"Siêu" trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản 3.300ha ở ĐBSCL hoạt động thế nào?
"Siêu" trung tâm liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản 3.300ha ở ĐBSCL sẽ hoạt động như thế nào?
Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 19/05/2022 17:46 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL tại TP.Cần Thơ sẽ hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng.
Hôm nay 19/5, UBND TP.Cần Thơ phối hợp với Bộ NNPTNT tổ chức Hội nghị góp ý Đề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL.
Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL đặt tại phường Long Tuyền (quận Bình Thủy) và xã Giai Xuân (huyện Phong Điền).
Theo dự thảo đề án, trung tâm có quy mô theo tầm nhìn đến năm 2050 là 3.300 ha. Trong đó, giai đoạn đầu tiên có quy mô khoảng 450 ha, tập trung cho sản xuất chế biến, hệ thống kho bãi, khu phi thuế quan của lĩnh vực nông nghiệp.
Mục tiêu chung của việc thành lập trung tâm là đóng góp, xây dựng TP.Cần Thơ trở thành thành phố trung tâm của vùng ĐBSCL, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng, hướng đến theo tinh thần Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Cần Thơ có hiệu lực từ năm 2022 và được thực hiện trong 5 năm (đến 2027).
Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, trung tâm trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại của vùng, thực hiện đầy đủ chức năng liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản vùng, hoàn chỉnh tất cả các phân khu chức năng của trung tâm trên diện tích theo quy hoạch.
Đến năm 2050, trung tâm sẽ trở thành hạt nhân của đô thị sân bay với công nghệ thông minh và là đầu mối của chuỗi các trung tâm sản xuất, chế biến và tiêu thụ thông minh toàn vùng. Trong chuỗi liên kết này, có khoảng 50% đến 70% các quy trình sản xuất được thực hiện tự động thông minh…
Góp ý cho dự thảo đề án, ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho hay, hiện nay, Kiên Giang, Cà Mau có trung tâm điều phối thủy sản, một số địa phương khác ở ĐBSCL có trung tâm điều phối trái cây, lúa gạo.
TP.Cần Thơ là trung tâm của vùng, nên việc thành lập trung tâm ở đây phải là trung tâm của các trung tâm, đóng vai trò kết nối. Ông Sử cũng lưu ý, đề án phải chú ý thông luồng vận tải hàng hóa đường biển để đi ra quốc tế.
Đồng ý kiến với ông Sử, ông Vương Quốc Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói: "Luồng vận tải hàng hóa đường bộ sẽ kết nối với các tuyến cao tốc. Riêng đường thủy và các hệ thống cảng, việc nạo vét luồng Định An – Trần Đề sẽ kết nối nhiều địa phương với TP.Cần Thơ, cảng biển nước sâu Trần Đề có vai trò thông thương ra quốc tế.
Cũng như ông Sử và ông Nam, nhiều lãnh đạo UBND tỉnh, Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL đều thống nhất ủng hộ việc thành lập trung tâm và có nhiều góp ý quan trọng khác cho việc hoàn thiện đề án.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ĐBSCL được thành lập theo cơ chế đặc thù, không chỉ là một khu công nghiệp, khu kinh tế mà sẽ vận dụng hết những chính sách để phục vụ cho nông sản ĐBSCL.
"Trung tâm hoạt động đa dịch vụ, đa chức năng và có thể sẽ hoạt động như một trung tâm dịch vụ hành chính công" - Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chỉ đạo UBND TP.Cần Thơ phối hợp với các cấp, ngành và các đơn vị có liên quan tăng tốc hoàn thiện đề án, sớm trình Thủ tướng phê duyệt quyết định thành lập trong năm 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.