Hướng đi đúngÔng Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, năm 2013, cả nước có khoảng 2,6 triệu con trâu, 5,2 triệu con bò và 315 triệu con gia cầm. Mỗi năm số gia súc, gia cầm này thải ra môi trường 80 - 85 triệu tấn chất thải, đây là một thách thức không nhỏ với ngành chăn nuôi.
Để góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, năm 2010, Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã áp dụng thí điểm mô hình ĐLSH trong chăn nuôi tại Hà Nam với 15 mô hình. Từ 200m2 chuồng ĐLSH ban đầu, đến cuối năm 2013 mô hình đã được nhân rộng ra 40/63 tỉnh thành, với 752 trang trại và hơn 61.000 hộ chăn nuôi áp dụng, tương đương hơn 6 triệu m2 chuồng.
Do chi phí làm chuồng áp dụng đệm lót sinh học cao, nhiều người dân lo ngại khó tăng diện tích thực hiện.
Trước đó, TS Nguyễn Khắc Tuấn – tác giả của chế phẩm BALASA N01 dùng làm ĐLSH đã được tiếp cận với mô hình này vào năm 2009, trong một lần thăm quan mô hình chăn nuôi ở Trung Quốc. “Mô hình rất hay, nhưng không thể bê nguyên công nghệ của Trung Quốc vào áp dụng ở Việt Nam được, nên năm 2011 tôi đã tiến hành nghiên cứu chế phẩm BALASA N01 dùng làm ĐLSH. Tháng 10.2013, đề tài đã được Bộ NNPTNT ký quyết định công nhận là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới” – ông Tuấn cho hay.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình, Thứ trưởng Tám nói: “Sau 3 năm áp dụng, ĐLSH đã cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế vi khuẩn gây hại trong chăn nuôi, giúp người dân tiết kiệm khoảng 13 – 20% chi phí và đặc biệt là rất phù hợp với chăn nuôi nông hộ ở nơi dân cư”. Ông Mai Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết thêm: Toàn tỉnh hiện có khoảng 400.000 con lợn, 6 triệu con gia cầm, mỗi năm thải ra khoảng 815.000 tấn chất thải rắn, 5 triệu tấn chất thải lỏng, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống của người dân.
“Trước đây chúng tôi đã áp dụng mô hình biogas, trộn nguyên liệu vi sinh vào thức ăn để giảm ô nhiễm nhưng vẫn không hiệu quả. Năm 2010, được sự giúp đỡ của Cục Chăn nuôi và Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, tỉnh đã đẩy mạnh áp dụng ĐLSH vào chăn nuôi và đến nay, tỉnh đã có khoảng 3.420 mô hình áp dụng ĐLSH, góp phần giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, hạn chế dịch bệnh, sản lượng các loại vật nuôi đều tăng, giúp nhiều xã hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM” – ông Dũng đánh giá.
Là tỉnh vùng sông nước, vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi ở Hậu Giang cũng là gánh nặng của tỉnh, do đó năm 2012 Hậu Giang cũng triển khai thử nghiệm mô hình ĐLSH và đến nay đã có hơn 200 mô hình.
Chi phí cao
Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết kinh nghiệm và kết quả sau 3 năm áp dụng mô hình ĐLSH trong chăn nuôi vừa diễn ra tại Hà Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đề nghị Học viện Nông nghiệp Việt Nam và các nhà khoa học đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình tạo ra ĐLSH; sớm tổng kết thực tiễn xung quanh thiết kế chuồng trại theo hướng chọn ra những thiết kế ưu việt nhằm chống nóng, đảm bảo độ bền đệm lót; nghiên cứu triển khai đồng bộ mô hình cung cấp men vi sinh để nông dân dễ dàng tiếp cận; xác định hiệu quả kinh tế của mô hình này...
|
Mặc dù kết quả mà ĐLSH đem lại là rất khả quan, song việc triển khai mô
hình này trên diện rộng đang gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, nguyên
liệu xác định ban đầu là mùn cưa, vỏ trấu, song nguồn nguyên liệu này
khó đáp ứng đủ khi triển khai trên diện rộng. Thứ hai, mặc dù chế phẩm
sinh học BALASA N01 đã được công nhận là tiến bộ kỹ thuật, công nghệ
mới, song quy trình vẫn chưa thực sự hoàn thiện, nếu áp dụng trên diện
rộng sẽ dẫn đến nguồn cung hạn chế. Thứ ba, điểm yếu của ĐLSH là nóng,
không thực sự thích hợp với chăn nuôi vào mùa hè. Thứ tư, chi phí làm
ĐLSH còn cao, do đó phong trào phát triển mạnh như hiện nay là nhờ hỗ
trợ của địa phương, còn số hộ tự bỏ tiền làm mô hình rất ít…
Nông dân Ngô Văn Thêm ở thôn Hạ Vỹ, xã Nhân Chính, huyện Lý Nhân (Hà Nam) hiện đang áp dụng mô hình ĐLSH cho biết, ông vừa làm hơn 200m2 chuồng ĐLSH hết hơn 80 triệu đồng, được tỉnh hỗ trợ 29 triệu đồng. “Quả thật chi phí làm ĐLSH còn cao so với mức thu nhập của nông dân, nếu không có tỉnh hỗ trợ, các hộ chăn nuôi, nhất là hộ khó khăn sẽ khó áp dụng mô hình” – ông Thêm bày tỏ.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, để đáp ứng nguồn nguyên liệu, các địa phương có thể chuyển sang dùng bã mía, lõi cây ngô, vỏ cà phê, vỏ dừa… Tuy nhiên, đến nay mới có Hậu Giang dùng bã mía, một số tỉnh Tây Nguyên dùng vỏ cà phê thay thế, còn các tỉnh khác mới đưa ra giả thiết.
“Để tăng tính cạnh tranh, tới đây Bộ sẽ khuyến khích nhiều đơn vị, cá nhân nghiên cứu ra chế phẩm sinh học tương tự. Việc chi phí làm ĐLSH còn cao, do đó các nhà khoa học, địa phương cũng cần quan tâm làm thế nào để giảm chi phí đến mức thấp nhất, đồng thời khắc phục hạn chế bị nóng khi sử dụng vào mùa hè” – Thứ trưởng Tám nói.
Việt Tùng (Việt Tùng)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.