Sáng nay Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội và nhiều nội dung quan trọng

PVCT Thứ năm, ngày 25/05/2023 06:18 AM (GMT+7)
Theo chương trình kỳ họp, sáng 25/5, Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ để cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng.
Bình luận 0

Quốc hội sẽ thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Sáng nay Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội và nhiều nội dung quan trọng - Ảnh 1.

Sáng nay Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế-xã hội và nhiều nội dung quan trọng. Ảnh Quốc hội

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.

Quốc hội cũng cho ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận; Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa - kết nối với Lâm Đồng và Ninh Thuận; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia.

Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Về kinh tế -xã hội, tại phiên khai mạc Quốc hội, trình bày báo cáo về báo cáo của Chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế nêu, kinh tế có dấu hiệu xấu đi từ cuối năm 2022, kéo dài sang đầu năm 2023 nên tăng trưởng GDP quý I chỉ tăng 3,32%, rất thấp.

Các động lực chính của tăng trưởng như xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là sản xuất công nghiệp đều giảm, trên đà suy yếu. 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) giảm 1,8% so với cùng kỳ.

Các trung tâm sản xuất công nghiệp, xuất khẩu chính cả nước sụt giảm tăng trưởng như Bắc Ninh -11,85%, Quang Nam -10,88%, Vĩnh Phúc -2,47% hoặc tăng không đáng kể TP HCM 0,7%, Bình Dương 1,15%… Từ những số liệu này, Uỷ ban Kinh tế nhận định, "nền kinh tế thực sự đang rất khó khăn".

Đáng lưu ý, 4 tháng đầu năm có gần 79.000 doanh nghiệp đăng ký lập mới, quay trở lại thị trường. Bình quân mỗi tháng khoảng 19.700 doanh nghiệp lập mới, quay lại hoạt động. Tuy nhiên, mỗi tháng cũng có 19.200 đơn vị rút lui khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp đối diện áp lực trả nợ lớn nên phải chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần với mức giá rất thấp, trong nhiều trường hợp bán cho các đối tác nước ngoài.

Vẫn theo Ủy ban Kinh tế, doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến, lao động mất việc làm tại nhiều khu công nghiệp. Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có gần 547.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm, ngừng việc do đơn hàng giảm từ tháng 9/2022 đến 1/2023. 75% trong số này thuộc về doanh nghiệp FDI...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem