Sau 3 năm tăng trưởng, thị trường bất động sản có xu hướng chững lại

Trần Kháng Chủ nhật, ngày 12/05/2019 06:30 AM (GMT+7)
Tăng trưởng liên tục từ năm 2013-2016, thị trường bất động sản từ năm 2017, 2018 có xu hướng chững lại.
Bình luận 0

Nguồn cung mất cân đối

Bộ Xây dựng vừa báo cáo thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, chất vấn, trong đó, Bộ Xây dựng đánh giá năm 2018 và quý 1.2019 phát triển khá ổn định.

Trong quý 1.2019, giá bất động sản tại Hà Nội và TP HCM có biến động nhưng không lớn. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư giảm khoảng 0,05% so với quý 4.2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá giảm khoảng 0,22%; căn hộ trung cấp giá giảm khoảng 0,02%; căn hộ bình dân giá tăng khoảng 0,36%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 1,68% so với quý 4.2018.

Tại TP HCM giá căn hộ chung cư quý 1.2019 tăng khoảng 1% so với quý 4.2018. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp giá tăng khoảng 1,05%; căn hộ trung cấp giá tăng khoảng 0,98%; căn hộ bình dân giá tăng khoảng 1,01%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 2,54% so với quý 4.2018. 

img

Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Theo báo cáo, tại Hà Nội, TP HCM và môt số địa phương có thị trường bất động sản phát triển như Khánh Hòa, Quảng Ninh, Kiên Giang... có 14.047 giao dịch thành công. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn vẫn là giao dịch về nhà ở chung cư và nhà ở thấp tầng (chiếm 94% tổng lượng giao dịch thành công).

Bộ Xây dựng đánh giá, Hà Nội và TP HCM vẫn là hai thị trường có lượng giao dịch chiếm tỷ trọng lớn trên cả nước.

Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc tăng đều qua các năm. Năm 2017 đạt khoảng 23,4m2 sàn/người; năm 2018 tăng lên mức24 m2 sàn/người. Phát triển Nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên điạ bàn cả nước đến nay đã hoàn thành 198 dự án, quy mô khoảng 81.700 căn, với tổng diện tích hơn 4 triệu m2. Hiện có 226 dự án, khoảng 182.200 căn đang tiếp tục được triển khai.

Bên cạnh những mặt tích cực, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng chỉ ra hàng loạt những tồn tại, hạn chế của thị trường bất động sản, đồng thời đưa ra những kiến nghị về định hướng phát triển thị trường trong thời gian tới.

Hiện cơ cấu hàng hoá bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM đã được điều chỉnh theo hướng tích cực nhưng vẫn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

“Theo phân tích thị trường hiện nay, nhu cầu nhà ở của người dân thuộc phân khúc trung, cao cấp giá từ 25 triệu đồng/m2 trở lên chỉ chiếm từ 20-30% thị trường tuỳ từng địa phương. Nhu cầu nhà ở phân khúc bình dân, Nhà ở xã hội chiếm tới 70-80% thị trường nhưng nguồn cung hiện nay lại đang mất cân đối”, báo cáo nêu.

“Cò đất” thổi giá

Đề cập tới tình hình thị trường bất động sản nói chung và tại một số địa phương dự kiến thành lập đặc khu kinh tế nói riêng, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, tại một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang và TP.HCM đã xảy ra tình trạng sốt ảo, giá đất bị đẩy lên cao nhằm thu lợi bất chính.

Trước tình hình đó, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có giải pháp chấn chỉnh kịp thời nhằm ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Xây dựng cho biết, sau chỉ đạo của Thủ tướng vào ngày 11.5.2018, các địa phương đã có một số động thái nhằm ngăn chặn việc giá đất tăng đột biến, ngăn chặn việc tách thửa,giao dịch quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp và tuyên truyền đến người dân.

"Sau khi có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng và chính quyền địa phương quyết liệt vào cuộc, tình hình thị trường bất động sản tại các khu vực nêu trên đang dần ổn định trở lại", báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

img

"Cò đất" đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính,làm bất ổn thị trường.

Theo Bộ Xây dựng, việc đưa ra nhiều giải pháp thực hiện đến nay đã có kết quả. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở và thị trường bất động sản đã cơ bản hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý tương đối hoàn chỉnh để kiểm soát, điều tiết các hoạt động của thị trường. Bao gồm cả việc tạo lập, giao dịch xác lập quyền sở hữu, quản lý sử dụng sản phẩm bất động sản, nhà ở, cũng như quản lý các chủ thể tham gia thị trường.

Tuy nhiên, một số đối tượng đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị… để đẩy giá lên cao nhằm thu lợi bất chính,làm bất ổn thị trường.

Một trong những kiến nghị đáng chú ý về giải pháp thực hiện trong thời gian tới là nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế để góp phần bình ổn thị trường, chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản theo hướng giao cho Chính phủ thực hiện thẩm quyền điều chỉnh mức thuế giao dịch bất động sản để kịp thời bình ổn thị trường khi có biến động lớn.

Đồng thời theo dõi, ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật làm tăng giá bất động sản bất hợp lý, không để xảy ra tình trạng sốt nóng giá bất động sản và bong bóng bất động sản./. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem