Sau đấu thầu gạo giá thấp, Lộc Trời làm cách nào đạt lợi nhuận năm 50 tỷ đồng?

Nguyễn Phương Thứ ba, ngày 25/06/2024 15:29 PM (GMT+7)
Lộc Trời đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 50 tỷ đồng cho cả năm 2024 mặc dù quý I/2024, doanh nghiệp này đang lỗ đậm gần 100 tỷ đồng và vừa mới trả xong tiền nợ mua lúa của nông dân.
Bình luận 0

Lỗ đậm trong quý I, Lộc Trời vẫn lên kế hoạch lãi 50 tỷ đồng năm 2024 

CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) vừa cập nhật tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024. Năm nay, công ty này đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ, nhưng thấp hơn nhiều so với mức lãi hàng trăm tỷ đồng các năm trước đó.

Một điểm mới trong tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 là công ty đề ra mục tiêu cổ tức giai đoạn 2024 – 2025. Theo đó, tổng giá trị chi trả cổ tức là 30% lợi nhuận sau thuế mỗi năm bằng hình thức cổ phiếu. Như vậy, công ty sẽ không chia tiền mặt đến hết năm 2025 (lần trả cổ tức tiền mặt gần nhất là vào tháng 10/2022 đối với phần cổ tức của năm 2021).

Như dư luận đã biết, Lộc Trời đã trúng thầu 100.000 tấn gạo cung ứng cho Cơ quan Hậu cần Nhà nước Indonesia (Perum Bulog), trên tổng số 300.000 tấn mà Bulog đấu thầu vào đợt này.

Trong đó, công ty mẹ Lộc Trời trúng thầu 60.000 tấn và là lần trúng thầu thứ 6 tính từ tháng 8/2023 đến nay. Công ty thành viên là Nông nghiệp Công nghệ cao Đại Tài cũng có lần đầu tiên trúng thầu với sản lượng 40.000 tấn gạo xuất sang Indonesia.

Toàn bộ đơn hàng sẽ được giao trong 2 tháng, hình thức thanh toán thông qua tín dụng thư (LC). Lộc Trời và công ty thành viên sẽ thu về trên 55 triệu USD (tương đương trên 1.300 tỷ đồng) khi hoàn tất.

Lộc Trời cho rằng mức giá của đơn hàng trên phản ánh tình hình thị trường lúa gạo hiện tại, đúng phẩm cấp chất lượng gạo theo yêu cầu, có tính thời điểm và không làm ảnh hưởng tới các đợt đấu thầu tiếp theo cũng như giá xuất khẩu.

Sau đấu thầu gạo giá thấp, Lộc Trời làm cách nào đạt lợi nhuận năm 50 tỷ đồng?- Ảnh 1.

Lộc Trời đã đưa ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế là 50 tỷ đồng cho cả năm 2024 mặc dù quý I/2024, doanh nghiệp này đang lỗ đậm gần 100 tỷ đồng (ảnh minh họa).

Câu hỏi lúc này là Lộc Trời làm thế nào để đạt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 50 tỷ đồng được đặt ra cho năm nay, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ trong bối cảnh quý I/2024 vừa qua, công ty kinh doanh không mấy thuận lợi.

Cụ thể, quý I/2024, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng tới 57% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu tăng trưởng chủ yếu đến từ ngành lương thực với mức tăng trưởng 96% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.284 tỷ đồng.

Doanh thu tăng nhanh nhưng không bằng biên độ tăng của giá vốn hàng bán dẫn đến lợi nhuận gộp của công ty giảm gần 10% xuống còn 245 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Lộc Trời đạt 33 tỷ đồng, giảm 46% so với quý I/2023, chủ yếu là do sụt giảm lãi tiền gửi, tiền cho vay.

Ở chiều ngược lại, chi phí tài chính của công ty tăng hơn 28% lên 188 tỷ đồng, phần lớn là chi phí lãi vay và khoản lỗ tỉ giá hối đoái.

Sau khi trừ các khoản chi phí, Lộc Trời lỗ hơn 96 tỷ đồng trong quý I/2024, cao hơn so với mức lỗ 81,2 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước..

Giải trình chênh lệch lợi nhuận, Lộc Trời cho biết, do tỉ trọng giá vốn hàng bán trên doanh thu thuần năm nay cao hơn so với cùng kỳ (giá vốn tăng 65% trong khi doanh thu chỉ tăng 57%), cộng với chi phí lãi vay và khoản lỗ do tỷ giá tăng nhanh hơn mức tăng của các khoản doanh thu/thu nhập khác nên lãi ròng của doanh nghiệp đã giảm mạnh.

Vừa tháng trước, Tập đoàn Lộc Trời mới giải quyết xong được vụ lùm xùm nợ tiền mua lúa của nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tập đoàn phải phối hợp với Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã cổ phiếu TPB) hoàn tất thanh toán tiền lúa vụ Đông Xuân 2023 – 2024 với số tiền khoảng 472 tỷ đồng.

Xuất khẩu gạo tích cực, Lộc Trời hy vọng cao ở ngành cốt lõi...

Lộc Trời cho rằng xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực do nhu cầu từ các thị trường lớn vẫn ở mức cao.

Việc Chính phủ Philippines thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028 sẽ hỗ trợ các nhà nhập khẩu có thể mua nhiều gạo hơn. Đây là cơ hội cho các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bao gồm Việt Nam – nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Philippines, chiếm tới 80% thị phần vào năm ngoái.

Bên cạnh đó, giá gạo của Việt Nam cũng đang có xu hướng giảm và khá cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Còn tại ndonesia, nước này sẽ phải nhập gạo nhiều hơn, dự kiến có thể đạt tới 3,6-4 tấn trong năm nay.

Xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2024 dự báo sẽ khởi sắc khi các thị trường lớn tăng khối lượng nhập khẩu. Các nước đang nghe ngóng xem Ấn Độ có dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu cấm xuất khẩu gạo do ElNino, khả năng đến tháng 9 chưa dỡ bỏ, đây là cơ hội cho Việt Nam.

Do đó, về định hướng hoạt động từ nay đến cuối năm 2024 và cả năm 2025, với nền tảng hoạt động kinh doanh cốt lõi và tăng trưởng cao ở ngành lương thực, vật tư nông nghiệp..., Lộc Trời sẽ nỗ lực và quyết tâm chinh phục mục tiêu doanh thu, lợi nhuận cao nhất có thể cho năm nay.

Tập đoàn sẽ chú trọng cải thiện dòng tiền từ hoạt động kinh doanh với việc rút ngắn chu kỳ thu tiền từ khách hàng, giúp thanh toán tiền mua lúa gạo của nông dân và thanh toán công nợ.

Năm 2024, Tập đoàn sẽ tăng cường doanh số ngành vật tư nông nghiệp, tăng doanh số ngành giống. Đồng thời cân đối cán cân tài chính vốn để đảm bảo hài hòa cơ cấu vốn, tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu.

Về hoạt động đầu tư và phát triển, Lộc Trời lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An.

Dự án này đã có giấy phép đầu tư, mặt bằng sạch. Khi nhà máy đi vào hoạt động, Tập đoàn phấn đấu nâng mục tiêu tổng công suất sản xuất gạo thành phẩm lên 15.000 tấn/ngày vào năm 2028.

Sau khi hoàn tất thanh toán tiền lúa cho bà con nông dân khu vực ĐBSCL sau sự cố dòng tiền, đồng thời tái cấu trúc tài chính để tăng cường và ổn định dòng vốn hoạt động sản xuất kinh doanh, Lộc Trời sẽ tham gia sâu vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao được Chính phủ phê duyệt.

Sau đấu thầu gạo giá thấp, Lộc Trời làm cách nào đạt lợi nhuận năm 50 tỷ đồng?- Ảnh 2.

Lộc Trời sẽ tham gia sâu vào Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao được Chính phủ phê duyệt (ảnh minh họa).

Theo Lộc Trời, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp hiện nay là biên độ lợi nhuận ngành lúa gạo rất thấp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố bất khả kháng như bất thường về thời tiết, sâu bệnh hoặc các sự cố bất ổn liên quan đến an ninh lương thực thế giới… 

Đây là nguyên nhân khiến gia tăng đang kể các khoản phải thu, nợ ngắn hạn và có thể tạo ra sự mất cân bằng trong cán cân tài chính, gây nên sự cố về dòng tiền, như trong thời điểm vừa qua.

Lộc Trời cho biết, để đối phó, doanh nghiệp đã hoàn tất những bước cuối cùng trong thỏa thuận vay trị giá 90 triệu USD (tương đương 2.200 tỷ đồng) với Ngân hàng FMO thuộc Chính phủ Hà Lan; đàm phán với các ngân hàng trong và ngoài nước có cùng định hướng phát triển nông nghiệp bền vững để đồng hành lâu dài, thống nhất các khoản tài trợ trung - dài hạn và dòng vốn ngắn hạn, hạn chế tối đa các nút thắt về dòng tiền trong tương lai.

Theo Lộc Trời, trong năm nay tính đến ngày 14/5/2024, LTG đã xuất khẩu gần 100.000 tấn gạo, trị giá gần 63 triệu USD (trên 1.500 tỷ đồng) và đang hoàn thành các đơn hàng khác vào nửa cuối quý II/2024.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem