"Siêu" nông dân sôi nổi bày cách vượt trong đại dịch giữa Thủ đô
"Siêu" nông dân sôi nổi bàn cách vượt khó trong đại dịch giữa Thủ đô
Trần Quang
Thứ ba, ngày 30/11/2021 16:28 PM (GMT+7)
Ngày 30/11, nhiều nông dân Việt Nam xuất sắc (NDVNXS) 2021 tại các tỉnh, thành đã về Thủ đô để chuẩn bị dự chuỗi sự kiện Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam 2021. Vừa gặp nhau, các "siêu"nông dân đã tay bắt, mặt mừng và sôi nổi trao đổi các câu chuyện làm ăn, vượt khó trong đại dịch.
Là một trong số nông dân đến Thủ đô sớm nhất, NDVNXS 2021 Nguyễn Đức Trọng ở Yên Khánh (Ninh Bình) tỏ ra rất phấn khởi. Vừa vào tới sảnh khách sạn, ông Trọng đã tiếp cận các đại biểu nông dân tại các tỉnh khác để trò chuyện, chia sẻ công việc làm ăn.
Ông Trọng cho biết, dù năm nay xảy ra đại dịch nhưng lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp, phân bón của ông không bị ảnh hưởng nhiều. "Mặt hàng kinh doanh của tôi là thứ không thể thiếu và thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp của nông dân.
Trong thời gian qua, giá phân bón tăng cao khiến cho bà con rất khó khăn nên vừa bán hàng, chúng tôi vừa cố gắng tư vấn, hướng dẫn bà con cách sử dụng phân "4 đúng" để người dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhất có thể", NDVNXS 2021 ở Ninh Bình nói.
Hằng năm ông Trọng còn phối hợp với các cấp, các ngành đặc biệt là Hội Nông dân tỉnh, huyện, xã tổ chức 200 hội thảo trao đổi kiến thức sản xuất nông nghiệp an toàn, sử dụng phân bón đúng cách cho trên 20.000 người.
Bên cạnh đó, ông Trọng còn hỗ trợ kinh phí, quà tặng cho hộ tham gia hội thảo bình quân 50.000 đồng/người. Phối hợp với tổ chức Hội trình diễn 12 điểm sử dụng phân bón con ó trên cây lúa, cây màu, mỗi điểm 1ha với tổng kinh phí hỗ trợ 6 triệu đồng/mô hình...
Vừa nghe câu chuyện làm giàu của ông Trọng, nhiều đại biểu nông dân có mặt tại đây đều đánh giá cao và bất ngờ với mức thu nhập trên 10 tỷ đồng của gia đình lão nông này. "Trong lúc sản xuất khó khăn vì đại dịch, giá phân bón tăng liên tục như hiện nay, cách làm của ông Trọng rất hay vừa đảm bảo được thu nhập của gia đình vừa giúp được bà con yên tâm sản xuất", ông Nguyễn Văn Thoa, NDVNXS 2021 Thái Bình bộc bạch.
Ông Thoa cho biết, ông và các nông dân lần này ra Thủ đô cảm thấy rất đặc biệt, không chỉ là tậm trạng vui mừng, vinh dự được dự ngày hội lớn của nông dân mà các đại biểu còn phải thích nghi an toàn với đại dịch. "Trong những ngày đặc biệt này chúng tôi phải làm quen dần với việc đeo khẩu trang và mọi giao tiếp cũng thay đổi theo quy định 5K của Bộ Y tế nhưng mọi người vẫn rất vui và phấn khởi khi được gặp, tâm sự với nhau", "siêu" nông dân ở Thái Bình nói.
Ấn tượng với với "siêu" nông dân xuất khẩu nghệ sang Nhật Bản, Châu Âu
Trong chuyển công tác ra Thủ đô lần này, anh Hoàng Quang Đông, NDVNXS 2021 ở Hưng Yên còn tranh thủ thời gian mang sản phẩm, cây, củ nghệ, hồ sơ đến cơ quan của Bộ Y tế để xin cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm và bảo tồn cây đặc sản của quê hương.
"Dù công việc buổi sáng nay của tôi khá nhiều nhưng mọi thứ đều thuận lợi. Bản thân vẫn kịp đến tụ họp, gặp gỡ các nông dân xuất sắc ở các tỉnh, thành nên cảm thấy rất vui, hào hứng", anh Đông tiết lộ.
Vừa trao đổi chuyện làm giàu với mọi người, anh Đông vừa liên tục nhận được các cuộc điện thoại của đối tác, nông dân trồng nghệ ở quê nhà. NDVNXS 2021 Hưng Yên cho hay: Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc sản xuất, xuất khẩu của công ty bị ảnh hưởng khá nhiều nhưng chúng tôi vẫn kết nối, đưa được sản phẩm sang Nhật Bản.
Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên của anh Đông là đơn vị đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sản phẩm nghệ khô, bột nghệ sang Nhật Bản. Vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cước vận tải, thiếu container.... khiến việc xuất khẩu nghệ sang châu Âu bị ngưng trệ, tuy nhiên, anh Đồng vẫn thường xuyên liên hệ với các đối tác qua mạng xã hội để kết nối lại các đơn hàng.
"Thị trường xuất khẩu sản phẩm của chúng tôi vẫn rất tiềm năng. Sau khi tham dự lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc trở về, chúng tôi đang có dự định sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nghệ theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Qua đó, chúng tôi rất mong Trung ương Hội nông dân Việt Nam và các bộ, ban ngành trung ương và tỉnh tiếp tục hỗ trợ máy móc, thiết bị, vốn... để công ty hoàn thành được mục tiêu và trong năm tới sẽ có thêm nhiều sản phẩm chế biến sâu xuất khẩu sang các thị trường khó tính", Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên kiến nghị.
Cùng kiến nghị với anh Đông, ông NDVNXS 2021 Nguyễn Đức Trọng đề nghị Ban tổ chức Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam tiếp tục quan tâm hơn với các nông dân xuất sắc sau lễ tôn vinh.
Cụ thể, ông Trọng góp ý chương trình cần theo sát thực tiễn sản xuất, kinh doanh sản phẩm của nông dân để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp bà con yên tâm làm ăn, phát triển.
"Vấn đề quan trọng nhất lúc này là giải quyết vấn đề về vốn và bình ổn giá vật tư đầu vào như giá phân bón, thức ăn chăn nuôi...
Là chủ đại lý phân bón nhưng mỗi khi tiếp người dân đến mua hàng, tôi cảm thấy rất buồn vì bà con phải mua phân với giá quá cao. Trong khi đó, sản phẩm làm ra lại mất giá, khó tiêu thụ. Tôi rất mong Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ Công thương sớm có giải pháp bình ổn giá mặt hàng này đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sản xuất nông sản và doanh nghiệp phân bón", ông Trọng kiến nghị.
Anh Hoàng Quang Đông, NDVNXS 2021 ở Hưng Yên tiết lộ thêm, thời điểm này công ty của gia đình đang tích cực lắp đặt máy móc, thiết bị và thực hiện chế biến thêm sản phẩm gia vị chế biến từ củ nghệ của quê hương để cung cấp cho thị trường nội địa.
Chính vì thế, lần này ra Thủ đô dự lễ tôn vinh, tôi cố gắng kết nối nhiều với các đại biểu mong giới thiệu, kết nối tiêu thụ được thêm nhiều sản phẩm mới của công ty.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.