Sản xuất nông sản còn lúng túng

Lương Kết Thứ năm, ngày 21/05/2015 08:33 AM (GMT+7)
Trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và tình hình triển khai nhiệm vụ những tháng đầu năm 2015, tại phiên khai mạc QH sáng 20.5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ. 
Bình luận 0

Việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản khó khăn, nhất là gạo, cao su, trái cây, ảnh hưởng đến đời sống nông dân. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm mạnh cả về quy mô và giá cả như thủy sản giảm 15%, cà phê giảm hơn 38% về giá, gạo giảm 5% về giá và 0,5% về lượng.

Nhiều hàng nông sản xuất khẩu chủ lực giảm

Trình bày báo cáo thẩm tra, ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh: Trong sản xuất nông nghiệp vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... "Mặc dù có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc ban hành các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng vẫn còn lúng túng, vướng mắc trong việc tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động. Việc nhân rộng các mô hình sản xuất, quản lý thành công trong thực tiễn, nhất là mô hình liên kết chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp còn chậm” - ông Giàu nhận định.

img
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội sáng 20.5. Ảnh: Như Ý  

Đồng tình với nhận định trên, báo cáo tổng hợp do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân trình bày nêu rõ: Cử tri và nhân dân vẫn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế chưa thật bền vững, việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp không ổn định. "Tình trạng nông dân gặp khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, tình trạng “được mùa, mất giá” và ùn ứ hàng hóa trong tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp diễn ra ở nhiều nơi, do hiện nay nông nghiệp nước ta vẫn chủ yếu là sản xuất hộ cá thể, việc sản xuất còn theo phong trào, chưa gắn với quy hoạch sản xuất vùng và định hướng xuất khẩu theo nhu cầu và tính chất của thị trường” - ông Nhân cho biết.

Ô nhiễm nông thôn tăng

Một vấn đề đáng báo động khác hiện nay được cử tri và nhân dân phản ánh là tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn. "Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng vẫn còn xảy ra ở nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện đông người. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn chỉ đạt khoảng 40 - 55%" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Thời gian qua xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp xử lý nước thải, chất thải, hóa chất chưa đúng quy trình kỹ thuật, chưa thực hiện đúng cam kết về bảo vệ môi trường như vụ việc Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 (Bình Thuận) xả khí và xỉ than gây ô nhiễm môi trường khiến người dân xung quanh bức xúc. Theo báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày, vụ việc này cho thấy chính quyền chưa có cách tiếp cận tốt, kịp thời lắng nghe và giải quyết sớm kiến nghị chính đáng của người dân từ phía chính quyền và nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, theo báo cáo thẩm tra, một số dự án nhạy cảm liên quan trực tiếp đến môi trường và cuộc sống của người dân được triển khai khi chưa lấy ý kiến rộng rãi và chưa được sự đồng tình của nhân dân như dự án cải tạo cảnh quan và phát triển đô thị ven sông Đồng Nai, dự án thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội. Tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép vẫn xảy ra ở nhiều nơi, mặc dù cách đây một năm Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị chấn chỉnh...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Xác định việc làm ngay

Tiếp đà phát triển, trong 5 tháng đầu năm 2015, kinh tế xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, tăng trưởng phục hồi rõ rệt, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm đồng bộ; quốc phòng được tăng cường, an ninh trật tự được giữ vững... 2015 là năm "về đích" các chỉ tiêu Đại hội Đảng XI và Quốc hội Khóa XIII đề ra, Kỳ họp thứ 9 này là cơ hội để nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước, qua đó xác định những việc cần làm, làm ngay... để đạt được các mục tiêu đề ra.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Cần thay đổi tư duy về nông nghiệp

Giải pháp để giải bài toán khó khăn của nông nghiệp, nông dân theo tôi là phải thay đổi tư duy, phải xác định nông nghiệp  là số 1. Cần phải hiện đại hóa, công nghiệp hóa nền nông nghiệp theo ưu tiên số 1. Khi đã ưu tiên như vậy chúng ta sẽ có sự tập trung đầu tư không chỉ là vốn, cơ chế mà còn đầu tư cả con người, đầu tư cả bộ máy chỉ đạo. Theo tôi phải có một Phó Thủ tướng phụ trách về mảng nông nghiệp, vì mảng này có đến gần 70% dân số. Chỉ Bộ NNPTNT phụ trách sẽ không đủ tầm bao quát. 

ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị): Chống tham nhũng chưa bứt lên được

Báo cáo bổ sung của Chính phủ đã nói lên được thực trạng, nhưng chưa chỉ rõ được nguyên nhân nào mà phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu như mong muốn. Giải pháp như thế nào để phòng chống tham nhũng cũng chưa rõ trong khi đã có bộ máy phòng chống tham nhũng từ T.Ư xuống địa phương, có Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi là căn cứ pháp lý mới nhất, có các cơ quan bảo vệ pháp luật rồi, nhưng tại sao công cuộc này vẫn chưa bứt lên được?

  Lương Kết – Hải Phong (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem