Sẽ tăng mức hỗ trợ người học nghề

Thứ bảy, ngày 06/04/2013 08:59 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ban chỉ đạo Đề án 1956 dự kiến sẽ tăng mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại... cho học viên.
Bình luận 0

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết như vậy trong chương trình giao lưu giữa lãnh đạo các bộ, ngành với người dân về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” hôm 3.4.

Qua 3 năm triển khai Đề án 1956, đã có 1,8 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề, có hơn 74% lao động sau học nghề có việc làm, 339.000 hộ dân sau học nghề đã thoát nghèo, nhiều mô hình đạt hiệu quả cao...

img
Nông dân huyện Yên Thành học nghề nuôi trồng nấm.

Có mặt tại cuộc giao lưu, anh Nông Văn Sự (Hàm Yên, Tuyên Quang) - một trong những gương điển hình tham gia khóa học nghề trồng cây công nghiệp chia sẻ: Với 5ha vườn đồi trồng cam sành, lâu nay tôi vẫn làm theo kiểu tay quen nên hiệu quả không cao. Khi huyện tổ chức dạy nghề miễn phí, tôi đã đăng ký tham gia. Kết thúc khóa học, tôi áp dụng những kiến thức đã học vào sản xuất, kết quả là vườn cam sinh trưởng, phát triển tốt, mỗi năm trừ chi phí các loại, gia đình tôi thu về hơn 800 triệu đồng.

Bà Đỗ Thị Chiên – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Hải Hậu (Nam Định) phấn khởi: 3 năm qua, trung tâm đã tổ chức đào tạo 14 nghề cho người dân 35 xã, đảm bảo tìm việc và giữ việc làm cho người lao động. Trung tâm phối hợp với các Hội ND, cựu chiến binh, phụ nữ, thanh niên... tiến hành khảo sát, tìm hiểu nhu cầu học nghề của người lao động, sau đó cử giáo viên đến từng thôn, xóm khuyến khích, động viên nông dân học nghề, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh nhận định: Trong 3 năm triển khai, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, kinh phí hỗ trợ bà con tham gia học nghề còn hạn chế, nhiều nông dân sau học nghề vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn cho vay. Để nâng cao hiệu quả dạy nghề, tới đây, Ban chỉ đạo Đề án 1956 dự kiến sẽ tăng mức hỗ trợ tiền ăn trưa từ 15.000 đồng lên 25.000 đồng/ngày/người và nâng mức hỗ trợ đi lại 200.000 đồng/người lên cao hơn. Đồng thời, tăng cường hơn nữa nguồn lực để bà con được tiếp cận vốn vay.

Chương trình giao lưu diễn ra tối 3.4, do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp kênh truyền hình Nông nghiệp nông thôn (3NTV-VTC16) tổ chức, với sự hỗ trợ của MobiFone và Phân bón Thiên Nông.

Ông Võ Minh Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cũng cho biết thêm: Để đảm bảo cho nông dân sau học nghề có được việc làm bền vững, ngân hàng cũng đã tạo mọi điều kiện để học viên được vay vốn: Hộ nghèo được vay tối đa 30 triệu đồng/hộ với lãi suất 0,65%/tháng trong 3 – 5 năm; hộ sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn được cho vay giải quyết việc làm ở mức 20 triệu đồng/hộ và 500 triệu đồng cho một dự án với lãi suất 0,9%/tháng...

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân - Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Đề án 1956 yêu cầu: Hiện vẫn còn 196 huyện chưa có trung tâm dạy nghề, nhiều huyện chưa có chuyên viên phụ trách đề án. Vì vậy, các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn để hoàn thiện bộ máy hoạt động; không để tình trạng người dân học xong không có việc làm; hình thành các HTX đứng ra bao tiêu sản phẩm...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem