Món ăn nhìn đã sợ, giá 1kg bằng cả tạ thóc nhưng thử một lần nghiện cả đời
Nguyễn Tố
Thứ năm, ngày 04/11/2021 06:29 AM (GMT+7)
Ở thời điểm hiện tại sâu tre được bán với giá 500-600.000 đồng/kg, thậm chí sau khi chế biến có thể lên tới cả triệu bạc mỗi kg; vì thế sâu tre thực sự là món ăn không rẻ nhưng rất đáng để thử một lần trong đời.
Sâu tre (hay còn gọi là sâu măng) không phải là món ăn lạ, cứ mùa Thu là có; và cũng phải là đặc sản của riêng vùng đất nào. Ở Tây Bắc, sâu tre thường có ở Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, hay vùng miền núi Mường Lát (Thanh Hóa) cũng phổ biến món ăn này. Thế nhưng nó là sản vật của thiên nhiên, nên không phải cứ muốn là có, thích là mua được, bởi vậy nếu gọi sâu tre là món ăn hiếm cũng chẳng quá lời.
Nếu vào rừng và thấy những thân tre còn non mà đã bị héo phần ngọn, thân xuất hiện những lỗ đục nhỏ, thì chắc chắn cây tre đó có sâu. Lúc này chỉ cần hạ cây tre sâu xuống, dùng dao khéo léo chẻ dọc thân tre là lộ ra những chú sâu béo múp, trắng ngần.
Sâu tre dài cỡ 2 đốt ngón tay, khi còn trong đốt tre có màu trắng đục, nhìn giống sâu chít nhưng khác ở điểm ăn giòn, ngậy hơn và thường được người dân chế biến thành nhiều món ngon thay vì ngâm rượu như sâu chít.
Sâu tre ngon nhất vào độ tháng 9-10 âm lịch, đây là thời gian sinh sản của chúng nên sâu tre thường béo, ngậy. Mùa sâu tre cũng khá ngắn, chỉ tầm hơn 1 tháng là đứt lứa nên nhiều thương lái tranh thủ mua gom, cấp đông và chuyển cho các nhà hàng, quán ăn hoặc gửi về xuôi.
Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid nên việc vận chuyển cho các nhà hàng, quán ăn ở Hà Nội khó khăn hơn, nhờ đó nguồn cung sâu tre ở các tỉnh miền núi phía Bắc cũng dồi dào hơn, nhưng không vì thế mà giá rẻ.
Chị Lê Thanh Huyền, người chuyên thu gom sâu tre ở TP. Điện Biên cho hay: Năm nay giá thu mua từ những người chuyên khai thác dao động khoảng 400-450.000 đồng/kg, chị Huyền bán ra thị trường 550.000/kg sâu tre cấp đông và khoảng 650.000 đồng/ sâu tre tươi.
Theo chị Huyền, giá sâu tre tươi đắt hơn vì hàng tươi ăn ngon, béo ngậy, sâu không bị mất nước nên giòn, ngọt. Tuy nhiên, bảo quản được sâu tre tươi rất khó, thường chỉ đảm bảo trong ngày, do đó muốn vận chuyển đi xa chỉ có cách luộc qua, cấp đông, "cách này tuy không ngon như sâu tre tươi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng được 80% và có thể bảo quản được cả tháng vẫn tươi ngon" – chị Huyền khẳng định.
Sâu tre – không phải cứ có tiền là mua được
Sâu tre có thể chế biến được rất nhiều món ngon, nhưng đơn giản nhất, ngon nhất là sâu tre rang giòn với lá chanh, cuốn lá lốt chấm nước măng chua. Đây là cách chế biến của người Thái, kết hợp giữa vị giòn ngậy của sâu tre, vị thơm nồng của lá lốt và vị chua dịu, thanh thanh của nước măng.
Sau khi rửa sạch sâu tre, để ráo nước thì phi thơm tỏi đã bằm nhỏ rồi trút sâu tre vào để lửa lớn, đảo nhanh tay, khi sâu giòn vàng thì cho thêm lá chanh thái sợi, đảo đều rồi trút ra đĩa.
Bà Lò Thị Tuyến, chủ nhà hàng Dân tộc quán ở TP. Điện Biên (Điện Biên) tiết lộ: "Món sâu tre luôn là món được gọi nhiều nhất và hết nhanh nhất của quán. Nhiều người ban đầu e dè không dám ăn, nhưng khi đã thưởng thức thì đều phải gật gù vị hương vị độc đáo của món ăn này".
"Sâu tre được coi là thực phẩm sạch, lại chỉ có theo mùa nên thực khách đến đây chúng tôi đều gợi ý nên ăn thử, nhiều người ăn xong đặt mua mang về nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng có đủ hàng để cung cấp" – bà Lò Thị Tuyến cho hay.
Cùng với những đặc sản hấp dẫn khác như cá nướng pa pỉnh tộp, thịt lợn băm nướng lá chuối, xôi nếp ngũ sắc… sâu tre làm nên sự phong phú của ẩm thực của người Thái, góp phần tạo nên những giá trị văn hóa độc đáo của miền núi phía Bắc mà bất cứ ai trải nghiệm một lần, đều không dễ quên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.