Sản xuất nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng lớn

Thứ năm, ngày 27/10/2011 17:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày 26.10, UBND tỉnh Đồng Nai và Sở Tài nguyên - Môi trường (TNMT) tỉnh đã tổ chức Hội thảo tác động môi trường của 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đối với vùng hạ lưu trên địa bàn tỉnh.
Bình luận 0

Đây là lần thứ 3 một hội thảo khoa học liên quan đến Thủy điện 6 và 6A được tổ chức trong 3 tháng qua.

img
Cùng với giá trị sinh học, hoạt động sản xuất nông nghiệp quanh khu vực VQG Cát Tiên sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện.

Nông dân chịu thiệt

Tại hội thảo, Sở TNMT Đồng Nai đánh giá: Mặc dù 2 dự án này không xây dựng trên địa bàn tỉnh nhưng lại chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về mặt sinh thái, môi trường, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng có nhận định chung rằng nông dân chính là đối tượng chịu thiệt hại nặng nhất nếu 2 dự án đi vào hoạt động. Theo đó, sản xuất nông nghiệp của người dân sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp.

TS Vũ Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển cho biết, đồng bào các dân tộc Châu Mạ, MNông… tại khu vực xây dựng 2 thủy điện sẽ là những người chịu thiệt hại đầu tiên. Theo đó, việc xây đập sẽ khiến dòng nước và phù sa bị chặn lại, đất bãi ven sông khô cằn khó trồng trọt buộc người dân phải đốt thêm rừng để làm rẫy.

Việc thiếu nước khiến việc buôn bán nông sản của bà con dân tộc khó khăn hơn. Hiện nay, thương lái theo sông Đồng Nai lên mua, nếu nước sông cạn thì người dân phải tự vượt rừng vận chuyển nông sản ra chợ. Ngoài ra, nguồn lợi cá tự nhiên suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của ngư dân.

Theo Sở NNPTNT Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có 30 trạm bơm thuộc các công trình thủy lợi lấy nước từ sông Đồng Nai tưới tiêu cho diện tích đất nông nghiệp khoảng 8.925 ha. Ông Mai Công Ý - Trưởng phòng Thủy lợi đánh giá khi công trình Thủy điện 6 và 6A đi vào vận hành, khai thác lượng nước về hạ lưu ít sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác tưới của các trạm bơm.

Các huyện Tân Phú, Định Quán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi đoạn sông ở khu vực này cạn, nông, nhiều thác ghềnh. Ông Ý khẳng định, dự án sẽ không chỉ ảnh hưởng đến cây trồng, mà còn ảnh hưởng lớn đến nguồn cấp nước sinh hoạt, công nghiệp của vùng hạ lưu.

Ngành nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của tỉnh Đồng Nai với hàng nghìn bè cá ở hồ Trị An và làng cá bè Biên Hòa cũng chung nguy cơ chịu ảnh hưởng. Đại diện Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho hay khi lượng nước từ thượng nguồn trong mùa khô về ít, chất lượng nước sông bị ô nhiễm sẽ làm thay đổi quá trình sinh trưởng, phát triển của thủy hải sản theo chiều hướng xấu.

Sẽ mất thêm nhiều loài động vật

Buổi hội thảo hôm qua càng nóng hơn khi trước đó 1 ngày, WWF đã chính thức công bố sự tuyệt chủng của tê giác trên lãnh thổ Việt Nam, nó là biểu tượng của Vườn quốc gia Cát Tiên.

Ông Nguyễn Minh Tâm -Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai lo lắng: Thủy điện 6 và 6A nằm trong vùng lõi của Vườn quốc gia, là khu vực trọng yếu có ảnh hưởng rất lớn đến đa dạng sinh học. Khi công trình thủy điện được xây dựng sẽ có hàng trăm công nhân đến làm việc, ở lại từ 2 - 5 năm, các tuyến đường sẽ được xây dựng kiên cố để vận chuyển vật liệu, máy móc. Giao thông thuận tiện sẽ làm tình trạng săn bắn động vật rừng, khai thác lâm sản trái phép gia tăng.

Theo TS Vũ Ngọc Long, những tác động tới sản xuất nông nghiệp đều không được đề cập trong bản đánh giá tác động môi trường với chỉ… 29 phiếu điều tra đối với người dân cho cả 2 dự án thủy điện. Trong đó nhiều phiếu không hề có thông tin hoặc điều tra qua loa.

Đặc biệt, môi trường sống, sinh cảnh thay đổi khiến các loài cực kỳ quý hiếm đang sống trong khu vực này như: Vượn đen má vàng, chà và chân đen, bò tót, gà lôi vằn, gà so cổ hung… bị đe dọa nghiêm trọng. “Sau tê giác, tiếp đến có thể sẽ là những loài động vật kể trên bị tuyệt chủng, chưa kể thảm thực vật mất đi nếu xây dựng Thủy điện 6 và 6A” - ông Tâm kết luận.

Ông Trần Văn Thành - Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, nếu xây thủy điện ngay trong vùng lõi của vườn với hàng trăm con người, cán bộ và kiểm lâm tại đây sẽ không thể kiểm soát được rừng khi nguy cơ bị “đánh từ trong đánh ra”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem