SBIC dự kiến lỗ 2.884 tỷ, DATC tiếp tục “gánh” 20.614 tỷ đồng nợ phải thu

P.V Thứ hai, ngày 10/06/2019 15:40 PM (GMT+7)
Trong bối cảnh Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) – Công ty mẹ, đặt mục tiêu lỗ trước thuế 2.884 tỷ đồng trong năm 2018, Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã tiếp tục phải “gánh” khoản nợ phải thu tại SBIC (tiền thân là Vinashin) lên tới hơn 20.614 tỷ đồng.
Bình luận 0

img

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) - tiền thân là Vinashin, dự kiến lỗ 2.884 tỷ đồng trong năm 2018. (Ảnh minh hoạ)

Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) mới đây đã công bố báo cáo tài chính năm 2018 đã kiểm toán.

Năm 2018, DATC ghi nhận doanh thu thuần 1.468,2 tỷ đồng, giảm 34,6% so với năm 2017. Song điểm đáng lưu ý trên BCTC của doanh nghiệp này là dù giá vốn hàng bán của DATC giảm mạnh so với năm 2017, nhưng lại chiếm tỷ lệ rất cao, tới hơn 90% so với doanh thu thuần của doanh nghiệp, đạt ngưỡng 1.453,8 tỷ đồng. Điều này đã khiến lợi nhuận từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ của DATC bị “ăn mòn” hơn 96%, chỉ còn 14 tỷ đồng.

Trong năm tài chính 2018, DATC ghi nhận 205 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 6% so với năm 2016. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng ghi nhận thêm 22,1 tỷ đồng thu nhập khác, tăng gần 10 lần so với năm 2017.

Trong khi đó, chi phí tài chính của DATC được hoàn nhập 38,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 82 tỷ đồng, giảm 28%. Còn chi phí bán hàng không phát sinh trong năm tài chính.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế TNDN năm 2018 của DATC đạt 198 tỷ đồng, giảm gần 50% so với năm 2017.

img

DATC hiện vẫn là đầu mối xử lý nợ cho SBIC. (Ảnh: BCTC DATC)

Về cơ cấu tài sản, tính đến hết ngày 31/12/2018, tổng tài sản của DATC ở mức 27.165 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,2%. Trong đó, trong đó tài sản ngắn hạn là 6.655 tỷ đồng, tài sản dài hạn đạt 20.510 tỷ đồng. Nợ phải trả của DATC là hơn 21.406 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với năm 2017.

Trong tổng tài sản của DATC, phần lớn tài sản tập trung ở các khoản phải thu Tổng công ty Công nghiệp Tàu Thủy – SBIC (tiền thân là Vinashin) với quy mô lên đến trên 20.614 tỷ đồng, tăng hơn 800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2018. Có thể nói, DATC hiện vẫn là đầu mối xử lý nợ cho SBIC.

Cụ thể, khoản phải thu lớn nhất của DATC với SBIC là khoản phát hành trái phiếu dài hạn với tổng trị giá 15.406 tỷ đồng. Đây là khoản thu dài hạn đối với SBIC bao gồm gốc và lãi phát sinh tới ngày 31/12/2018 của trái phiếu phát hành để cơ cấu nợ cho SBIC.

Tiếp đó, tới khoản phải thu do SBIC phát hành hối phiếu với tổng trị giá 4.281 tỷ đồng nhằm mua lại trái phiếu quốc tế đã phát hành nhằm tái cơ cấu nợ cho SBIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, các khoản nhỏ hơn bao gồm phải thu lãi trái phiếu trong nước khi SBIC trả nợ trước hạn 15,3 tỷ đồng và phí trái phiếu trong nước - SBIC 7,4 tỷ đồng.

Việc các khoản phải thu từ SBIC vẫn ở mức rất cao như trên (cao hơn năm 2017 khoảng 800 tỷ đồng) cho thấy tiến độ xử lý nợ liên quan đến SBIC vẫn chưa có tiến triển, các chủ nợ của SBIC theo đó vẫn chưa thể trông chờ vào một diễn biến khả quan hơn.

Về phía SBIC, dù chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2018, song theo thông tin từ Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC), năm 2018, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác 2.320 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.291 tỷ đồng. Về lợi nhuận, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu lỗ trước thuế 2.884 tỷ đồng trong năm nay.

Sau 6 tháng đầu năm 2018, tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ - SBIC chỉ đạt vỏn vẹn 242 tỷ đồng, hoàn thành 10,5% kế hoạch năm. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 740 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp này nợ 81,7 tỷ đồng tiền lương và 316 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

Trong nhiều năm qua, SBIC liên tục thua lỗ. Trong các năm 2013, 2014, 2015, 2016, doanh thu của SBIC đều tăng mạnh hơn năm trước, nhưng năm nào SBIC cũng công bố lỗ. Đáng chú ý năm 2015, SBIC lỗ tới 4.699 tỷ đồng.

Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) tiền thân là Vinashin, được thành lập từ năm 1996. Sau thời gian hoạt động thua lỗ nghiêm trọng, ngày 18/11/2010, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt Đề án tái cơ cấu Vinashin nhằm "sớm ổn định sản xuất kinh doanh của tập đoàn, từng bước củng cố uy tín, thương hiệu, giảm lỗ, có lãi, trả được nợ, tích lũy và phát triển".

Ngày 26/7/2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc phê duyệt Đề án tiếp tục tái cơ cấu Vinashin.

Ngày 21/10/2013, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ký quyết định thành lập Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) trên cơ sở tổ chức lại Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem