Sau Khaisilk, đo lại nỗi lòng thương gia Việt

Thứ bảy, ngày 11/11/2017 08:00 AM (GMT+7)
Hàng Việt thương hiệu cao cấp được thị trường thế giới chấp nhận còn ít quá. Trong số đó, Khaisilk là một cái tên hiếm hoi. Và nay thì… hỏng rồi.
Bình luận 0

Tháng 3 năm nay, đi họp ở DC, Hoa Kỳ, tôi tìm mua một món quà Việt Nam tặng đối tác Mỹ. Vào Whole Foods, thấy nhiều hàng nhãn hiệu Việt Nam, hữu cơ và thượng hạng, nhưng lại toàn sản xuất ở nước khác, có khi do người Việt (Việt kiều) sản xuất. Người hướng dẫn đoàn khuyên, thôi hãy mua càphê Trung Nguyên sản xuất công nghiệp, bán nhiều ở siêu thị, tuy không phải loại cao cấp nhất nhưng vẫn đang được người Mỹ mua nhiều. Lúc đó mình mua tặng khách, họ vẫn vui lắm, nhưng tôi vẫn cứ ngấm ngầm ước gì tìm mua được loại càphê hữu cơ, premium hơn, chắc phải hiếm, khó tìm hơn, giá cao hơn nhưng cần, khi khách có mục đích đặc biệt và sẵn sàng trả giá cao. Nhưng hàng Việt thương hiệu cao cấp được thị trường thế giới chấp nhận còn ít quá. Trong số đó, Khaisilk là một cái tên hiếm hoi. Và nay thì… hỏng rồi.

img

Bà Nguyễn Thị Thu Trang (trái), chủ tịch TS Group, sắp đại diện phụ nữ doanh nhân Việt đi thi Hoa hậu quý bà thế giới. TS Group của bà Thu Trang cũng làm ăn kiểu bán hàng giả, hàng lậu, sau vụ Khaisilk, tai tiếng vụ kem trộn, mỹ phẩm handmade.

Hàng việt cao cấp khổ vì Khaisilk…

Cho nên khi Thế Giới Tiếp Thị cùng tổ chức diễn đàn “Phát triển tài nguyên bản địa” với báo điện tử TheLeader, tôi chợt nhớ lại tâm trạng hôm đi tìm càphê Việt cao cấp ở Washington khi nghe chị Nguyễn Thị Kim Hạnh, bà chủ của thương hiệu càphê mới Yellow Chair Specialty Coffee kể chuyện chặng đầu đi chinh phục của chị. Chị nói, thế giới có 26 nước trồng được càphê, cung cấp cho 196 nước. Hạt càphê robusta nguyên liệu của Việt Nam trồng ở Ban Mê Thuột, Lâm Đồng cũng được chuyên gia thế giới nhìn nhận là chất lượng hiếm có. Vậy mà cứ bị xếp hạng áp chót. Gia đình chị ba đời trồng càphê, khi quay lại đồn điền cũ, tìm hiểu, chị thấy, bây giờ, nông dân hái càphê khi chưa chín, phơi sai kỹ thuật, đến tay người bán thì pha chế lung tung. Người Việt mình quen uống kiểu 3Đ: đen, đắng, đậm. Nhưng càphê thật đang xếp hạng cao trên thế giới không phải vậy: càphê chỉ đắng nhẹ mà có hậu ngọt, thơm mùi hương trái quả và màu nâu lợt. Và công ty của chị đã đi những bước rất khác để chinh phục thế giới càphê cao cấp.

Chặng đường gian khó đó chưa biết khi nào mới thành công, thì mới đây tôi đọc thấy bài phỏng vấn chị trên một báo nước ngoài. Chị bày tỏ lo lắng việc bán hàng cao cấp Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực vì kiểu làm ăn gian dối của Khaisilk: “Chuyện ông Khải silk khiến chúng tôi lo thật sự. Hậu quả rất hiển nhiên là: trước đây những người có tiền, có thể mua sản phẩm giá cao thì tin vào chất lượng tốt nên không e dè khi mua. Nhưng sau vụ Khải silk, những người đang bán hàng chất lượng cao, giá cao đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Họ sợ bị lừa mua phải hàng ‘made in China’ ”.

Nhưng không chỉ có thế. Cần quay lại căn gốc vấn đề…

Sự nghi ngờ chất lượng hàng Việt lâu nay đã có sẵn trong đầu người tiêu dùng Việt. Họ thường bị lừa hay ít nhất là gặp hàng chất lượng không ổn định, chất lượng thấp hơn lòng tin của họ. Bàng bạc khắp nơi nạn len lách, thích nghi, chạy, lo, biết điều từ nhỏ tới lớn, từ cấp xã, phường đã có hệ thống “luật” rồi. Kinh doanh ở Việt Nam, mọi người mặc nhiên chấp nhận là phải ít nhiều “gian lận bởi môi trường”. Hôm đó tôi nhớ chị Kim Hạnh có kể: vận chuyển hàng dọc đường, cứ chi phí là 2 triệu thì tiền “biết điều” cũng chừng ấy, tức đã đội lên gấp đôi. Quá nhiều chi phí dưới bàn và bán chính thức, đẩy giá thành hàng hoá lên cao, kéo lợi nhuận xuống thấp, thấp dần cho đến… phải giảm chất lượng (là thứ mà người tiêu dùng không dễ nhận ra tức thì) để cạnh tranh, và đi đến hệ quả là mất dần niềm tin của người tiêu dùng. Nhìn chung, do môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa minh bạch, chưa tạo thuận lợi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách công bằng, nên lại càng khó với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng chất lượng cao, có thương hiệu mạnh, vì họ cần lòng tin  mạnh mẽ của người tiêu dùng, do sản phẩm có chi phí sản xuất cao, chí phí duy trì thương hiệu cao nên buộc phải bán giá cao, thử thách quyết liệt lòng tin của người mua. Chính sách ảnh hưởng sự phát triển của tất cả doanh nghiệp và đông đảo nhất là hơn 90% tổng số doanh nghiệp là ở quy mô vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng bởi môi trường kinh doanh hiện nay.

Chúng ta biết là có mười chỉ số chính cấu thành hệ thống chỉ số của môi trường kinh doanh gồm: (1) thủ tục về khởi sự kinh doanh; (2) thủ tục về cấp phép xây dựng; (3)tiếp cận điện năng; (4) thủ tục đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản; (5) thủ tục và khả năng tiếp cận tín dụng; (6) đảm bảo thực thi các quy định bảo vệ nhà đầu tư; (7) về nộp thuế và bảo hiểm xã hội; (8) giao dịch thương mại qua biên giới; (9) giải quyết tranh chấp hợp đồng; và (10) giải quyết phá sản doanh nghiệp, tức khi doanh nghiệp chết lâm sàng thì cho đem chôn.

Chừng ấy chỉ số, cải thiện thế nào, chặng đường sao mà dài?

Quá nhiều chi phí dưới bàn và bán chính thức, đẩy giá thành hàng hoá lên cao, kéo lợi nhuận xuống thấp, thấp dần cho đến… phải giảm chất lượng...

Sau những ngày dư luận giận dữ vì kiểu Khaisilk làm ăn gian dối, ông Nguyễn Thái Hùng, từng là giám đốc công ty may nổi tiếng miền Tây Nam bộ, May Tây Đô, viết thư tâm sự với tôi rằng “thấy người ta “lên án” doanh nhân rầm rộ, tôi thấy doanh nhân cô đơn quá. làm sao để xã hội đừng cứ nghe đến doanh nhân là nghĩ họ lừa dối, lường gạt. Phải thấu hiểu hoàn cảnh của họ rằng để tồn tại, họ phải “linh hoạt” đủ kiểu và rồi có những người quản lý lỏng lẻo hay quy hàng tiêu cực mà thất bại.

Tôi vừa nghe phóng sự cuộc giao lưu của Jack Ma với một cử toạ đông đảo tại Hà Nội sáng nay. Tỉ phú này có nhiều lời khuyên cần nghe và khuyến khích mạnh mẽ thanh toán điện tử. Tôi chợt nghĩ, Việt Nam ta, 50% dân đã xài điện thoại thông minh (smartphone) nhưng có bao nhiêu người sử dụng thanh toán qua ngân hàng? Sau ông Khải, đã có ngay cô Thu Trang kem trộn, mỹ phẩm handmade (sắp đại diện phụ nữ doanh nhân Việt đi thi Hoa hậu quý bà thế giới?!) cũng làm ăn kiểu bán hàng giả, hàng lậu qua mặt tất cả các khe hở của quản lý. Vẫn là cách quản lý: rất chặt với người làm ăn đàng hoàng và đầy khe hở cho bọn bất lương, vẫn môi trường ấy thì có 1.000 ông Jack Ma cũng bó tay thôi.

— Kim Hạnh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem