Siết điều kiện kết hôn với người nước ngoài

Minh Nguyệt (thực hiện) Thứ hai, ngày 22/07/2019 06:30 AM (GMT+7)
Xung quanh nguy cơ bị bạo lực gia đình của các cô dâu Việt ở nước ngoài, PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn với TS Trịnh Hòa Bình  – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội.
Bình luận 0
img

Xung quanh nguy cơ bị bạo lực gia đình của các cô dâu Việt ở nước ngoài,  PV Báo NTNN đã có cuộc phỏng vấn với TS Trịnh Hòa Bình (ảnh)  – Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội.

Thời gian qua xuất hiện khá nhiều vụ việc phụ nữ Việt kết hôn với người nước ngoài bị bạo lực gia đình. Theo ông nguyên nhân vì sao họ dễ gặp phải các vấn đề bạo lực?

- Thực ra, khó để phân tích các nguyên nhân, bởi mỗi một câu chuyện lại có một hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, tựu chung lại các mâu thuẫn trong các gia đình đa văn hóa có thể đều xuất phát từ các vấn đề văn hóa, ngôn ngữ, hiểu biết pháp luật kém, trình độ học vấn không cao, kỹ năng ứng xử kém... Tất cả những điều đó, tạo nên những mâu thuẫn trong gia đình khiến cho bạo lực gia đình gia tăng.

Thêm nữa, một số cô dâu kết hôn với chồng ngoại vì tiền, nhất là cô dâu vùng khó khăn nên chấp nhận các cuộc hôn nhân qua môi giới, không hề tìm hiểu về tính tình, sở thích của nhau. Điều này khiến cho việc kết hôn diễn ra nhanh chóng, thiếu tình yêu, thiếu sự tìm hiểu. Đây cũng chính là nguy cơ dẫn tới những mâu thuẫn, khác biệt trong quá trình chung sống của các cặp đôi.

img

Kim Wan-su - một người đàn ông Hàn Quốc kết hôn với một phụ nữ Việt Nam sau tour du lịch 5 ngày tìm vợ. Ảnh: I.T

Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân bạo lực trong các gia đình đa văn hóa là bởi các cô dâu không được hỗ trợ dạy tiếng, dạy văn hóa trước khi kết hôn... ông nghĩ sao về vấn đề này?

 - Tôi cho rằng đó không phải là nguyên nhân chính, bởi tôi biết hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý, dạy ngôn ngữ cho các cô dâu Việt trước khi kết hôn. Vấn đề ở đây nằm ở nhận thức của các cô dâu Việt, nhiều người vì nghĩ mình kết hôn, sinh sống ở nước ngoài thì sẽ có cuộc sống giàu sang, sung sướng nên bất chấp sự can ngăn, muốn lấy bằng được chồng ngoại.

 Một số chấp nhận đi học các lớp của gia đình đa văn hóa nhưng thời gian học ngắn, các chị em học qua quýt cho xong. Nhiều người thậm chí còn từ chối học.

Vì không có nghiên cứu kỹ lưỡng về đối tượng, gia đình nhà chồng, văn hóa sở tại nên nhiều người sau khi kết hôn về sinh sống với nhà chồng thì bị sốc “văn hóa”. Điều này khiến nhiều người sợ hãi cam chịu và nhận về cái kết bi thương: Bị đánh đập, chịu thương tích, thậm chí phải bỏ mạng nơi xứ người.

Vậy theo ông, cần có những giải pháp nào hỗ trợ các cô dâu, giảm bạo lực gia đình khi họ kết hôn với người nước ngoài?

- Vấn đề đầu tiên tôi cho rằng cần phải dạy cho các cô dâu ngôn ngữ. Phải biết ngôn ngữ thì các cô dâu Việt mới hòa nhập được với nước sở tại, với văn hóa đất nước và gia đình đó.  Ngoài ra, các cô dâu cũng cần phải chủ động tìm hiểu về kiến thức pháp luật, văn hóa nước sở tại... và cả các mối quan hệ ở xứ người để khi gặp khó khăn còn có nơi cầu cứu.

Bên cạnh đó, theo tôi các cơ quan cấp phép kết hôn của hai nước cần phải siết chặt điều kiện kết hôn. Ví dụ, ngoài việc có hồ sơ pháp lý, cần phải thực hiện các bài kiểm tra về ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, hiểu biết về gia đình chồng... trước khi đồng ý để họ kết hôn.

Nhìn chung cần phải có nhiều giải pháp để hỗ trợ các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc, nhưng theo tôi giải pháp quan trọng, hiệu quả nhất vẫn là các cô dâu cần phải chủ động, nâng cao tính cảnh giác, chủ động học tập, rèn luyện để thích ứng với nhà chồng và văn hóa nước sở tại sinh sống. Có vậy mới giảm thiểu các vấn đề bạo lực được.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem