Siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như "bỏ túi" hơn 4.900 tỷ đồng bằng cách nào?

Thứ tư, ngày 25/12/2013 09:45 AM (GMT+7)
Với những gì đã làm, Huỳnh Thị Huyền Như không chỉ là “siêu lừa” mà còn được mệnh danh “nữ hoàng” giả chữ ký, giả hồ sơ.
Bình luận 0
“Nữ hoàng” làm giả

Tháng 9.2011, Ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam (Vietinbank) và nhiều đơn vị, cá nhân đã tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của Huỳnh Thị Huyền Như.

Sau 2 năm điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã hoàn tất điều tra, đề nghị VKS truy tố 23 bị can phạm các tội danh như: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

img
"Siêu lừa" Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả con dấu, giả chữ ký và hồ sơ.

Trong quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã xác định, từ năm 2007 Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, quê Tiền Giang, ngụ quận 4, nguyên Phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng Vietinbank chi nhánh TPHCM) đã vay trên 200 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức và cá nhân với lãi suất cao để kinh doanh bất động sản. Đến năm 2010, Như mất khả năng thanh toán.

Theo kết luận của CQĐT, để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo 4.911 tỷ đồng của mình, Huyền Như đã dùng thủ đoạn khá đơn giản nhưng hiệu quả, đó là thuê khắc giả 8 con dấu làm công cụ thực hiện hàng loạt “phi vụ” phạm pháp. Với những gì đã làm, Huyền Như không chỉ là “siêu lừa” mà còn được mệnh danh “nữ hoàng” giả chữ ký, giả hồ sơ.

Huyền Như cùng các đồng phạm khác trong vụ án
Huyền Như cùng các đồng phạm khác trong vụ án.

Sau khi tìm được một “nghệ nhân” khắc dấu giả, Huyền Như liền lần lượt đem mẫu con dấu của các cơ quan, ngân hàng, công ty sở hữu “mỏ vàng” mà mình đang có ý định “khai thác” cho “nghệ nhân” làm giả.

Kết quả, sau một tuần miệt mài “sáng tạo”, người thợ này đã hoàn tất cho Huyền Như 8 con dấu giả. Và cũng từ đây, Huyền Như bắt đầu lao vào con đường lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong phi vụ làm ăn với Công ty CP Vận tải dầu khí Thái Bình Dương, Huyền Như đã soạn thảo hợp đồng, ký giả chữ ký của chị Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc công ty này rồi đóng dấu thật của Vietinbank Chi nhánh TPHCM.

Như vậy, đối tượng Như đã có trong tay một hợp đồng huy động số tiền gửi 118 tỷ đồng, lãi suất 10,49%/năm, lãi suất chênh lệch ngoài hợp đồng là 1%/năm.

Sau khi có hợp đồng giả mạo do Như tự ký kết, Công ty Thái Bình Dương đã chuyển số tiền 118 tỷ đồng đang gửi trong ngân hàng vào tài khoản của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Hoàng Khải do Như thành lập. Có tiền trong tay, Như dùng trả cho các cá nhân mà mình đã vay lãi cao.

Từ ngày 4.3.2010 đến 21.6.2011, Như làm giả 15 hợp đồng ủy thác đầu tư vốn giữa Vietinbank Nhà Bè với Công ty Thái Bình Dương.

Như còn dùng thủ thuật là ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn (nguyên cán bộ văn phòng Vietinbank TP.HCM) và dùng chữ ký thật của Võ Anh Tuấn ở các hợp đồng Tuấn đã ký với Vietinbank Nhà Bè nhưng chưa được sử dụng để ghép vào hợp đồng ủy thác đầu tư vốn do Như làm giả với Thái Bình Dương nhằm huy động của công ty này tổng số tiền 1.493 tỷ đồng.

Trong quá trình huy động tiền, để hợp thức hóa hồ sơ vay tiền cho Công ty Thái Bình Dương, Như đã soạn thảo sẵn các giấy xác nhận với nội dung: “Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè đã nhận tiền của công ty Thái Bình Dương” rồi nhờ Võ Anh Tuấn ký và đóng con dấu thật của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè.

Cứ thế, những món tiền béo bở của Thái Bình Dương lần lượt ngoan ngoãn chui vào túi của Như mà họ không hề hay biết là mình đang bị lừa đảo.

Đáng nói hơn, Như còn lừa cả “sếp” Võ Anh Tuấn khi tự sửa hợp đồng tiền gửi cho phù hợp, thuận lợi việc chiếm đoạt tiền rồi ký giả chữ ký của Võ Anh Tuấn, đóng dấu giả của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè rồi gửi ra Hà Nội.

Trong các phi vụ làm ăn với Công ty CP CK Saigonbank - Berjaya (SBBS), Công ty CP Bảo hiểm Toàn Cầu, Công ty TNHH Zenplaza, Chứng khoán Phương Đông, ngân hàng VIB, Navibank, ACB, bên cạnh việc giả chữ ký của lãnh đạo Vietinbank Nhà Bè, giám đốc các công ty có nguồn tiền béo bở, Huyền Như còn kéo theo hàng loạt bạn bè, người thân làm hợp đồng tiền gửi giả rồi thế chấp, cầm cố vay để trục lợi cho riêng mình.

Huyền Như “cao tay” lừa của bầu Kiên hơn 700 tỷ đồng

Ngày 18.10, Viện KSND Tối cao cho biết vừa ra cáo trạng vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) chi nhánh TP.HCM và nhiều đơn vị, cá nhân khác trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM.

Bầu Kiên cũng bị Huyền Như
Bầu Kiên cũng bị Huyền Như "qua mặt" lừa 700 tỷ đồng.

Cũng được coi là một trong các vụ “đại án” tham nhũng, VKS đề nghị truy tố bị can Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, thường trú ở phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM), nguyên Quyền Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ, Vietinbank, chi nhánh TP.HCM về 2 tội danh: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

VKS đã ra cáo trạng đề nghị truy tố Huyền Như cùng 22 đồng phạm khác
VKS đã ra cáo trạng đề nghị truy tố Huyền Như cùng 22 đồng phạm khác.

Cùng với “siêu lừa” này, còn có 22 bị can liên quan khác bị truy tố về các tội danh: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Cho vay lãi nặng; Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Được biết, ngày 22.3.2010, Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Nguyễn Đức Kiên đồng ý về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền VND và USD tại các tổ chức tín dụng, từ ngày 27.6.2011 đến 5.9.2011, Lý Xuân Hải đã chỉ đạo và uỷ quyền cho Kế toán trưởng Nguyễn Văn Hoà thực hiện uỷ thác số tiền 718,9 tỷ đồng cho 19 nhân viên Ngân hàng ACB gửi tiết kiệm vào Vietinbank Chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank Chi nhánh TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như, nguyên Trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ thuộc Vietinbank Chi nhánh TP.HCM chiếm đoạt.

Theo cáo trạng VKS đưa ra, từ tháng 3.2010 đến tháng 9.2011, để chiếm đoạt tiền của các cơ quan, đơn vị, cá nhân Huỳnh Thị Huyền Như đã lấy danh nghĩa huy động vốn cho Vietinbank, chi nhánh Nhà Bè và chi nhánh TP.HCM tự thỏa thuận lãi suất vay tiền rồi làm giả 8 con dấu của Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và 7 công ty, 2 ngân hàng Vietinbank và nhiều cá nhân, đơn vị khác để lừa đảo chiếm đoạt tiền của 9 công ty, 4 ngân hàng, 3 cá nhân với tổng số tiền gần 4.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định, ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các đơn vị, Huỳnh Thị Huyền Như còn có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của các cơ quan tổ chức.

Cụ thể là làm giả 8 con dấu của Ngân hàng Vietinbank (chi nhánh Nhà Bè), Công ty TNHH đầu tư Phúc Vinh, Công ty CP đầu tư Thịnh Phát, Công ty CP TM&ĐT Hưng Yên, Công ty CP ĐT&TM An Lộc, Công ty CP Bảo hiểm toàn cầu, Công ty Đức Minh Quang, Công ty CP CK Saigonbank-Beraja. Ngoài ra bị can còn làm giả hồ sơ, làm giả 110 hợp đồng tiền gửi, làm giả nhiều hợp đồng hồ sơ mở tài khoản, hợp đồng vay tiền bằng thẻ tiết kiệm…

ĐSPL (Theo ĐSPL)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem