Sau nạn tín dụng đen: Dân nghèo ngập trong nợ

Thứ sáu, ngày 24/01/2014 13:55 PM (GMT+7)
Những cơn gió mang theo bụi đỏ khiến bon Sê Rê Ú (xã Đăk Nia, thị xã Gia Nghĩa, Đăk Nông), vốn đã nghèo càng thêm xơ xác. Không khí đón tết của những hộ đồng bào người M’Nông, Mạ thật ảm đạm.
Bình luận 0
Mới đầu giờ chiều mà Sê Rê Ú vắng tanh, chỉ thi thoảng mới gặp mấy cụ già ra hiên hóng nắng và từng tốp con nít nhem nhúa núp dưới đám cà phê cằn ngó khách lạ. Nhưng nhìn những đống trấu cà phê to ụ bên mấy căn nhà được xây dựng theo Chương trình 134 ở phía đầu đường tôi lại nghĩ cuộc sống sung túc đã len lỏi đến nơi này.

Ngập trong nợ


“Thấy vậy mà không phải vậy”- ông Lê Văn Thọ chủ cửa hàng tạp hóa ngay đầu bon “đính chính” suy nghĩ của tôi. Chỉ tay về ngôi nhà bên cạnh: “Đấy, cứ sang hỏi ông K’Du- cán bộ bon, anh sẽ rõ”. Ông Thọ vào đây thuê nhà K’Thanh mở tiệm tạp hóa được hơn 1 năm. Chỗ này xa chợ, tiệm tạp hóa của ông Thọ đương nhiên “độc quyền”, cung cấp hầu hết nhu yếu phẩm trong bon với giá cả phải chăng.

Thế nhưng mỗi ngày vợ chồng ông cũng chỉ kiếm được vài chục ngàn từ việc buôn bán. Cá khô thì còn chạy chứ thịt, mỗi ngày 2kg bán không trôi. Vào vụ cà phê, thịt và cá tươi cũng bán được dăm bảy ký nhưng cũng chỉ được mấy ngày lại ế. Đã thế, đồng bào trong bon chẳng ai mà không nợ ông, ít thì dăm trăm nhiều thì dăm triệu. Họ nợ ông từ bao gạo, ký cá cho đến những thứ nhỏ nhất như gói mì, cái trứng… Nợ mãi từ đầu năm cho đến khi thu được cái mì, hạt cà phê mới trả nhưng vừa trả xong lại nợ…

Dính vào tín dụng đen, nhiều hộ dân ở Đăk Nia (Đâk Nông) mất tết.
Dính vào tín dụng đen, nhiều hộ dân ở Đăk Nia (Đâk Nông) mất tết.

“Mới đầu mùa khô mà đã thiếu nước”- câu nói bực dọc của ông K’Du khiến cuộc nói chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng. “Chẳng phải công trình nước sạch sừng sững ngay đây sao?”. “Nó để làm cảnh thôi, hư mấy năm rồi”- ông K’Du vẫn cái giọng ấy. Chuyện cái bồn nước cũng lắm nhiêu khê nhưng chuyện nhà ông K’Du mới thực sự đáng quan tâm. So với nhiều hộ, ông này thuộc diện khá nhất nhì bon. Với gần 2ha cà phê lẽ ra cuộc sống của 6 người trong gia đình của ông phải sung túc. Thế mà ông bảo chẳng biết bị dính nợ tự bao giờ, rồi nợ cứ triền miên đến tận bây giờ, cứ vừa dứt nợ lại nợ…

Nặng nhất là năm nay (tính theo lịch âm), đầu năm ông đi viện nên phải vay 50 triệu đồng. Cuối năm, cộng cả lãi ông K’Dú phải trả đến 74 triệu đồng. Thời điểm ông K’Du trả nợ, giá cà phê chưa đến 30 triệu/tấn, muốn đợi giá nhích lên một chút nhưng chủ nợ không chịu. Vậy là 4 tấn cà phê vừa thu được, ông đã phải bỏ ra 2,5 tấn cho khoản vay bà Mến. Số còn lại trả gạo, mắm ăn trong năm vẫn chưa đủ. Ông K’Du tính, trả hết chỗ cà phê thu được vẫn còn nợ hơn trăm triệu. “Nếu đợt này, ngân hàng chịu giải ngân, cho vay 100 triệu như họ hứa thì coi như đời tôi đã được hưởng phước”- ông K’Du nói.

Cốc mò cò xơi


Câu chuyện của ông K’Du khiến tôi dần hình dung ra bức tranh Sê Rê Ú. Cuộc nói chuyện giữa ba chúng tôi bắt đầu kéo dài lê thê quanh cái nợ nần của người dân ở trong bon. Ông K’Du bảo, chẳng riêng gì ai, cả bon này từ K’Bình (bon trưởng), K’Đức (xã đội) đến người dân bình thường đều nợ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng với khoản lãi cắt cổ từ 40- 60%/năm. “Thằng K’Song bên kia giờ chắc phải nợ đến hơn 200 triệu. Bữa nó thu cà phê tôi phải bảo nó giấu bớt đi để trả tiền phân bón”- ông Thọ nói.

Theo ông K’Du và ông Thọ thì dân vay tiền là để đầu tư cho cây cà phê. Nhưng với khoản lãi kinh hoàng đó, người dân chẳng khác nào đang làm thuê không công cho chủ nợ. Dân có rẫy cà phê, chủ nợ cho vay để đầu tư. Khi hạt cà phê vừa khô sạch là chủ nợ đến lấy trừ nợ. Trong khi, đầu mùa giá cà phê luôn ở mức thấp nhất trong năm thì cũng là lúc dân phải trả nợ. Bản chất thật thà, tự trọng, đồng bào M’Nông, Mạ không bao “dây dưa” nếu trong nhà có tiền. Có lẽ chủ nợ cũng hiểu điều đó nên đã lợi dụng một cách triệt để. Ngoài số tiền lãi, chỉ cần chủ nợ trữ cà phê đợi giá lên cao rồi bán là đã có thêm một khoản lợi kếch xù.

“Bon có 84 hộ thì may ra có thằng K’Thanh, nhờ tôi can ngăn mà không vay lãi nóng còn lại chẳng ai thoát khỏi. Thậm chí nhiều người phải bán cà phê non với giá chỉ từ 25-30 triệu đồng/tấn. Vào vụ cà phê, cứ nghe nhà nào nổ máy xay là bà Mến chạy vào, tính toán, cân đo rồi gọi chồng vào chở cà phê về”- ông Thọ nói. Đi dọc một lượt qua Sê Rê Ú, tôi mới dám tin lời ông Thọ là thật. Ở đấy, nhà nhà vay nặng lãi. Họ chẳng bị ép mà thậm chí phải đi cầu xin để được vay.

Cơ cực những cảnh đời


Mặt trời đã gần xuống núi nhưng vợ chồng K’Song vẫn còn ở đâu trên rẫy, họ ngày nào cũng thế, quần quật quanh năm mà không đủ cái ăn. Trong nhà chỉ có H’Nhung, con gái đầu của K’Song, đang cực nhọc dỗ đứa em út đang khóc ré lên từng chập. “Bố nợ bao nhiêu cháu đâu có biết, chỉ thấy vừa xay cà phê xong bà Mến đã vào chở đi hết”- H’Nhung nói với tôi. Nhà K’Song được Nhà nước xây cho theo Chương trình 134. Ngoài 4 bức tường, bên trong chẳng có thứ gì ngoài mớ quần áo và mấy tấm chăn xỉn màu đất đỏ. Nhìn đứa trẻ trên tay H’Nhung tôi ái ngại, chẳng biết nó phải chịu cái lạnh thấu xương trên đỉnh đồi hun hút gió này đến bao giờ nữa. Nếu đúng như ông Thọ nói, với 200 triệu tiền lãi nóng, chưa chắc đến khi đứa con út của K’Song lên lão đã trả hết được. Bởi mấy sào cà phê của K’Song mỗi năm thu được chừng vài chục triệu, nhiều lắm chỉ đủ để trả khoản lãi. Còn con cái, ăn uống và hàng trăm thứ không thể không có, trong khi ngoài cây cà phê, may ra K’Song kiếm thêm vài triệu tiền từ cây mì và dăm chục ngày công làm thuê mỗi năm…

Được biết, tỉnh Đăk Nông có chính sách hỗ trợ lãi suất cho đồng bào tại chỗ khi vay vốn ở ngân hàng thương mại. Nhưng ở bon Sê Rê Ú, theo ông K’Du thì hiện chỉ có 4 hộ đang được xem xét hồ sơ. Còn các chương trình vay khác, theo ông Thọ dân khó tiếp cận mà có vay được cũng chẳng thấm vào đâu.

Khi ra ở riêng, vợ chồng K’Tang được chia 3ha cà phê, Nhà nước xây cho căn nhà. Mấy năm lấy vợ K’Tang sinh liền 3 con. Trước K’Tang thuộc diện hộ nghèo nhưng bước sang năm nay chỉ còn là hộ cận nghèo. 1 tấn cà phê vừa thu xong K’Tang đã trả nợ sạch, trong nhà bây giờ chẳng có lấy một xu. “Nếu chẳng nợ, ráng đợi giá cà phê lên cao chút rồi bán thì còn có cái ăn. Giờ chẳng biết lấy gì ăn tết, chắc phải vay thôi!”- K’Tang thở dài.

Cách nhà K’Tang mấy chục bước chân, chốc chốc bà H’Nia lại ra sân thăm mấy mẹt cà phê vừa mót được ngoài vườn. Dường như bà đang rất nóng lòng mong chỗ cà phê kia chóng khô để bán lấy mấy chục ngàn. Nhà bà cũng có cà phê, nhưng vừa thu xong bà Mến đã vào lấy hết để trừ nợ…
Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem