Sau “bão” dịch tả lợn: Nông dân đổ gục, chính quyền cũng nợ tiền tỉ

Hải Đăng - Minh Ngọc Thứ hai, ngày 16/09/2019 14:37 PM (GMT+7)
Sau khi bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công gây thiệt hại nặng nề, đến nay đã gần 8 tháng trôi qua nhưng người dân tại các xã, huyện của tỉnh Hưng Yên vẫn chưa nhận đủ tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch. Cuộc sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Chính quyền thành "con nợ"

Ngày đầu tháng 9/2019, trò chuyện với PV NTNN về công tác, phòng chống DTLCP của địa phương, ông Lê Văn Duyệt - Chủ tịch UBND xã Yên Hòa (huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) liên tục than thở về tình trạng nợ nần chồng chất tại xã nhà.

img

Sau khi mất lợn vì DTLCP, gia đình bà Trịnh Thị Đạc ở Yên Hòa chăn nuôi gà trong chuồng lợn. Ảnh: H.Đ

"Bên cạnh việc chi trả tiền hỗ trợ, địa phương cũng cần phải lập kế hoạch tái đàn lợn và chăn nuôi cụ thể để định hướng cho người dân làm ăn bền vững, có thu nhập ổn định hơn”.

Bà Trịnh Thị Đạc

"Sau gần 8 tháng chống cự DTLCP, đến nay chúng tôi đã thành "con nợ" thật rồi. Không tính tiền hỗ trợ cho bà con chăn nuôi lên tới cả chục tỷ đồng, riêng chi phí cho công tác phòng chống, tiêu hủy lợn dịch như thuê vận chuyển lợn dịch đi chôn 250 triệu đồng, máy móc đào hố, chôn lấp trên dưới 100 triệu đồng... Tính sơ sơ các khoản đã lên đến tiền tỷ. Cứ vài ba ngày lại có người đến xã đòi nợ mà xã chưa tìm được nguồn nào để trả" - ông Duyệt nói.

Để minh chứng cho lời nói của mình, ông Duyệt gọi kế toán xã cầm lên phòng mình 2 túi hồ sơ, giấy tờ hỗ trợ sau tiêu hủy lợn dịch.

"Có hơn 200 bộ hồ sơ mà làm đi làm lại 5, 6 lần chưa gửi đi được khiến tiền hỗ trợ cho các hộ dân cũng bị chậm lại quá lâu, bà con gọi hỏi liên tục nhưng chúng tôi cũng chịu, đành khất tiếp thôi" - ông Duyệt ngậm ngùi.

Theo ông Duyệt, đến thời điểm này, toàn xã Yên Hòa đã bị chết và phải tiêu hủy trên 3.000 con lợn, với hơn 200 hộ dân bị thiệt hại nặng. "Đến nay, dịch đã giảm dần nhưng chúng tôi vẫn làm quyết liệt công tác phòng, chống dịch. Trước mắt để hỗ trợ bà con, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động mọi người không vội tái đàn khi xã còn dịch" - ông Duyệt chia sẻ.

Ông Duyệt cho biết thêm, quan điểm của địa phương là sắp tới sẽ cấm chăn nuôi trong khu dân cư và đưa chăn nuôi lợn ra khu vực quy hoạch để vừa đảm bảo môi trường, vừa giúp bà con chăn nuôi an toàn hơn.

Cùng hoàn cảnh với Yên Hòa, nhiều xã tiếp giáp bên cạnh cũng đang đau đầu vì nợ nần.

Ông Trần Văn Tôn - Chủ tịch UBND xã Đồng Than, huyện Yên Mỹ cho hay: Ngoài tiền hỗ trợ của dân, xã đang còn nợ hơn nửa tỷ đồng tiền công, thuê máy móc, xe vận chuyển lợn dịch đi tiêu hủy.

Sau khi bị nhiễm DTLCP từ ngày 28/2 đến ngày 1/8 vừa qua, xã Đồng Than mới chính thức công bố hết dịch. Tổng số lượng lợn tiêu hủy lên đến hơn 3.000 con với trên 200 tấn lợn hơi.

"Hiện toàn bộ quỹ dự phòng của xã đã dùng hết để mua hóa chất, vôi bột phục vụ công tác phòng, chống và tiêu hủy lợn dịch nên nếu không được huyện, tỉnh cấp tiền về thì chúng tôi sẽ rất khó khăn" - ông Tôn khẳng định.

Càng nuôi càng nợ nần

Là một trong những hộ chăn nuôi lợn bị  DTLCP tấn công đầu tiên, đến nay gia đình ông Lê Văn Bộ ở thôn Khóa Nhu 2 (xã Yên Hòa, huyện Yên Mỹ) vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Hôm chúng tôi tìm đến nhà hỏi chuyện, ông Bộ tỏ vẻ không muốn gặp. Khi thấy khách ngó vào chuồng trại, ông mới chạy từ nhà ra phân trần: "Chuồng trại khử trùng kỹ và để qua mấy tháng rồi, mấy hôm trước tôi mới mua vài con lợn về nuôi thử nghiệm thôi".

Ông Bộ cho biết, dù biết chính quyền cấm tái đàn nhưng giờ chuồng trại để trống cũng tiếc nên gia đình mới liều đưa lợn về nuôi thử. Do nợ nần nhiều nên cứ thấy ai nhắc đến nuôi lợn, ông Bộ lại sầu não. “Giờ gia đình tôi đang cơ cực quá, tiền vay nợ để lâu lãi mẹ đẻ lãi con mà không biết lấy gì để trả" - ông Bộ nói.

Cùng thôn với gia đình ông Bộ, hộ bà Trịnh Thị Đạc cũng đang rất bí bách, cùng đường. Từ khi mất lợn, vợ chồng bà Đạc lao vào nuôi gà đẻ trứng mong vớt vát lại chút vốn và trả nợ nhưng càng nuôi, giá trứng gà càng giảm sâu khiến gia đình bà  càng lỗ nặng hơn.

"Ở nông thôn giờ không nuôi lợn, gà thì chẳng biết làm gì để sống, mà giờ càng chăn nuôi càng lỗ nặng, nợ nần ngập đầu, chúng tôi thực sự mất phương hướng, cùng đường rồi" - bà Đạc bày tỏ.

Để bà con sớm khôi phục lại chăn nuôi, bà Đạc và người dân ở Yên Hòa rất mong chính quyền sớm chi trả tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch để bà con có tiền để trả nợ và đầu tư chăn nuôi, ổn định cuộc sống trở lại.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quang Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hưng Yên cho biết: Trước tình hình bệnh DTLCP vẫn đang diễn biến phức tạp, bà con có thể tạm thời chuyển hướng sang chăn nuôi các vật nuôi khác.

Đặc biệt, không nên nôn nóng tái đàn lợn vào thời điểm này do mầm bệnh, nguồn virus của bệnh DTLCP có khả năng sinh tồn cao, việc vận chuyển lợn từ nơi này sang nơi khác có thể dẫn tới nguy cơ tái phát ổ dịch nếu không áp dụng các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt.

"Những trường hợp người dân tự ý tái đàn lợn khi chưa có sự cho phép của ngành chức năng và các địa phương sẽ bị xử lý vi phạm, đồng thời khi lợn bị ốm, tái phát bệnh DTLCP phải tiêu hủy sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem