong suốt thời gian từ khi lúa sinh trưởng đến thu hoạch.

Anh Diệp Xuân An ở ấp Tân Thuộc cho biết, sản xuất lúa sạch và an toàn có giá trị kinh tế cao là điều mà người nông dân luôn hướng đến. Tuy nhiên, khi thay đổi các phương thức sản xuất, nông dân thường tự ý thực hiện riêng lẻ, mỗi người có cách làm riêng, tính hiệu quả chưa cao.

Chỉ khi tham gia khóa tập huấn thực hành sản xuất lúa theo VietGAP, anh mới biết được cách chọn giống lúa phù hợp, sử dụng thuốc BVTV như thế nào để không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người.

Việc thăm đồng và xử lý đồng ruộng thường xuyên theo cách làm mới cũng đã giúp anh phân tích được các loại sâu hại, từ đó có hướng quản lý bệnh hại trên lúa đạt hiệu quả hơn,… Chi phí theo đó cũng giảm hơn mà năng suất và chất lượng lúa lại tăng lên.

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Chủ tịch UBND xã An Xuyên, cho biết, bà con vừa thu hoạch xong, năng suất lúa đạt tới 50 – 60 tấn/ha, tăng hơn 25% so với lúc chưa làm VietGAP. Các xã khác và thương lái nghe tiếng đã đến đặt hàng hết từ trước để mua về làm giống với giá 6.500 đồng/kg, cao hơn giá thị trường cùng loại 300 đồng/kg. Với thắng lợi đó, ông Hùng cho biết vụ tới xã sẽ mở rộng mô hình ra thêm 4 ấp nữa, với tổng diện tích canh tác gần 100 ha.

“Sản xuất lúa theo hướng VietGAP là một trong những mục tiêu mà xã An Xuyên đang hướng tới, nhằm từng bước cải thiện tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu trước đây, giúp người dân thoát nghèo bền vững” – ông Hùng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem